Báo Điện tử Gia đình Mới

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh

Để trả lời cho câu hỏi: "Sống ở Việt Nam có phải là thảm họa?", bác sĩ Trần Văn Phúc đã hỏi những người nước ngoài đến và sống ở Việt Nam, hỏi chính người Việt, rồi bản thân tự trải nghiệm.

Không có quốc gia lý tưởng trên thế giới.

Singapore có cơ sở hạ tầng tốt đẹp nhưng lại quá đắt đỏ để sống. Mỹ có nền kinh tế đứng số một thế giới nhưng cơ hội kiếm việc làm ổn định sẽ khó khăn vì tính cạnh tranh cao. Nhật Bản sạch sẽ và quy củ nhưng áp lực công việc lại vô cùng căng thẳng.

Vấn đề là tôi chọn điều gì: kiếm tiền, cuộc sống, cơ hội, hay sự nhẹ nhàng thanh thản?

Tôi có biết nữ biên đạo múa Fhalin, người Thụy Điển, bà nói với tôi đã đến Việt Nam 5 lần nhưng không dám cho con gái sang du lịch, vì bà sợ tính mạng của con bị đe dọa bởi giao thông quá hỗn loạn, sợ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn mất vệ sinh.

Fhalin rất yêu thích đất nước và con người Việt Nam, tôi đọc được những điều đó ở trong mắt của bà, nhưng Fhalin không thể chọn Việt Nam là nơi để sống.

Nhưng tôi cũng có một anh bạn thân người Bỉ tên là Hugger, anh gọi tôi với biệt danh “Romantic Doctor”. Hugger đến Việt Nam năm 2003 và ở lại luôn. Trước đó anh sống ở Pháp cùng bố mẹ với công việc rất tốt. Có nhiều lý do để Hugger chọn sống ở Việt Nam.

- Việt Nam không phải là quốc gia đói nghèo.

- Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam khá thấp.

- Sản vật phong phú, đồ ăn ngon và rẻ, nhất là thức ăn đường phố.

- Dịch vụ y tế giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

- Việt Nam là nơi rất an toàn để sống.

- Xe máy là phương tiện giao thông thuận tiện và thú vị.

- Bãi biển ở Việt Nam tuyệt đẹp.

- Phong cảnh ở Việt Nam rất đẹp.

- Nông thôn và miền núi ở Việt Nam yên bình.

- Văn hóa truyền thống giàu bản sắc và phong phú.

- Di tích lịch sử và văn hóa ở Việt Nam rất hấp dẫn.

- Đi du lịch ở Việt Nam không quá khó khăn.

- Việt Nam thuận tiện để đi du lịch Đông Á và Đông Nam Á.

- Mỗi tháng có thể đến nhà hát vài lần.

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 0

Tôi đã từng tự đặt câu hỏi: Sống ở Việt Nam có phải là thảm họa? Và tôi đi tìm câu trả lời bằng cách hỏi những người nước ngoài đến và sống ở Việt Nam, hỏi chính người Việt, rồi bản thân tự trải nghiệm.

Những người Việt ra đi từ hơn 20 năm trở lại trước, hầu hết đánh giá Việt Nam là nơi tồi tệ, kể cả những người Việt thường xuyên về thăm quê hương cũng vẫn nhận xét như vậy.

Có nhiều lý do để người ta phàn nàn, như chế độ tiền lương thấp, lao động nhân công giá rẻ, tham nhũng trở thành quốc nạn, hối lộ vặt trở nên phổ biến ở mọi lĩnh vực, chất lượng giáo dục thấp, thực thi pháp luật chưa đủ mạnh, giao thông kém, tai nạn giao thông quá nhiều, môi trường sống ô nhiễm và mất vệ sinh, đồ ăn thức uống bị nhiễm độc.

Đó cũng là lý do để một số người Việt đang cố gắng làm bất cứ điều gì có thể, để họ được định cư ở nước ngoài, hoặc kiếm thật nhiều tiền rồi gửi con cái đi du học và ở lại đó luôn.

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 1

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nhất xã, ở một xã nghèo nhất của huyện, ở một huyện nghèo nhất của tỉnh, đến hôm nay tôi có thể tự tin khẳng định, bất cứ nơi nào trên thế giới này cũng sẽ là tồi tệ nếu như tôi nghèo. Ngược lại, với những người có kinh tế ổn định, thì Việt Nam không thực sự là xấu.

Tôi đã từng thử sống trong một gia đình khá giả ở thành phố Dandryd giàu nhất của Thụy Điển, từng ở khách sạn 5 sao của Singapore, từng ăn hàng trăm món đặc sản ở Nhật Bản, từng khám phá đất nước Ý nổi tiếng với các di tích lịch sử và văn hóa, từng tìm hiểu xã hội và đời sống âm nhạc ở Đài Loan; tôi cảm thấy Việt Nam không phải là nơi tồi tệ để sống.

Tôi đã từng làm thay đổi suy nghĩ của một số người bạn ở Sài Gòn, khi có dịp tôi chỉ cho họ thấy đằng sau cái vẻ nhếch nhác của Hà Nội, đó là tầng tầng lớp lớp của bề dày lịch sử và văn hóa vô cùng hấp dẫn, là chiều sâu của một cuộc sống chậm và thanh thản, là những nghịch lí tạo nên nét đặc trưng của văn hóa thủ đô, là cảm xúc ấn tượng đến nao lòng bắt buộc người ta phải nhớ đến khi rời xa Hà Nội.

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 2

Ở Việt Nam, tôi có thể tìm thấy nhiều niềm vui, tìm thấy nhiều nguồn cảm hứng, có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với điều kiện tôi phải thực sự cố gắng để không bỏ lỡ cơ hội.

Tôi đồng ý rằng, về kinh tế, về văn hóa, về tổ chức xã hội, về giáo dục, về y tế, về mức sống và môi trường, nếu so với các nước phát triển, thì Việt Nam đang thấp hơn ở mức xa.

Nhưng rõ ràng trong 20 năm trở lại đây Việt Nam đang phát triển, nhiều thành tựu của thế giới Việt Nam cũng đã chạm được tay đến, vậy tại sao tôi không nhìn theo hướng tích cực để cảm thấy Việt Nam là quốc gia đáng sống?

Nhưng đó mới chỉ là cảm nhận mang tính chủ quan của tôi. Để thuyết phục hơn, tôi đã thử so sánh Việt Nam với Mỹ, bằng những chỉ số cụ thể.

1. Người Mỹ thọ hơn người Việt 2,2 tuổi 

Theo số liệu mới nhất năm 2018, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 76,3 và được coi là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao, xếp thứ 55 của thế giới. Mỹ có tuổi thọ trung bình là 78,5 và xếp thứ 34.

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 3

Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam vẫn là đột quỵ não, chiếm tỉ lệ 115/100.000 dân và đứng thứ 50 trên thế giới. Tỉ lệ chết do tai nạn giao thông khoảng 23/100.000 dân, đứng thứ 60. Chết do rượu bia chiếm tỉ lệ 1/100.000 dân và xếp thứ 129 thế giới. Chết do tự tử chiếm tỉ lệ 7/100.000 dân, đứng thứ 126.

Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ là nhồi máu cơ tim, chiếm tỉ lệ 87/100.000 dân, đứng thứ 130 thế giới. Chết do tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ 10/100.000 dân, xếp thứ 127. Chết do rượu bia chiếm tỉ lệ 2/100.000 dân, đứng thứ 64 trên bảng xếp hạng. Chết do tự tử chiếm tỉ lệ 13/100.000 dân, đứng thứ 47 thế giới.

Nguồn: WHO (Bản cập nhật năm 2018).

2. Người Mỹ kiếm nhiều tiền gấp 25 lần người Việt

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 4

Theo số liệu năm 2017, GDP bình quân trên đầu người ở Việt Nam đạt 2.343 đô la. Trước thời kì đổi mới, năm 1985 GDP bình quân trên đầu người Việt đạt 231 đô la.

GDP bình quân trên đầu người Mỹ đạt 59.531 đô la, gấp 25 lần người Việt ở thời điểm năm 2017. Năm 1985 GDP bình quân trên đầu người Mỹ là 18.269 đô la.

Nguồn: The World Bank (số liệu cập nhật năm 2017).

3. Người Mỹ nguy cơ thất nghiệp cao hơn người Việt

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 5

Tỉ lệ thất nghiệp trung bình ở Việt Nam là 2,28%.

Con số tỉ lệ thất nghiệp trung bình 2,28% được tính từ năm 1998 – 2018, cao nhất 4,50% vào quý IV năm 1998, thấp nhất 1,63% ở quý II năm 2014. Tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam ở thời điểm tháng 1 năm 2018 là 2,01%.

Tỉ lệ thất nghiệp trung bình ở Mỹ là 5,77%.

Con số tỉ lệ thất nghiệp trung bình ở Mỹ là 5,77% được tính từ năm 1948 – 2018, cao nhất là 10,80% vào tháng 11 năm 1982, thấp nhất 2,50% vào tháng 5 năm 1953. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tại thời điểm tháng 1 năm 2018 là 4,1%.

Nguồn: Trading Economics (Bản cập nhật mới nhất năm 2018).

4. Người Mỹ tốn tiền khám chữa bệnh gấp 82 lần người Việt

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 6

Tại thời điểm năm 2015, chi tiêu y tế bình quân trên đầu người Việt là 117 đô la mỗi năm, trong khi bình quân mỗi người Mỹ hết 9.536 đô la, gấp 82 lần người Việt.

Mức chi tiêu bình quân đầu người, tính cho toàn thế giới, ở thời điểm năm 2015 là 1.001 đô la, vẫn cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.

5. Người Mỹ nguy cơ bị giết chết gấp 4 lần người Việt

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 7

Tỉ lệ người bị giết hại ở Việt Nam là 1,5/100.000 người dân, trong khi con số này ở Mỹ là 5.4/100.000 người dân, cao hơn 3,6 lần so với Việt Nam.

Tỉ lệ phạm nhân người Viêt là 154/100.000 người. Con số của Mỹ là 698/100.000 người, cao gấp 4.5 lần Việt Nam.

Nguồn: Báo cáo Liên Hiệp Quốc (Bản cập nhật năm 2018).

Nguồn: The World Bank (Bản cập nhật đầy đủ năm 2015 dựa trên SHA-2011 của WHO).

6. Người Mỹ chịu ô nhiễm nặng hơn người Việt

Sống ở Việt Nam: Hãy tìm cách tận hưởng thay vì ngồi một chỗ so sánh 8

Mỗi người Mỹ phải gánh chịu lượng khí thải CO2 trung bình 16,5 tấn. Người Việt chỉ phải gánh chịu 1,8 tấn khí thải CO2, thấp hơn người Mỹ 9 lần.

Tuy nhiên, tỉ lệ người Mỹ tử vong do ô nhiễm không khí, ô nhiễm trong gia đình, ô nhiễm từ môi trường xung quanh là 13,3/100.000 người dân. Con số của Việt Nam cao gấp 5 lần, khoảng 64,5/100.000 người dân.

Cứ 1 triệu người Mỹ thì có 2 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh không an toàn, trong khi con số người Việt Nam tử vong là 16.

Nguồn: Báo cáo Liên Hiệp Quốc (Bản cập nhật năm 2018).

BS. Trần Văn Phúc

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO