Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Những điều bạn chưa biết về biểu tượng của Halloween- Đèn bí ngô Jack o’ lantern

Tại sao Halloween thường dùng đèn bí ngô để trang trí? Hãy bắt đầu với câu chuyện Halloween về Jack hà tiện.

2DEBC82100000578-3295842-image-a-30_1446153657498

 

Đèn bí ngô Jack o’ lantern - những quả bí ngô được chạm khắc với khuôn mặt ma quái được thắp sáng bằng những ngọn nến thắp bên trong là biểu tượng của lễ hội Halloween.

Tuy nhiên, còn nhiều câu chuyện xung quanh Jack o' lantern có thể bạn chưa biết.

1. Ban đầu, Jack o’ lantern chỉ người chứ không phải bí ngô

Cái tên này bắt nguồn từ việc người Anh gọi nam giới bằng những cái tên chung chung như ‘Dick, Jack, Tom,…’

Cụ thể là nam giới ở tầng lớp thấp trong xã hội thường được gọi chung là Jack, bắt nguồn từ khoảng thế kỷ XIV ở Anh.

Sau này cuối thế kỷ XIX, người Mỹ cũng dùng cái tên ‘Jack’ cho những người đàn ông không rõ tên thật.

Do đó, khi họ nhìn thấy ai đó mang theo chiếc đèn lồng ở một khoảng cách xa vào ban đêm, họ có thể nhận ra đó là đàn ông nhưng không nhận ra chính xác là ai.

Khi ấy người đàn ông ấy sẽ được gọi là ‘man with a lantern’ (người đàn ông với chiếc đèn lồng) hay còn gọi là ‘Jack of the lantern’ hay Jack o’ lantern.

Cái tên này thường được dùng là biệt danh cho những người canh gác đêm.

Đồng thời không lâu sau, khái niệm Jack o’ lantern cũng được dùng để chỉ ‘ma trơi’ – những đốm lửa trên các bãi tha ma.

Ma trơi là hiện tượng các hợp chất phốtpho được hình thành từ hoạt động của vi khuẩn sống dưới lòng đất phần mộ (gồm hai chất đó là phốtphin (PH3) và diphotphin) trong xương người và sinh vật dưới mồ bốc lên thoát ra ngoài, gặp không khí trong một số điều kiện sẽ bốc cháy thành lửa các đốm lửa nhỏ với độ sáng khá nhỏ (xanh nhạt), lập lòe, khi ẩn khi hiện.

Ban đêm mới thấy được ánh sáng còn ban ngày thì các đốm lửa này có thể bị ánh sáng mặt trời che khuất.

Vài trăm năm trước khi khoa học đưa ra lời giải thích xác đáng, người ta thường có nhiều câu chuyện về những đốm lửa ma quái và huyền bí này.

Ở Ireland thế kỉ XVI, người ta thường kháo nhau câu chuyện liên quan đến anh chàng tên Jack.

Jack_ha_tien

Stingy Jack - Jack hà tiện

2. Truyền thuyết về ‘Jack hà tiện’

Có lẽ câu chuyện về anh chàng Jack hay Jack hà tiện khá phổ biến với người Việt.

Theo truyền thuyết, Jack hà tiện – thường được kể là thợ rèn - mời con Quỷ đi uống rượu với anh ta.

Không muốn bỏ tiền túi trả tiền đồ uống, Jack đã thuyết phục con Quỷ biến mình thành một đồng xu để Jack có thể dùng mua rượu.

Khi Quỷ biến hình, Jack lại không trả tiền mà giữ lại đồng xu lại và đặt nó vào túi của mình bên cạnh một cây thánh giá bằng bạc.

Về sau Jack cũng giải phóng cho con Quỷ nhưng với điều kiện rằng nó không được trả thù, và sau khi Jack chết, nó sẽ không được bắt linh hồn của Jack.

Năm sau, Jack lại lừa con Quỷ leo lên một cái cây để hái trái. Khi con Quỷ trèo lên cây, Jack khắc một dấu thánh giá vào thân cây để con Quỷ không thể đi xuống cho đến khi con Quỷ hứa không làm phiền anh ấy thêm mười năm nữa.

Không lâu sau, Jack hà tiện qua đời. Đức Chúa Trời không cho phép Jack lên thiên đàng, mà Quỷ - giữ lời hứa – từ chối linh hồn Jack ở cửa địa ngục.

Thay vào đó, Quỷ cho Jack một hòn than để thắp sáng con đường của mình và ‘tìm địa ngục của riêng mình’

Jack bỏ than vào một củ cải được khoét rỗng ruột để nhìn thấy đường.

image

Jack o’ lantern khắc trên củ cải ở Bảo tàng Đời sống Quốc gia Ireland  

Người Ireland coi lửa ma trơi là linh hồn của Jack đang đi dạo. Jack và ánh sáng đó được gọi là ‘Jack of the Lantern’ hay Jack o’ lantern.

3. Câu chuyện cũ, truyền thống mới

Truyền thuyết này kết hợp với những truyền thống khác trên thế giới.

Người Anh có truyền thống làm đèn lồng từ các loại rau củ. Củ cải, củ cải đường, khoai tây được khoét rỗng ruột, nhồi than đá hoặc than gỗ hay nến sẽ trở thành những chiếc đèn lồng để kỷ niệm vụ mùa vào mùa thu.

Trẻ con thường dạo chơi trên đường với các loại củ phát sáng này để trêu chọc bạn bè hoặc người qua đường tưởng là Jack hà tiện hay một linh hồn nào đó.

Ở Mỹ, bí ngô là loại quả dễ kiếm và dễ khắc, vì vậy về sau người ta chọn dùng nó để làm đèn lồng và để trêu chọc.

Theo thời gian, trẻ con bắt đầu sáng tạo thêm và khắc những hình khuôn mặt ma quái lên bí ngô, nhằm tăng kích thích và khiến những quả bí ngô giống như những cái đầu.

Đến giữa thế kỷ XIX, cái tên Jack hà tiện được dùng để gọi những chiếc đèn bí ngô dọa người này, và cuối cùng đèn bí ngô đã có tên gọi Jack o’ lantern.

Cuối thế kỷ XIX, đèn Jack o’ lantern không chỉ còn là trò đùa của trẻ con mà đã trở thành món đồ trang trí truyền thống vào dịp lễ, trong đó có bữa tiệc Halloween năm 1892 của thị trưởng vùng Atlanta.

Vợ của thị trường đã trang trí Halloween bằng những chiếc đèn bí ngô chạm khắc đặt quanh bữa tiệc, kết thúc những ngày tháng lang thang của Jack o’ lantern, bắt đầu những năm tháng ‘ngự trị’ trên cửa sổ và hiên nhà của đèn lồng bí ngô.

jack-o-lantern

 

4. Kỷ lục thế giới liên quan đến Jack o’ lantern

Năm 2013: Thị trấn nhỏ Keene ở New Hampshire đã lập kỷ lục Guinness vì thắp nhiều đèn bí ngô Jack o’ lantern nhất cùng lúc với 30.581 trái bí ngô, phá vỡ kỷ lục năm 2006 ở Boston với 30.128 đèn lồng.

02

 

Trước đó, Keene đã từng lập kỷ lục danh hiệu này 8 lần và hàng năm vẫn cố gắng giành lại danh hiệu này, tranh đấu với Boston.

01

 

Sự kiện này phổ biến ở Keene đến mức, hàng năm vào dịp này, số người ở Keene tăng lên gấp 4 lần.

03

 

Năm 2010: Đèn lồng bí ngô lớn nhất thế giới được khắc bởi Scott Cully (Mỹ) từ một trái bí ngô nặng 821,23 kg ở Bronx, New York, Mỹ vào ngày 30 tháng 10 năm 2010.

Trái bí ngô này cũng giữ kỷ lục là trái bí ngô nặng nhất thế giới.

Trang Đặng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO