Báo Điện tử Gia đình Mới

Nói lên nỗi khổ thấu trời xanh của đàn ông, Hoàng Bách khiến dân mạng gật đầu lia lịa

Với quan điểm đàn bà đã khổ, đàn ông cũng khổ không kém các chị em, ca sĩ Hoàng Bách nhận được nhiều lời đồng tình từ phía cư dân mạng.

Mới đây, nam ca sĩ Hoàng Bách đã đăng tải một bài viết chia sẻ quan điểm về nỗi khổ của đàn ông cũng không thua kém gì các chị em khiến cư dân mạng vô cùng thích thú. 

  Ca sĩ Hoàng Bách hạnh phúc bên vợ cùng hai nhóc tỳ dễ thương

Ca sĩ Hoàng Bách hạnh phúc bên vợ cùng hai nhóc tỳ dễ thương

Bằng kinh nghiệm của một người từng trải, nam ca sĩ lần lượt đưa ra những lí lẽ đanh thép chứng minh cho quan điểm của mình. Ngay khi đăng tải bài viết này, Hoàng Bách đã nhận được nhiều lời khen của cư dân mạng. 

Nội dung bài viết được đăng tải trên facebook của nam ca sĩ như sau:

"Đàn bà cơ bản là khổ. Sinh ra cái phận đàn bà, xác định là đã buồn với khổ. Mà đàn bà Á Đông, chịu cái vòng siết của tam tòng tứ đức, để rồi cái khổ nó chồng lên nhau thành núi."

Đàn bà khổ, đàn ông cũng khổ

Rất đồng ý, đàn bà sinh ra vốn đã khổ, nhưng thằng đàn ông ở cái xứ này cũng khổ, không chất chồng đến mức như núi thì cũng phải là bức tường thành.

"Yêu, đàn bà cũng khổ.

Đàn ông nó yêu mười con đàn bà, chuyện thường. Bởi mấy ông bà già xưa cho rằng cái thói trăng hoa đàn ông nào cũng có, rồi thì tam thê tứ thiếp là thường. Chứ thử đàn bà yêu nhiều, người đời nó gán cho cái chữ lẳng lơ, trắc nết."

Yêu, đàn ông cũng khổ

Thằng đàn ông, vốn được cho cái tiếng "phái mạnh", khi yêu lại càng phải thể hiện cái "sự mạnh" của mình. Ông nào mang tiếng yêu được chục em là thường mà không sạt nghiệp tôi xin coi là sư phụ, nai lưng vắt óc ra kiếm tiền rồi cũng chui hết vào một chỗ.

Cụ thể luôn cho dễ, ông nào ở thành phố, dắt nàng đi ăn không phải chỗ đàng hoàng, xe cộ mà không phải xe tay ga thì cũng ráng mượn cho có thì mới dám tự tin đến rước nàng đi chơi. Mấy ông ở nông thôn thì khổ đằng nông thôn, làng nào có con gái xinh xinh đến tuổi cập kê thì trai làng nó xếp mấy lớp từ đầu làng, vượt qua được mà lành lặn thì cũng phải hạng cao thủ võ lâm, còn mang thương tích trở về, răng môi lẫn lộn thì là chuyện thường ngày ở huyện. Mà đương nhiên luôn nhá, thành phố hay nhà quê thì các ông cứ tự biết là mỗi lần đi chơi, đều như vắt chanh, phải là mình trả hết, nàng chỉ ngồi xỉa răng thôi.

Đấy là còn chưa nói đến vụ quà cáp, một năm có bao nhiêu ngày để nàng nhận quà, ngày Phụ Nữ quốc tế, ngày Phụ Nữ Việt Nam, ngày valentine, Trung thu, Noel, Tết thiếu nhi, Tết Nguyên Đán, sinh nhật nàng, sinh nhật bố, mẹ, anh, chị, em, cháu, hay kể cả con bạn thân nàng thì anh em cũng không thoát được. Chia tay, nàng sĩ diện trả lại quà thì không sao, mình vì thấy tiếc tiền đầu tư khi chưa khai thác đúng mức mà đòi lại thì ôi thôi, cả đời không dám ngẩng mặt lên nhìn ai!

"Cưới, đàn bà cũng khổ.

Chọn chồng với đàn bà coi như chọn nửa đời còn lại, kiểu rất hên xui. Nhiều đàn ông lúc chưa cưới thì tốt, cưới về tự dưng đổ đốn ra. Mà đàn bà lại đâu thể sống thử trước khi cưới, vì sống thử cũng là lăng loàn trắc nết. Chưa kể, lấy chồng còn là lấy cả giang sơn nhà chồng. Về rồi hầu hạ mẹ chồng, cha chồng, em chồng. Nói thì buồn, chứ có cô ở nhà mẹ ruột không nấu được nồi cơm cho cha mẹ mình ăn, qua nhà chồng thì từ trà tới nước cũng bưng."

Cưới, đàn ông cũng khổ.

Chọn vợ với đàn ông cũng là chọn nửa đời người còn lại. Khi yêu thì mấy bà thơm tho xinh đẹp, cưới về tự dưng thành người khác, tính nết khác là chuyện bình thường. Thì biết là phải chăm lo nhà cửa con cái rồi, nó khác, nhưng cứ dựa vào lý do đó mà đầu bù tóc rối, chẳng quan tâm đến vẻ bề ngoài thì, tính tình thì cáu gắt lèm bèm, kể cũng khó nghĩ cho các ông chồng quá.

Làm thằng đàn ông hiện đại, để vợ sống chung với gia đình mình, phải hầu hạ cha mẹ mình thì tội cho vợ, thương vợ mà dám thể hiện ra ngoài thì lại thành bất hiếu, thân trai giữa hai dòng nước, biết phải làm sao. Trường hợp mấy ông yêu phải mấy em muốn ở riêng, trước khi cưới mà không có được sự nghiệp hoành tráng hay cha mẹ để lại ít tài sản cho mà mua nhà riêng thì coi như xong, khả năng yêu nhiều mà vẫn ế là khá cao.

"Giận, đàn bà cũng khổ.

Sống ở nhà chồng, có giận chồng thì chỉ có nước vô phòng riêng úp mặt vào gối mà khóc không ra tiếng. Chứ méc ai bây giờ, méc mẹ chồng, thì con bả bả phải bênh, chứ mắc gì bênh cái thứ người dưng như mình. Gọi cho mẹ ruột thì sợ mẹ xót lòng xót dạ. Muốn xách cái giỏ về nhà mẹ ở cho thỏa cơn cũng không dám, tại cái tiếng "Bị nhà chồng trả về" nó ác nghiệt dự lắm. "

Vợ giận, đàn ông cũng khổ

Tôi hỏi các ông, có ai nghe thấy cụm từ "ôm gối ra phòng khách ngủ" nó ám chỉ đàn bà không? Tôi thì chưa bao giờ!

Cưới nhau về, của chồng là của vợ, ông nào khéo lắm thì kiếm được cái quỹ đen be bé xinh xinh vừa đủ dăm ba trận nhậu. Còn lại, của vợ hết.

Mà các ông có đồng ý với tôi rằng, vợ giận mình vì mình sai hay mình giận vợ vì vợ sai, cuối cùng người xin lỗi trước cũng vẫn là các ông. Ông nào nói ngược chắc phải xuất ngũ từ đội lính chì dũng cảm hay 5 anh em siêu nhân.

"Đẻ con, đàn bà cũng khổ.

Đàn ông bốn mươi, năm mươi mà còn mạnh, tinh trùng còn khỏe thì cứ thế mà bắn, mà giúp đàn bà thụ thai. Tinh trùng yếu một chút thì đời con mình nó yếu, chứ bản thân đàn ông không bị ảnh hưởng. Còn đàn bà, trên ba mươi mà đẻ con thì xác định là không tốt cho cả con và mẹ.

Đẻ con, coi như cắt một phần máu, thịt, da, xương của mình để tạo ra một sinh linh mới. Trong vụ này thì đàn ông nó góp có mỗi con tinh trùng. Đẻ xong rồi, cơ thể đàn bà yếu ớt hơn hẳn, không chăm sóc nghỉ dưỡng kỹ thì về già càng đớn càng đau. Đàn ông thì vẫn khỏe phây phây. Đàn bà đẻ chứ đàn ông có đẻ đâu.

Đẻ xong, đàn bà xuống sắc. Da nứt thịt rạn, chưa kể cái cửa mình cũng rộng hơn, cho đám đàn ông nó chê ỏng chê ẹo, đi kiếm mấy cái cửa khít hơn, trẻ hơn, đẹp hơn. Đó là chưa kể trong thời gian mang bầu, kiêng khem này nọ, một đống thằng nó phải đi tìm chỗ bên ngoài mà xả... và đàn ông nó coi đó là... bình thường.

Vậy chứ mà không đẻ con thì thiên hạ nó kêu "cây độc không trái, gái độc không con."

Vợ đẻ, đàn ông cũng khổ

Các chị em có 6 tháng nghỉ sinh, anh em chúng tôi có tháng nào đâu. Đêm con khóc cũng bật dậy như lò xo, thay tã, cho bú, vỗ ợ như ai. Sáng vẫn phải đúng giờ có mặt ở sở làm, vẫn phải hoàn thành tiến độ công việc, ngày ngủ 2-3 tiếng là bình thường mà nào có dám than?

Chưa kể đẻ xong coi như mất vợ, trước khi có cái đứa chui ra từ trong bụng, mình không nhất thì cũng nhì trong nhà, có nó ra, mình xuống hạng bét, hoặc tệ hơn là chứng kiến cô người yêu mình mới mất mấy năm cưa cẩm mới cưới được về năm trước, năm sau đã thuộc về đứa khác, chỉ lo cho đứa khác, chỉ ngọt ngào với đứa khác, còn với mình thì coi như kẻ thừa, nghĩ mà đau nhưng đố dám thắc mắc.

"Ly dị, đàn bà càng khổ.

Sau này người ta hay nói "Cưới đại đi, có gì thì li dị". Thử đi rồi thấy cái cảnh. Đàn ông một đời vợ không sao, chứ đàn bà một đời chồng thì coi như... xong! Thằng nào muốn nhào vô cũng lo ngai ngái trong lòng, "Con này nó sống sao mà thằng chồng trước không chịu nổi?" Chưa kể đàn ông có còn sợ làm thằng đổ vỏ cho thằng nào ăn trước nó.

Ly dị xong, gặp gia đình thương yêu, hiểu chuyện thì cha mẹ ruột còn đón về chăm sóc, chứ mà gặp gia đình phong kiến, mang cái tư tưởng "con gái gả đi rồi là coi như hất chén nước đi, nó có quay về nằm trước cửa cũng không nhìn" thì coi như xác định là bỏ xứ mà đi cho khỏe.

Đẻ con thì đàn bà đẻ, chứ lúc ly dị thì lại phải đấu tranh để giữ đứa con cho mình, bởi luật có thể đưa đứa con cho chồng. Máu thịt mình dứt ra mà bắt đưa cho ng ta sao đành. Mà giữ lại nuôi thì kinh tế phải vững, hên lắm thì gặp được thằng chồng có trách nhiệm, chu cấp mỗi tháng, nhưng số này đếm trên đầu ngón tay. "

Ly dị, đàn ông cũng khổ

Có bươn chải ngoài đường kiếm đồng tiền mới thấy, khó lắm, khổ lắm, áp lực lắm. Thằng ngoan thì ít thằng khôn thì nhiều, kiếm được đồng tiền mang về nhà nuôi mấy cái tàu há mồm đã khó, có được tài sản tích luỹ càng khó hơn. Làm thân đàn ông, dù có ở xã hội nào, cũng mặc nhiên tự coi mình phải là trụ cột kinh tế. Thành công thì không sao, lỡ thất bại thì kinh khủng lắm, có bao nhiêu vụ tự tử vì thua chứng khoán, vì thua nhà đất mà phá sản là phụ nữ, tôi chưa thấy vụ nào, toàn đàn ông. Sự nghiệp của thằng đàn ông, ngoài ý nghĩa đảm bảo no ấm cho gia đình, còn là thước đo thể diện của bản thân, mà khi chia tay, tài sản chia đôi, hoặc nhiều ông xông xênh cho vợ tất, con cái cũng theo mẹ, vậy cho tôi hỏi, bao nhiêu năm cố gắng để làm gì khi một thời gian sau thôi, nhà mình thằng khác ở, con mình thằng khác nuôi, có đau không?

"Sơ sơ nhiêu đó, chứ kể hết ra, chắc đàn bà đi tự tử hết.

Nên đàn bà đừng quá trông mong hay nghĩ đời mình phải dựa dẫm vào đàn ông mà sống. Lo cho bản thân mình đã, lo làm đẹp ngoại hình, lo trang điểm kiến thức, lo thăng tiến tương lai, lo cho cha mẹ.

Còn đàn ông, kệ bà tụi nó tự sinh tự diệt, tự mang lại hạnh phúc cho nhau là được rồi.

Bời... làm đàn bà cơ bản là khổ mà."

Tôi cũng chỉ kể sơ sơ ra thôi, để đáp lại thằng em cái bài viết quá hay của nó. Tôi đồng ý, làm thân phụ nữ là khổ lắm, những gì tôi viết ra không mang ý nghĩa so sánh mà phần nhiều là để chia sẻ, rằng đàn ông cũng có những nỗi khổ của mình. Dù chỉ là một phần nhỏ của 2 mảng âm - dương của cuộc sống, nhưng tôi tin, nếu chúng ta chia sẻ thay vì thờ ơ, kể lể hay chỉ trích, cuộc sống sẽ đẹp hơn.

Không thể có một hạnh phúc chung khi một trong hai người đang đau khổ, cũng không thể có cuộc sống hay con người hoàn hảo, nhưng cùng nhau xây dựng để hài lòng hơn mỗi ngày, tôi nghĩ ai cũng sẽ làm được! Chúc cuối tuần rực rỡ tới tất cả mọi người!".

Nguồn: Fb Hoàng Bách

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO