Báo Điện tử Gia đình Mới

Những chuyện dở khóc dở cười học trực tuyến mùa dịch COVID-19

Học trực tuyến đang là giải pháp được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng trong mùa dịch COVID-19, đem lại nhiều hiệu quả tích cực, song cũng có không ít chuyện dở khóc dở cười xoay quanh việc học online.

Giờ học như cái chợ vỡ

Lớp học trực tuyến vừa bắt đầu được vài phút thì có đủ loại âm thanh, nào là tiếng cô giáo giảng bài, tiếng bố mẹ quát con học, tiếng trẻ con khóc, rồi đâu đó là tiếng gà kêu, chó sủa… Đủ loại âm thanh ầm ĩ vang lên làm không ít phụ huynh phải cảm thán “giờ học như cái chợ vỡ”.

Khi được hỏi về việc học hành của cậu con trai thời COVID-19, chị Nguyễn Thị Thu (30 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) nói ngắn gọn trong một câu: “Học hành thời cô vít chán chết”.

Như để dẫn chứng rõ hơn cho điều mình nói, chị Thu kể, cậu con trai thứ hai của chị năm nay học lớp một. Trước đó nghỉ Tết, rồi lại nghỉ dịch dài nên cậu bé chơi nhiều thành lười học.

Khoảng hơn 1 tuần nay nhà trường bắt đầu tổ chức học trực tuyến cho các bé. Nhưng cứ đến giờ học là bé lại khóc mếu, không chịu học, rồi còn viện đủ cớ để “câu giờ”.

Buổi học kéo dài chưa đến một giờ đồng hồ mà cậu bé viện cớ đi uống nước vài lần, uống nước chán lại đi vệ sinh, vào bàn ngồi học lại mất vài phút mới tiếp tục theo được bài giảng của cô. Điệp khúc như vậy lặp đi lặp lại vài lần nên cả buổi học cậu bé cũng không học được gì.

  Mỗi buổi học trực tuyến mùa COVID-19 với cả mẹ và bé đều là trận chiến

Mỗi buổi học trực tuyến mùa COVID-19 với cả mẹ và bé đều là trận chiến

Không chỉ con trẻ mè nheo gây mất thời gian trong buổi học online mà rất nhiều rắc rồi khác cũng xảy ra từ phía các bậc phụ huynh.

Vì không phải ai cũng thành thạo về công nghệ nên dễ xảy ra các tình huống dở khóc dở cười trong giờ học.

“Đang trong buổi giảng bài nhưng cô giáo không biết/không tắt mic của học sinh hoặc phụ huynh không biết tắt mic cho con thành ra tất cả cùng nói vào mic làm giờ học ồn ào, mất trật tự.

Xen lẫn tiếng cô giáo giảng bài là tiếng mẹ mắng con không chịu học, nghịch ngợm, tiếng trẻ con khóc vì bị mẹ quát, vì phải học bài, tiếng hàng xóm gọi nhau í ới, tiếng chó sủa, tiếng gà kêu… Đủ loại âm thanh giống như một cái chợ! Dịch dã mà kéo dài kiểu này chắc tôi ở lại lớp học thêm một năm nữa” – chị Thu nói.

Con học online cả nhà ngồi nhắc bài

Trong mùa dịch COVID-19, trẻ nhỏ không thể đến trường nên việc học online được xem là một trong những giải pháp khả thi nhất. Nhưng tại các vùng quê, cơ sở vật chất còn yếu kém, phương pháp học này vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

Chia sẻ về việc học hành của con trong mùa dịch, chị Trần Thanh Thúy (ở Ứng Hòa, Hà Nội) tâm sự, không phải nhà nào cũng có điều kiện để có phòng riêng cho con học tập và cũng không phải bố mẹ nào cũng có smartphone, có tiền mua máy tính cho con học.

Hơn nữa, hoàn cảnh sống ở quê còn khó khăn nên không phải nhà nào cũng lắp mạng, bố mẹ nào cũng hiểu biết công nghệ để giúp con học trực tuyến.

  Học trực tuyến bằng điện thoại của bố mẹ và mỗi lần cô giáo gọi trả lời bài các bé đều cần 'sự trợ giúp của người thân'

Học trực tuyến bằng điện thoại của bố mẹ và mỗi lần cô giáo gọi trả lời bài các bé đều cần "sự trợ giúp của người thân"

Những ngày đầu mới học trực tuyến, với mẹ con chị Thùy đó là một cuộc chiến. Nói là con học nhưng thực tế bố mẹ cũng phải học. Bởi nhiều phụ huynh không biết phải vào ứng dụng ra sao, không biết bật/tắt mic, camera thế nào…

Vậy nên, ngày đầu tiên cô con gái nhỏ phải học trực tuyến chị Thùy cùng các phụ huynh trong lớp của con đều tỏ ra lo lắng, dù đang dịch phải cách ly xã hội, nhưng mấy phụ huynh vẫn hẹn đưa con đến tụ tập cùng một nhà để cùng học.

Làm như vậy các mẹ có thể hỗ trợ nhau, chỗ nào không biết còn có thể hỏi phụ huynh bên cạnh. Chính vì vậy mà khi lớp học bắt đầu đều là tiếng nói của phụ huynh: “Mở máy rồi sao không thấy ai”; “các chị có thấy tôi không?”; “tắt cái tiếng này ở chỗ nào”; “cô giáo ơi tôi không mở được hình ảnh”; “cô giáo nói to lên cháu nghe không rõ”…

Thi thoảng trong buổi học còn có những tiếng nói chuyện của người lớn trong nhà học sinh, bởi cháu không có phòng riêng học tập, ngồi chung 1 gian nhà với mọi người nên rất nhiều tiếng ồn ào vọng vào… Và cô giáo lại phải dừng giảng bài để nhắc nhở “phụ huynh nên dành cho con không gian riêng để học tập”; “nhà em nào có người nhà đang nói chuyện to nhắc mọi người nói nhỏ lại để tập trung học bài”…

Rất nhiều những câu chuyện, tình huống dở khóc dở cười mà chị Thùy vô tình nghe được khi ngồi học trực tuyến cùng con trong mùa dịch COVID-19.

“Khổ nhất là các cháu bé học lớp 1, lớp 2 như con tôi. Mở điện thoại cho con học, khi đó tôi tắt mic để khỏi lạc tiếng ồn vào lớp học, nhưng khi cô giáo gọi con trả lời bài, con không biết bật mic lên lại lóc cóc chạy ra ngoài sân gọi mẹ đang bận việc “mẹ ơi cô giáo gọi con”. Rồi tôi lại bỏ dở việc đang làm chạy vào bật míc giúp con.

Không ít phụ huynh có thời gian ngồi học cùng con thì lại liên tục giục trẻ, “kìa cô giáo gọi kìa”, “trả lời đi”, “ngu thế”, “bài này phải làm như này chứ”… Nghe những âm thanh như vậy tôi không biết là các cháu đang học hay phụ huynh học nữa.

May mà tình trạng lộn xộn trong giờ học trực tuyến của các con chỉ kéo dài khoảng vài ngày, sau đó, cô giáo hướng dẫn cha mẹ, phụ huynh tự học hỏi lẫn nhau, nhắc nhở nhau nên giờ mọi thứ cũng ổn hơn” – chị Thanh Thùy tâm sự.

Trước thực trạng đó, chị Thùy cũng như bao phụ huynh khác đều hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, để các con được quay trở lại trường học cùng thầy cô và các bạn một cách bình thường.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO