Báo Điện tử Gia đình Mới

Cha mẹ không nên bỏ qua những lưu ý  sau khi cho trẻ uống thuốc ho long đờm

"Không nên dùng chất ức chế ho trong trường hợp ho có đờm vì chúng sẽ làm tích tụ chất đờm trong phổi tăng nguy cơ nhiễm khuẩn"- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt lưu ý cha mẹ khi dùng thuốc ho cho trẻ.

Hỏi: Chào bác sĩ! Bé trai nhà tôi được 3 tuổi, khoảng nửa tháng nay ho húng hắng, ho khàn có đờm. 2 hôm trước, tôi đã cho bé đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc ho long đờm cho bé. Tuy nhiên, khi tôi tra trên mạng có thông tin sử dụng loại thuốc này cần cẩn trọng. Tôi có liên hệ lại với bác sĩ kê đơn nhưng chưa được. Tôi mong bác sĩ giải đáp việc dùng thuốc ho long đờm có tác dụng phụ hay lưu ý gì không? Tôi xin cám ơn!

(Chị Phạm Hoài An - 82 phố Nhổn, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm)

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trả lời: Ho có đờm là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhầy (đờm), Người bệnh thường có cảm giác nặng ngực, khó thở và mệt.

Để giảm ho trong trường hợp này có thể dùng các thuốc điều trị ho có đờm. Tuy nhiên không được tự ý sử dụng nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

  Thời tiết thất thường những ngày đầu đông ở miền Bắc khiến nhiều trẻ bị các bệnh về đường hô hấp

Thời tiết thất thường những ngày đầu đông ở miền Bắc khiến nhiều trẻ bị các bệnh về đường hô hấp

Thuốc long đờm còn được gọi là thuốc loãng đờm, làm tiêu chất nhầy. Các loại thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đờm nhầy trong phế quản. Nhờ vậy, các chất nhầy đờm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp.

Việc bác sĩ kê đơn cho bé nhà chị hoàn toàn có cơ sở nếu bé gặp các triệu chứng như tôi kể trên.

Tuy nhiên, khi dùng các thuốc điều trị ho có đờm cần lưu ý, không nên dùng chất ức chế ho trong trường hợp ho có đờm vì chúng sẽ làm tích tụ chất đờm trong phổi tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Không dùng phối hợp một thuốc giảm ho với một thuốc làm long đờm. Do tác dụng ức chế ho nên thuốc giảm ho gây khó khăn cho mục đích của thuốc long đờm. Không nên dùng các thuốc kháng histamin vì chúng có khuynh hướng làm khô đờm và làm đờm đọng lại trong phổi có thể gây ho kéo dài và làm cho bệnh trầm trọng hơn.

  (ảnh minh hoạ)

(ảnh minh hoạ)

Thuốc cũng tránh dùng đối với người bị hen suyễn (nhiều khi ho đêm là triệu chứng hen suyễn) vì thuốc có thể khởi phát cơn co thắt phế quản.

Còn với tác dụng phụ, thuốc có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày, vì vậy dễ làm loét dạ dày, thuốc loại này cần tránh dùng ở người bị viêm loét dạ dày - tá tràng. Khi dùng thuốc long đờm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ men gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da.

Xin được nhấn mạnh, thuốc long đờm phải để bác sĩ khám bệnh cho trẻ chỉ định, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua về cho trẻ dùng vì dùng sai rất có hại. Lời khuyên dành cho chị là hãy dùng đúng theo đơn của bác sĩ, nếu trẻ có những biểu hiện bất thường như nổi ban, chóng mặt… hãy ngừng sử dụng và liên hệ lại bác sĩ chuyên khoa.

Riêng với ho đờm, dân gian có lưu truyền nhiều bài thuốc long đờm, giảm ho rất tốt. Trong đó, chúng ta thường nhắc tới như mật ong gừng, quất mật ong, tì bà điệp, cây bách bộ, lá bạc hà…

Nếu tình trạng ho của bé không quá nặng, không khiến trẻ mệt, khò khử vì đờm và chị còn lăn tăn với thuốc Tây y, chị có thể sử dụng công thức trên hoặc sản phẩm trị ho, trừ đờm bào chế phương pháp dân gian từ thảo dược kể trên để điều trị cho bé.

Chúc bé nhanh khoẻ!

Cha mẹ không nên bỏ qua những lưu ý  sau khi cho trẻ uống thuốc ho long đờm 2

 

Ly Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO