Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào?

Bệnh lý liên quan đến sức khỏe răng miệng (SKRM) khá nhiều. Và có thể bạn không nhận ra, nhưng nó đang ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống của gia đình bạn. Rất không may, ảnh hưởng này lại là tiêu cực.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 0

Bệnh lý liên quan đến sức khỏe răng miệng (SKRM) khá nhiều, bao gồm: mất răng, sứt mẻ răng, vôi (cao) răng, viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, áp-xe răng, răng đổi màu, các bệnh về lưỡi (“da gà” trên lưỡi, lưỡi bản đồ…), các bệnh về tuyến nước bọt (viêm hay có sỏi), chứng hôi miệng…

Có thể bạn không nhận ra, nhưng nó đang ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống của gia đình bạn. Rất không may, ảnh hưởng này lại là tiêu cực.

Vì sao vậy? Vì “cái răng cái tóc là góc con người”. Vậy, cụ thể nó ảnh hưởng như thế nào?

Ảnh hưởng tới sức khỏe

Điều này là hiển nhiên. Bởi vì, “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Nếu chẳng may bạn gặp phải những vấn đề về SKRM như sâu răng tới tủy, áp-xe răng tạo mủ hoặc gãy răng do tai nạn, vỡ răng do ăn phải đồ cứng thì chắc chắn sẽ khiến bạn “đứng ngồi không yên” vì đau nhức.

Bạn sẽ vô cùng mệt mỏi vì không ăn uống được gì.

Bạn cũng sẽ rất mệt mỏi vì đau mà không ngủ được.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 1
Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 2

Nứt gãy răng, sâu răng lớn lộ tủy là nguyên nhân hàng đầu gây nhức răng

Răng là cửa ngõ đầu tiên của đường tiêu hóa. Nơi tiếp nhận và cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho cơ thể. Nếu chẳng may bạn mất răng, đặc biệt là răng hàm, thì khả năng nhai thức ăn sẽ rất kém.

Nguồn dinh dưỡng đưa vào cơ thể vì vậy mà sẽ thiếu hụt.

Không những thế, “đầu vào” của thức ăn không được nghiền nhuyễn thì “cỗ máy” chế biến là dạ dày sẽ phải làm việc rất vất vả. Chuyện này mà kéo dài thì dạ dày bạn sẽ sinh bệnh là điều không tránh khỏi.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 3
Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 4

Mất răng làm răng xô lệch, sai khớp cắn - ảnh hưởng rất nhiều tới sự ăn nhai

Đặc biệt, SKRM có ảnh hưởng rất lớn tới người phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ.

Khi mang thai, người phụ nữ đối mặt với nguy cơ viêm lợi cao hơn bình thường và thường gặp ở tháng thứ 2 đến tháng thứ 8 của thai kỳ.

Nguyên nhân là do sự tăng nồng độ nội tiết tố nữ gồm hoóc-môn estrogen và hoóc-môn progesterone, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu nhỏ trong mô lợi khiến chúng nhạy cảm hơn với các vi khuẩn bám trong mảng răng.

Nôn ói lúc thai nghén ở thời kỳ đầu hay trào ngược ở thời kỳ cuối cũng góp phần cho việc nướu bị viêm trầm trọng hơn.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 5

Từ năm 1996, thế giới đã có nghiên cứu đầu tiên chứng minh, mẹ bị viêm lợi, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sinh non gấp 2-3 lần (trước 37 tuần), dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2500 gram)...

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, viêm lợi, viêm nha chu khi mang thai còn làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và sẩy thai.

Ảnh hưởng tới quan hệ lứa đôi

Nói đến điều này ta sẽ nghĩ ngay tới thủ phạm là chứng hôi miệng. Miệng hôi, có mùi thì vợ chồng còn thấy khó gần nhau, chứ nói gì đến những đôi đang yêu.

Mùi hôi trong miệng từ đâu ra?

 Do chế độ vệ sinh răng miệng kém. Lười đánh răng. Hoặc vừa nằm trên giường vừa ăn và vừa ngủ. Mảng bám, cặn thức ăn sẽ lắng đọng ở kẽ răng, gốc răng. Mùi hôi đầu tiên là vậy.

Khi răng không được vệ sinh thường xuyên đúng cách thì vôi răng sẽ hình thành và gây viêm nướu.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 6

Nướu có thể sưng đỏ, sưng phồng và chỉ cần một lực tác động nhỏ (như đánh răng, dùng tăm xỉa răng, hoặc hít hơi gió) là chảy máu.

Nướu bị viêm, không điều trị kịp thời thì sẽ gây ra mùi hôi rất khó chịu.

Nguyên nhân tiếp theo là sâu răng. Răng sâu đương nhiên sẽ có lỗ. Lỗ này đương nhiên là sẽ giữ thức ăn lại. Lỗ sâu càng lớn thì thức ăn đọng lại càng nhiều.

Thức ăn được “ủ” trong môi trường miệng từ ngày này qua ngày khác thì không bốc mùi mới lạ.

Tuyến nước bọt bị viêm hay có sỏi sẽ làm cho miệng khô và cũng góp phần vào “công cuộc” miệng hôi.

Đặc biệt, một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ở Đài Loan mới công bố, những người đàn ông bị rối loạn chức năng cương dương có nguy cơ mắc bệnh nha chu mãn tính cao hơn 79% so với những người không bị rối loạn chức năng cương dương.

Bệnh nha chu mãn tính là một loại bệnh nhiễm trùng xảy ra khi nướu răng bị kéo ra khỏi răng, từ đó tạo nên các túi sâu chứa vi khuẩn và cho phép vùng sâu răng lây lan sang các xương quanh răng.

Viêm mãn tính do nướu răng có thể gây tổn hại các tế bào nội mô, tạo thành lớp màng trên tất cả mạch máu, bao gồm cả mạch máu trong dương vật của bạn.

Các tổn thương nội mạc có thể dẫn đến lưu lượng máu bị suy yếu và suy yếu chức năng dương vật của bạn.

Ảnh hưởng tới giao tiếp, công việc

Cái răng cái tóc là góc con người. Một hàm răng đẹp sẽ giúp cho bạn tự tin để giao tiếp, cười đùa vui vẻ, thoải mái.

Ngược lại, nếu không may có một hàm răng khấp khểnh, chen chúc xô lệch và màu răng tối màu, hoặc bị sún răng cửa… thì sẽ là nguyên nhân khiến bạn ít cười hơn, ngại phải nói chuyện với người lạ.

Sự thoải mái, sự vui tươi của bạn bị ảnh hưởng rất nhiều từ hàm răng đẹp hay xấu. Cũng theo logic đó mà công việc của bạn sẽ có thuận lợi hay gặp khó khăn.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 7

Đó là lý do mà ngày càng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đổ xô đi làm đẹp cho răng. Từ đơn giản làm tẩy trắng răng cho tới thẩm mỹ phức tạp và tốn kém là bọc răng sứ.

Như trên đã phân tích về việc răng bị đau. Khi răng đau thì chắc chắn bạn sẽ không thể tập trung cho công việc được. Công việc của bạn sẽ bị gián đoạn cho tới khi nào răng hết đau.

Công việc của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi thời gian để điều trị nha khoa thường kéo dài nhiều ngày. Có những điều trị diễn ra trong 1 lần, như trám răng, nhưng cũng có rất nhiều điều trị khiến bệnh nhân phải đi tới đi lui tới 3 lần, 5 lần hay thậm chí cả chục lần, ví dụ như điều trị tủy.

Ảnh hưởng tới kinh tế

Là bởi vì điều trị răng có chi phí rất cao. Đơn giản như cạo vôi hay trám răng cũng mất chi phí tương đương với một ngày công lao động của người bình thường.

Để trồng lại răng bị mất hoặc điều trị viêm nướu, viêm tuyến nước bọt hay những bệnh lý khác như u nang xương hàm,.. thì chi phí phải trả thường rất cao.

Đấy là những điều trị bắt buộc. Dù muốn hay không thì bệnh nhân cũng phải “căn răng” móc hầu bao ra để chi trả.

Còn đối với điều trị thẩm mỹ cho răng, chi phí cao đến mức không phải ai cũng làm được.

Bọc sứ để chỉnh sửa thẩm mỹ cho nguyên hàm có chi phí tới 100 triệu VNĐ hoặc hơn, là điều hết sức “bình thường”. Nếu bạn không thích bọc sứ thì điều trị chỉnh nha cũng sẽ có chi phí xuýt soát như vậy.

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng tới hôn nhân gia đình như thế nào? 8

Để thực hiện cho việc điều trị cấy ghép Implant cho răng mất hoặc phẫu thuật sửa chữa răng hô, răng móm, cười hở lợi… thì chi phí lúc đó phải tính bằng đơn vị Mỹ kim.

Sự ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề SKRM sẽ xảy ra với bạn, nếu bạn “cố tình” coi thường SKRM của mình.

Sức ảnh hưởng tiêu cực này hoàn toàn có thể phòng tránh và cải thiện được nếu bạn chịu khó “để ý” tới hàm răng của mình một tí. Nó giúp bạn ăn nhai, giao tiếp 23,5/24h hàng ngày. Vậy tại sao bạn lại không dành vài phút vào buổi sáng và tối để “bảo dưỡng” nó?

Cũng giống như việc rửa xe, bạn hoàn toàn có thể tự rửa ở nhà. Nhưng gầm máy và những góc khuất không bao giờ được làm sạch.

Với hàm răng cũng vậy, dù bạn có đánh răng kỹ và nhiều đến đâu thì cũng không thể làm sạch những răng khuất ở trong, ở mặt sau của răng, ở kẽ răng.

Không phải tự nhiên mà Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ ra khuyến cáo bạn nên định kỳ 6 tháng một lần đi gặp nha sĩ để làm sạch răng.

Đồng thời đây cũng là một lần thăm khám, để phát hiện và điều trị sớm những vấn đề có thể xảy ra cho SKRM của bạn. Bạn làm điều này không chỉ vì bạn mà còn vì cả gia đình bạn.

Hãy để hàm răng khỏe mạnh với hơi thở thơm mát mang lại hạnh phúc cho gia đình bạn!

Bs Trần Mừng/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO