Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cứ 10 người thì 9 người có dấu hiệu của bệnh trĩ

Người xưa có câu “thập nhân cửu trĩ”, tức 10 người thì 9 người có dấu hiệu của bệnh trĩ. Đây là một căn bệnh phổ biến gặp ở vùng hậu môn.

Theo GS.TS Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến viện thăm khám và điều trị. Đây là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở vùng hậu môn.

Mặc dù ở Việt Nam chưa có một thống kê với một quy mô lớn trong người dân về tình trạng số người mắc bệnh trĩ, nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm hành nghề của mình, giáo sư Long nhận thấy tỉ lệ người mắc bệnh trĩ ở Việt Nam là rất lớn, đúng như người xưa nói thập nhân cửu trĩ, mười người thì có đến chín người có dấu hiệu bị bệnh trĩ.

Cứ 10 người thì 9 người có dấu hiệu của bệnh trĩ 0

Những triệu chứng điển hình của bệnh trĩ

  • Chảy máu: Đây là triệu chứng sớm, thường gặp nhất ở người bệnh, với nhiều hình thức và lượng máu khác nhau. Có những người tình cờ phát hiện có máu ở giấy vệ sinh, hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu đỏ, hoặc máu chảy thành giọt, thành tia khi đại tiện táo bón. Thậm chí có người cứ khi đại tiện, ngồi xổm, đi lại nhiều là máu chảy ra.
  • Sa búi trĩ: Tình trạng sa búi trĩ thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu. Lúc đầu, mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở hậu môn và tự thụt vào được. Sau đó, búi trĩ to dần, sa ra ra ngoài và không tự tụt vào sau khi đi đại tiện nữa mà phải dùng tay nhét vào. Đến giai đoạn nặng búi trĩ sa ra nằm ngoài hậu môn.
  • Sưng, đau vùng hậu môn: Búi trĩ to lên sa ra ngoài hậu môn gây viêm nhiễm, tắc mạch dẫn đến sưng, đau, rát, nứt hậu môn làm người bệnh khó chịu.
  • Ngứa ngáy, khó chịu ở hậu môn: Bệnh trĩ ở giai đoạn nặng gây ra tình trạng viêm nhiễm, chảy dịch làm bệnh nhân cảm giác ẩm ướt, ngứa ngáy vùng hậu môn.
  Đại tiện táo bón gây chảy máu, đau rát, ngứa ngáy hậu môn là những triệu chứng điển hình của bệnh trĩ

Đại tiện táo bón gây chảy máu, đau rát, ngứa ngáy hậu môn là những triệu chứng điển hình của bệnh trĩ

Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Giáo sư Đào Văn Long cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, nhưng những yếu tố sau đây được cho là điều kiện thuận lợi gây ra bệnh.

Táo bón kéo dài:

Táo bón làm người bệnh đi ngoài phải rặn nhiều, làm tăng áp lực ổ bụng dẫn đến xuất hiện các búi trĩ. Nếu tình trạng táo bón xảy ra thường xuyên sẽ làm các búi trĩ dần dần to lên và sa ra ngoài.

- Tiêu chảy kéo dài:

Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy làm người bệnh mỗi ngày phải đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng từ đó hình thành bệnh trĩ.

- Tăng áp lực ổ bụng:

Những người bệnh bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác... làm tăng áp lực trong ổ bụng và dễ dàng làm cho bệnh trĩ xuất hiện.

- Lối sống tĩnh tại:

Những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như nhân viên văn phòng, lái xe, nhân viên bán hàng, thợ may… đều có nguy cơ bị trĩ cao hơn những người khác.

- Có bệnh lý ở vùng hậu môn:

Người có khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh như ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.

Điều trị bệnh trĩ thế nào?

Bệnh trĩ có điểm khác biệt với các bệnh khác là khi mới chớm bệnh, bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh dinh dưỡng và sinh hoạt thì mọi chuyện sẽ ổn mà không cần can thiệp bằng các biện pháp y tế.

Người ta chỉ điều trị khi trĩ gây những rối loạn ảnh hưởng đến sinh hoạt và năng suất lao động của người bệnh. Hiện, điều trị trĩ có các hướng là điều trị nội khoa, điều trị bằng thủ thuật và điều trị bằng phẫu thuật.

  Các thuốc điều trị bệnh trĩ giúp chống táo bón, tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề, giảm viêm nhiễm

Các thuốc điều trị bệnh trĩ giúp chống táo bón, tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề, giảm viêm nhiễm

Điều trị nội khoa bao gồm:

- Rửa và ngâm nước ấm sạch 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.

- Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch.

- Thuốc tại chỗ có thể là các loại thuốc mỡ bôi ngoài da hoặc đạn dược đặt hậu môn.

Việc điều trị nội khoa có thể dùng thuốc Tây y hoặc Đông y, với cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.

Điều trị bằng thủ thuật gồm:

- Chích xơ: Phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt để tránh các biến chứng. Thông thường, chích xơ được chỉ định trong trĩ độ 1 và trĩ độ 2.

- Thắt trĩ bằng vòng cao su: Được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và 2.

- Quang đông hồng ngoại: Sử dụng nhiệt điều trị trĩ với mục tiêu là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Quang đông hồng ngoại được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là đắt và thường phải làm thủ thuật nhiều lần.

Điều trị bằng phẫu thuật

Tuỳ mức độ phát triển của bệnh trĩ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là phẫu thuật Longo. Ưu điểm của phương pháp này là áp dụng được với trĩ độ 3, độ 4, không đau, thời gian nằm viện ngắn. Nhược điểm của phương pháp này là tốn tiền và không áp dụng được với những ca biến chứng nặng. Phương pháp phẫu thuật dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn.

Để phòng ngừa bệnh trĩ, các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo người dân cần tăng cường ăn thức ăn giàu chất xơ, uống đủ nước, vận động vừa sức, hình thành thói quen đi vệ sinh đúng giờ... để tránh táo bón. Đồng thời, cần tránh mang vác nặng, hạn chế rượu, bia, thức ăn cay, nóng...

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO