Báo Điện tử Gia đình Mới

Nỗi khổ của những người sống trong biệt thự cổ

Có bao giờ anh thấy tự hào khi sống trong biệt thự cổ ở trung tâm Hà Nội chưa? Chưa bao giờ cả! Ngửi thấy mùi sơn nhà mới xong, muốn ở lắm!

KIE_3290

Căn biệt thự cổ số 47 Trần Quốc Toản, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Đó là câu trả lời thẳng thắn của anh Ngô Minh Đức, người sống trong căn biệt thự cổ số 118 Bùi Thị Xuân, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

KIE_3376

Căn biệt thự anh Đức đang ở có tuổi đời mà theo anh, từ đời các cụ chuyển tới đây sống đã được gần 90 năm. 

Nói tới biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến cuộc sống xa hoa, sang trọng trong những căn nhà được định giá thị trường lên tới cả chục triệu USD.

Nhưng thực tế không phải vậy. Từ thời bao cấp, Nhà nước đã phân cho mỗi hộ ở một phòng trong những căn biệt thự của người Pháp.

Chỉ có số ít là của tư nhân, còn đâu là các hộ ở ngăn vách với nhau trong các biệt thự.

Dần dà, những căn biệt thự xuống cấp, biến dạng nặng nề với những bức tường mục nát, gạch, vữa bở vụn, nấm mốc loang lổ và cả sự cơi nới, tận dụng từng mét diện tích cho việc sinh hoạt thường ngày.

Hai chữ ‘biệt thự’ chỉ còn là cái danh khoác lên cho những lo âu của nhiều hộ dân sống bên trong.

Những căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Những người như anh Đức đang phải sống trong cảnh mỗi căn biệt thự có rất nhiều hộ sinh sống cùng nhau.

Ngoài vấn đề vệ sinh môi trường ô nhiễm, chỗ sinh hoạt chật chội, người dân còn tận dụng làm chỗ để xe, gửi xe, phơi đồ, bán hàng nước và kinh doanh nhỏ phục vụ dân xung quanh.

Mật độ người qua lại và sinh hoạt tại khu vực này rất đông nên không gian đã trở nên nhếch nhác.

Thêm nữa là tình trạng ‘cha chung không ai khóc’.

Không ai đứng ra kêu gọi sửa chữa và cũng chẳng ai chịu bỏ tiền ra sửa chữa ngoài khu vực riêng của mình dẫn đến hình ảnh căn biệt thự giờ giống như một chiếc tổ chim lớn trên phố.

3

Ngôi biệt thự cổ hơn 100 năm tuổi ở 47 phố Trần Quốc Toản, Q. Hoàn Kiếm thì lại rơi vào tình trạng bị nghiêng 15 độ. Độ nghiêng của căn nhà có thể quan sát bằng mắt thường nhìn từ bên ngoài vào. 

4

Tầng 1 của căn biệt thự số 47 Trần Quốc Toản. Ảnh: Thế Sơn

5

Trong hành lang tầng 2 của căn nhà. 

Bà Phạm Thị Nga, người dân sinh sống gần 50 năm tại biệt thự số 45, ngay bên cạnh căn số 47 cho biết, ngôi nhà đã bị lún, nghiêng từ nhiều năm trước.

6

Tường nhà nứt, bong tróc, gạch, vữa lộ ra. Một hộ dân sống trên tầng 3 thì quây chuồng cọp cho ban công để cơi nới thêm diện tích sinh hoạt. Ảnh: Thế Sơn

Cũng theo bà Nga, những người dân chưa có điều kiện di chuyển đến nơi ở mới, đành chấp nhận tình cảnh này, nhưng người ở nơi khác đến chơi đều cảm thấy sợ hãi bởi độ nghiêng của ngôi nhà khá lớn.

Sau khi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập, người dân ở khu nhà này hoang mang, lo lắng, nhưng vẫn đành bám trụ, vì họ không còn nơi nào khác để trú ngụ.

7

Mỗi hộ dân lại tận dụng một khu vực nhỏ ngoài trời để làm chỗ nấu nướng.  

Bước vào một căn biệt thự hai tầng khác trong ngõ Hội Vũ, Q. Hoàn Kiếm, chủ một hộ dân sống ở đây chỉ chán nản nói: ‘Ở đây chật chội có cái gì đâu mà các anh chụp ảnh. Cái nhà này sắp sập rồi’.

8

Cầu thang gỗ của một biệt thự trong ngõ Hội Vũ. 

9

Cũng theo vị chủ nhà này, căn biệt thự có tuổi đời bằng với cầu Long Biên. Các hộ được ngăn cách với nhau bằng những tấm gỗ, ván ọp ẹp chỉ vừa một người đi trên hành lang. 

10

Bếp và nhà tắm cùng ở chung trên ban công. Ảnh: Thế Sơn 

KIE_3122

Tầng 1 của căn biệt thự trong ngõ Hội Vũ là nơi sinh sống và bán hàng của một hộ dân khác. 

KIE_3102

Nhà vệ sinh chung của căn biệt thự số 18 Quán Sứ. 

KIE_3431

Bức tường đang bong tróc của gia đình anh Đức trong căn biệt thự số 118 Bùi Thị Xuân, Q. Hai Bà Trưng.  

Theo anh Đức kể lại, căn nhà đã quá lâu năm nên tường bị ẩm rất nhiều từ bên trong thấm ra.

Anh nói đùa, đối với nhà anh không chỉ có bốn mùa như những nhà khác mà còn có thêm mùa sơn tường.

Cứ khoảng nửa năm, lớp sơn mới tinh lại lở ra, bong tróc như hiện tại.

KIE_3402

Những vết nứt xuất hiện khắp trên tường nhà anh Đức. Mấy năm trước, anh đã một lần may mắn thoát chết khi vừa đi ra ngoài thì trần nhà trong phòng anh đổ sập xuống.

Ngày 4/7 vừa qua, HĐND Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh danh mục biệt thự. Theo đó, UBND Hà Nội đề nghị điều chỉnh danh mục 970 biệt thự cũ, trong đó đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục, xác định là công trình kiến trúc xây trước năm 1954 điều chỉnh giảm 123 biệt thự đã phá dỡ, một số đã xây dựng mới, còn lại vẫn là ô đất trống…

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 800 căn biệt thự tồn tại và người ở bên trong vẫn còn phải sống chung theo cái cách 'chia nhau nỗi khổ'. 

Kiều Dương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO