Báo Điện tử Gia đình Mới

Sớm ban hành tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia để tạo văn minh trong nông nghiệp

Ngày 16/12, tại Diễn đàn Hữu cơ quốc tế, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH đã kiến nghị ban hành tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia và cho đó là công cụ mạnh mẽ nhất để giám sát sản xuất hữu cơ, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Doanh nhân Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH phát biểu tại diễn đàn

Doanh nhân Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH phát biểu tại diễn đàn

Tâm huyết của người làm nông nghiệp hữu cơ

Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Hữu cơ quốc tế ‘Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập’, trước hơn 500 đại biểu quốc tế và trong nước, bà Thái Hương nêu rõ: ‘Những điều tôi muốn nói nông nghiệp hữu cơ là gì, có tác dụng như thế nào các chuyên gia đã nói rồi, bây giờ tôi chỉ chia sẻ ở góc độ người làm nông nghiệp hữu cơ’.

Là người dẫn đạo Tập đoàn TH áp dụng 2  hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế Châu Âu và Mỹ  tại trang trại rau FVF (14,7ha) và Trang trại Dược liệu TH (20ha) tại huyện Nghĩa Đàn, huyện Yên Thành, Nghệ An, bà Thái Hương đã gây dựng vùng rau quả dược liệu hữu cơ lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, cả 2 trang trại đều được chứng nhận hữu cơ quốc tế đã đăng ký.

Bà Thái Hương phát biểu tại diễn đàn.

Bà Thái Hương phát biểu tại diễn đàn.

Chăn nuôi bò sữa hữu cơ và sản xuất sữa hữu cơ đang là xu hướng mới trong ngành chăn nuôi. Trang trại bò sữa hữu cơ TH mô hình chăn nuôi bò sữa hữu cơ lớn được tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và Mỹ.

TH hiện đang sở hữu đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con với 328 ha đồng cỏ/ngô hữu cơ tại tỉnh Nghệ An và đã cho ra mắt sản phẩm TH true MILK organic.

Trên cơ sở thực tế đó, bà Thái Hương chia sẻ: ‘Từ khi tôi bước chân vào thương trường, tư vấn cho tập đoàn TH làm dòng sữa tôi gọi là ‘tươi sạch’ phục vụ cộng đồng nhưng trên hết là trách nhiệm với cộng đồng’.

Chúng tôi làm hữu cơ cũng vì tư tưởng đó, sản xuất hữu cơ chính là tạo ra văn hóa, văn minh trong sản xuất hàng hóa, làm thế nào để doanh nghiệp cũng cam kết với cộng đồng và trách nhiệm với xã hội thì doanh nghiệp đó sẽ sống với thời gian’.

Empty

Chính phủ đang yêu cầu sự liêm chính, công bằng, minh bạch… sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, làm rõ các tiêu chí sản xuất, đó chính là sự minh bạch, liêm chính nhất, làm rõ thông tin hàng hóa từ nguồn gốc của nó để người tiêu dùng lựa chọn.

‘Bản chất của một nền kinh tế là sản xuất hàng hóa, muốn một nền kinh tế phát triển bền vững, có sức mạnh thì sức mạnh hàng hóa là nền tảng. Do đó, qua Diễn đàn này, đề xuất của tôi là cần công bằng, minh bạch trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ’, bà nói.

Trong quá trình sản xuất hữu cơ, bà thấy có nhiều khó khăn: Thứ nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới người làm cứ tranh nhanh nhau nói, đưa lên truyền hình để quảng cáo bán sản phẩm ‘khoác áo’ hữu cơ, kết quả là sản phẩm rất đắt đỏ.

Do đó bà đề xuất cần đưa ra bộ tiêu chí, quy chuẩn sản phẩm hữu cơ quốc gia để các doanh nghiệp dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn đó để hoàn thiện sản phẩm của mình, giảm giá thành sản phẩm.

Empty

‘Cuối cùng sự cam kết của doanh nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Hãy để cho họ tự đăng ký làm sản phẩm gì, mình không cầm tay chỉ việc đi theo hướng nào họ tự đăng ký. Mình quay trở lại giám sát. Bộ tiêu chí, quy chuẩn sẽ là căn cứ để giám sát họ thực hiện. Đơn vị giám sát là các hiệp hội và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài cùng thời gian, muốn có lợi nhuận thì nhất định phải cam kết. Quan điểm của tôi sống như cha ông đã nói, thật thà là trên hết, mong Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hữu cơ để làm nền tảng cho sự thật, tạo công bằng cho doanh nghiệp’.

Bà cũng chia sẻ thẳng thắn: ‘Làm hữu cơ rất khó. Không phải đưa một con bò hữu cơ về là làm được hữu cơ đâu mà môi trường xung quanh nó phải sạch, nguồn đất, nguồn nước sạch, toàn đàn và chuồng trại cũng phải sạch. Không thể chỉ nuôi vài con để làm thương hiệu, điều đó không được’.

7

Bà mong rằng Thủ tướng có chỉ đạo về việc ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn nói chung về sản xuất hàng hóa để hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với quốc tế.

‘Từ thực tế sản xuất, tôi thấy nếu sản xuất có tiêu chuẩn, có chứng nhận minh bạch thì cũng không phải xuất khẩu đâu, chỉ cần bán trong nước đã ‘cháy’ hàng.

Tôi bán rau hữu cơ, sữa hữu cơ tại Việt Nam lúc nào cũng cháy hàng. Chúng tôi và các nhà phân phối phải chia sữa, chia rau để bán.

Chúng tôi đang mở rộng sản xuất, sẽ cung cấp lượng sản phẩm hữu cơ lớn, trước mắt là phục vụ người dân Việt Nam, sau mới hướng đến xuất khẩu...’, bà khẳng định.

Đề xuất làm tư vấn cho dược liệu hữu cơ

Tại Diễn đàn quốc tế này, bà cũng đề xuất với vai trò Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, xin làm nhà tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính để sản xuất sản phẩm hữu cơ cho lĩnh vực thảo dược.

‘Tôi đi trên con đường này 7 năm. Hiện nay tôi đã tư vấn cho tập đoàn TH triển khai sản xuất dược liệu hữu cơ dưới tán rừng ở Nghệ An, Sơn La, Hà Giang...

Có dịp tôi cũng mời Thủ tướng  và các chuyên gia, các doanh nghiệp tới thăm mô hình trồng dược liệu của tôi ở Nghệ An.

Empty
Empty
 

Đó là mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Mô hình nhỏ thôi nhưng tôi sẽ nhân lên. Đó là mô hình giúp người dân sản xuất hữu cơ và bảo vệ rừng.

Tôi định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ.

Người dân sẽ làm 2 việc: một là hái lượm thảo dược hữu cơ tư nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng…

Doanh nghiệp chúng tôi sẽ liên kết thu mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm ra đến chuỗi cuối cùng.

Tới diễn đàn này, các đại biểu đều thấy quả gấc. Đây là gấc hữu cơ chúng tôi  trồng ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Trước đây người nông dân vùng này còn nghèo nhưng giờ họ không nghèo nữa rồi. Họ trồng rau má, trồng gấc, lạc tiên organic (hữu cơ).

Từ nguyên liệu của bà con, chúng tôi thu mua, chế biến sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ (đã đoạt Giải thưởng thực phẩm của tháng 2/2015 tại Mỹ) và các loại thức uống thảo dược bán tại Việt Nam’, bà nói.

Empty
Empty
 

Bà cho rằng với vai trò tư vấn, bà sẽ truyền lửa để tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất thảo dược/dược liệu dưới tán rừng để thảo dược trở thành sản phẩm hữu cơ mũi nhọn, thậm chí tạo ra vùng lưu trữ bảo tồn và phát triển thảo dược/dược liệu của Việt Nam, như định hướng của Thủ tướng nói về 5 vùng dược liệu của Việt Nam.

Nhìn từ góc độ chiến lược, bà khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam đã có truyền thống lâu đời, cha ông ta đã gây dựng sẵn nền canh tác hữu cơ. Ngày nay chúng ta chỉ cần kết hợp cách làm nông nghiệp hữu cơ xa xưa cộng với khoa học kỹ thuật hiện đại thì sản lượng sẽ không kém sản xuất thông thường.

‘Như bò sữa của chúng tôi cũng đạt năng suất sữa 25 lít/con/ngày, cá biệt có con lên tới 37 lít/con/ngày. Rau cũng thế. Đó chính là quy trình sản xuất hữu cơ kết hợp khoa học kỹ thuật sẽ làm được điều đó’, bà nêu thực tế

Với những hiệu quả rõ ràng về kinh tế, bảo vệ môi trường và trên hết là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nữ doanh  nhân ngành sữa cam kết sẽ vận động, tư vấn, truyền cảm hứng và sự phấn khởi về khởi nghiệp cho những hợp tác xã muốn sản xuất hàng hóa hữu cơ, đặc biệt là thảo dược dưới tán rừng.

Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của nông nghiệp hữu cơ, khẳng định Chính phủ khuyến khích pháp triển nhưng sẽ không để phát triển tràn lan, theo phong trào mà phải theo quy hoạch, được quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm.

Thủ tướng đánh giá, việc phát triển nông nghiệp hữu tại Việt Nam là ‘thời điểm vàng’. Việc trồng ‘rau hai luống’, lợn hai chuồng’ để bán và ăn riêng cũng cho thấy ngay cả nông dân cũng có nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ. Thủ tướng chỉ đạo, nông nghiệp hữu cơ không chỉ phục vụ cho người giàu hoặc xuất khẩu mà hướng tới phục vụ đa số người tiêu dùng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm hoàn thiện dự thảo nghị định, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trình Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm thước đo cho sản xuất, quản lý sản phẩm.

Trong phát biểu đề dẫn, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết Bộ đang triển khai một số giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó có 2 điểm nhấn:

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn từ vật tư đầu vào, (nhất là giống, phân bón, điều kiện cải tạo đất) đến sơ chế, chế biến, đóng gói, dán nhãn phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ, ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ.

Tuấn Anh /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO