Báo Điện tử Gia đình Mới

Nữ sinh kiện trường vì bị bắt nhuộm tóc đen dấy lên những câu hỏi về luật lệ hà khắc của Nhật Bản

Nhật Bản vốn là một đất nước nổi tiếng về tính kỷ luật. Tuy nhiên, vụ việc một trường cấp ba ở Osaka bắt nữ sinh nhuộm tóc để có màu tóc giống các bạn đang dấy lên nhiều tranh cãi về sự máy móc và cứng nhắc trong luật lệ.

nu-sinh-nhat-kien-truong-vi-bat-nhuom-toc-den

Tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật của người Nhật là số một thế giới: Tất cả sinh viên tốt nghiệp ra trường mặc vest đen đi xin việc; phụ nữ phải che miệng khi cười và rót bia khi liên hoan công ty.

Nhiều trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục, đi giày và để kiểu tóc giống nhau. Thế nhưng, gần đây, một trường ở quận Osaka đã bị kiện vì đẩy việc này đi quá xa.

Cuối tháng 10 vừa qua, một nữ sinh 18 tuổi đã đệ đơn lên Tòa án quận Osaka, yêu cầu trường cô đang theo học bồi thường 2,2 tỷ yên (tương đương 4.435 tỷ VNĐ) vì yêu cầu cô nhuộm tóc đen nếu muốn tiếp tục đến trường.

Được biết, nữ sinh trong vụ kiện đã nhập học tại trường Trung học Kaifukan ở thành phố Habikino, quận Osaka từ năm 2015.

Không lâu sau, cứ cách 1 – 2 tuần, em học sinh này lại bị yêu cầu nhuộm tóc đen (tóc em vốn có màu nâu đen).

Màu tóc được coi là tiêu chuẩn ở trường học của Nhật

Màu tóc được coi là tiêu chuẩn ở trường học của Nhật

Từ học kỳ hai trở đi, cứ 4 ngày em lại bị cô giáo bắt nhuộm tóc. Hậu quả là da đầu và tóc em bị hư hỏng nặng còn tinh thần trở nên u uất. Em học sinh cho biết, em cũng bị bắt nhuộm tóc đen thời học cấp 2.

Đỉnh điểm của sự việc là vào tháng 9/2016, một giáo viên đã nói với nữ sinh này: ‘Nếu em không nhuộm tóc đen thì không cần phải đến trường nữa’. Kể từ đó, em không đến trường.

Tháng 4 vừa rồi, trường xóa tên em khỏi danh sách học sinh và loan tin em đã bỏ học. Theo một nguồn tin, nhà trường đã nói với luật sư của em: ‘Kể cả nếu chúng tôi có một sinh viên ngoại quốc tóc vàng, chúng tôi cũng bắt em đó nhuộm lại tóc đen’.

Empty

Rất nhiều trường ở Nhật cho rằng việc nhuộm tóc màu, đặc biệt là những màu sắc sặc sỡ là biểu hiện của sự nổi loạn.

Ở Tokyo, gần 60% trường công lập yêu cầu học sinh chứng minh tóc họ có màu tự nhiên và không được làm xoăn bằng cách cung cấp ảnh chụp thời bé.

Phụ huynh phải ghi rõ màu tóc (ví dụ, hạt dẻ) và chất tóc (xoăn hay thẳng) tự nhiên một cách chính xác. Một số trường thậm chí cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa.

Tuy nhiên, phải đến khi nữ sinh kể trên kiện trường, thực trạng này mới thực sự được xã hội chú ý. Nhiều người ủng hộ nữ sinh lên tiếng kể về việc đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Sayaka Akimoto, cựu thành viên nhóm nhạc AKB48

Sayaka Akimoto, cựu thành viên nhóm nhạc AKB48

Sayaka Akimoto, cựu thành viên nhóm AKB48, người mang hai dòng máu Nhật Bản – Philippin và không có tóc đen tự nhiên chia sẻ trên Twitter, cô đã từng bị bắt nhuộm tóc đen thời còn đi học.

‘Luật lệ rất quan trọng nhưng có rất nhiều những điều khác còn quan trọng hơn’ – cô viết. Cho đến nay, bài đăng của cô đã nhận được hơn 21.000 lượt like.

Nhiều cư dân mạng nhận định vấn đề này không đơn thuần chỉ là chấp hành luật lệ.

Với số lượng học sinh nước ngoài hoặc mang nhiều dòng máu gia tăng, việc nhà trường bắt các em thay đổi diện mạo theo một quy chuẩn nhất định có thể coi là phân biệt chủng tộc.

Empty

Tài khoản @mi_adhd tâm sự về trải nghiệm thời đi học của mình: ‘Hồi trước tóc tôi màu hung đỏ, vì thế mẹ tôi nộp đơn kiến nghị cho tôi được ‘khác biệt’.

Vậy mà, nhà trường khẳng định chính vì tôi khác biệt nên mới bị các bạn bắt nạt, cô lập.

Chúng ta đâu phải đang sống trong thời cổ đại? Những nỗ lực đa dạng văn hóa sẽ chẳng đi đến đâu nếu thực trạng giáo dục còn như thế này’.

Người dùng @jaco_hideaki đồng ý với ý kiến này. ‘Đây là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nếu chúng ta đang cố gắng hướng đến một cộng đồng đa dạng, chúng ta phải chấp nhận mọi cá nhân, bao gồm cả những khía cạnh về diện mạo’.

Phía những người ủng hộ trường trung học phản pháo rằng truyền thông đã đưa tin bóp méo, không đầy đủ về cách chính sách của trường.

Tuy nhiên, dựa theo phản ứng của dư luận, có vẻ vụ việc của nữ sinh này không phải trường hợp hy hữu và nhiều khả năng cuộc tranh luận sẽ còn tiếp diễn nảy lửa ở đất nước này.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO