Báo Điện tử Gia đình Mới

'Giọt máu chính là giọt vàng được cho đi từ tấm lòng nhân ái'

18 năm hiến máu, 20 năm hiến máu, gia đình hiến máu… là những câu chuyện, tấm gương rất đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện suốt thời gian qua. Đối với những người vẫn đang thầm lặng “sẻ chia giọt máu hồng”, với họ, giọt máu như những giọt vàng, quý giá thật nhưng không sánh bằng tấm lòng nhân ái.

Rất nhiều chiến dịch hiến máu đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của mọi người

Rất nhiều chiến dịch hiến máu đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của mọi người

“Đầu tàu vận động thu nhận giọt máu đào”.

Ông Lê Đình Duật (sinh năm 1973, trú tại Khu tập thể Thanh Xuân Trung – Thanh Xuân, Hà Nội) 19 năm qua cùng vợ và gia đình vận động những người xung quanh hiến máu cứu người.  

“Tôi từng là lính tên lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến trường, tôi nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh vì mất máu nghiêm trọng. Khoảng năm 1966, trên đường hành quân qua một trạm quân y, tôi đã cùng với vài đồng chí khác hiến máu cho các thương binh. Đó là lần hiến máu đầu tiên của tôi”, ông Lê Đình Duật chia sẻ.

Gia đình ông Lê Đình Duật là đại gia đình hiến máu với tất cả các thành viên đều hiến máu nhiều lần

Gia đình ông Lê Đình Duật là đại gia đình hiến máu với tất cả các thành viên đều hiến máu nhiều lần

Đến những năm 1999, khi phong trào hiến máu được phát động, người cựu chiến binh năm nào tự nguyện đi hiến máu. Thế nhưng, do tình hình sức khỏe, ông bị các bác sĩ từ chối.

Ông quay về, vận động những người hàng xóm, quanh phố, quanh nhà hiến máu. “Tôi đến nhà vận động con cháu họ hiến máu, có người còn đuổi, nói việc nhà nước chứ không phải việc của ông” – ông Duật nhớ lại.

Để chứng minh cho mọi người hiểu hiến máu không nguy hại, ông đích thân về vận động vợ và các con mình hiến máu. “Mình để người ta thấy, vợ con mình hiến máu vẫn khỏe, vẫn béo tốt”.

Nhờ đó, ông bén duyên với phong trào hiến máu, như một “đầu tàu” trong mỗi lần vận động. Với ông Duật, hiến máu từ cái tâm chứ đâu vì đánh bóng tên. “Máu quý thật nhưng điều quý giá hơn là mang lại sự sống cho nhiều người. Giọt máu chính là giọt vàng được cho đi từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người và vì con người. Trong chiến tranh nhân dân ta không tiếc máu xương để giữ gìn hòa bình cho đất nước, không lẽ bây giờ hòa bình rồi chúng ta lại tiếc giọt máu với đồng bào mình?”

Câu chuyện của ông Duật là một mảnh ghép rất đẹp trong hàng triệu triệu người, triệu triệu gia đình đang từng ngày trao đi giọt máu quý giá của họ. Vẫn còn nhiều hơn nữa những tấm gương, những thiện nguyện trong phong trào ý nghĩa trên.

10 năm qua – 10 triệu đơn vị hiến máu

Theo kết quả Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 – 2017, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được 10 triệu đơn vị máu. Số máu căn bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh.

Trong đó, số máu nhận từ hiến máu tình nguyện đạt tới 98% và tỉ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,6%. Kết quả đó được ghi nhận từ những chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện được tổ chức sáng tạo như Lễ hội xuân hồng, chủ nhật đỏ, những giọt máu hồng hè hay hành trình đỏ…

10 năm qua, hơn 10 triệu đơn vị máu đã được thu nhận

10 năm qua, hơn 10 triệu đơn vị máu đã được thu nhận

Theo chia sẻ của đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, cả nước đã thành lập hơn 3.000 câu lạc bộ hiến máu, có hàng trăm nghìn tình nguyện viên tham gia. Chưa kể, kết quả đáng tự hào trên còn từ quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hiến máu tình nguyện không ngừng được đẩy mạnh.

Phía Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cũng cho biết, trong 5 năm tới, tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích của hiến máu tình nguyện cứu người và an toàn truyền máu. Cùng với đó, tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu, đảm bảo cung cấp đủ máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, đến năm 2020, cố gắng đạt tối thiểu 2% dân số hiến máu và đạt 100% tỉ lệ hiến máu tình nguyện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, “phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được khởi đầu từ những năm 90 của Thế kỷ trước. Mặc dù muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện”.

Chỉ tính trong 10 năm qua (2008 - 2017), tổng lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc đạt hơn 10 triệu đơn vị, tăng hơn 3 lần so với năm 2008. Nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc vận động và tiếp nhận máu trên 250ml. Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.

“Những con số biết nói trên đây là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và nỗ lực vượt bậc của ngành y tế, của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sự đóng góp tích cực của các bộ, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO