Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Chúng ta suýt ‘ngủ quên’ với đại dịch?

Không chỉ dừng ở con số 42, dừng tại xã Kim Phượng (Phú Thọ), đại dịch HIV đang âm thầm phủ trắng rất nhiều làng xã khác. Theo một thống kê, đã có tới 60 xã trên cả nước có đến 50 người nhiễm HIV. Cá biệt, có một phường có tới 701 người mắc căn bệnh thế kỷ.

Điều đáng nói, trái ngược hoàn toàn những con số có thể gây rùm beng xã hội, tất cả mọi điều về HIV, về căn bệnh chết chóc cứ mãi âm thầm, không ai nhắc tới đến một ngày nó được “bóc mẽ”.

Em bé 18 tháng tuổi, những phụ nữ lam lũ, cụ già 80 tuổi... mắc HIV tại Phú Thọ vẫn chưa khỏi bàng hoàng

Em bé 18 tháng tuổi, những phụ nữ lam lũ, cụ già 80 tuổi... mắc HIV tại Phú Thọ vẫn chưa khỏi bàng hoàng

HIV từ trên trời rơi xuống?!

HIV là căn bệnh thế kỷ, căn bệnh nguy hiểm, âm thầm và dễ lây nhiễm. HIV có thể được điều trị bằng ARV, theo đúng phác đồ, người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ, sinh hoạt, sinh con bình thường…

Đó là một trong số ít thông tin mà cộng đồng vẫn nhắc nhở nhau qua truyền thông, còn lại, những chấn động về căn bệnh này, đều im ắng. 

Cho đến một ngày, khi đề tài nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được thực hiện, 500 người dân lấy máu làm xét nghiệm nhưng 42 người trong số đó nhận kết quả dương tính HIV.

Dư luận bỗng chấn động, dồn mọi sự quan tâm vào sự việc kinh khủng trên. Người ta bỗng nhớ đến thông tin trước đó 3 tháng, hàng loạt con số giật mình khác về HIV được tung ra. Đó là  60.000 người mắc HIV, toàn bộ quận/huyện phủ trắng HIV tại TP. HCM, chưa kể 42% bệnh nhân lây nhiễm không rõ nguyên nhân.

Hay câu chuyện cuối năm 2012 và 2017, tại Cần Thơ, một cơn bão HIV ập đến tỉnh “gạo trắng nước trong này”. Năm 2012, truyền thông đăng một tin “12 người nhiễm HIV do nghi dùng chung lọ thuốc”, cũng không ai lí giải được nguồn cơn lây bệnh. Đến 8 tháng đầu năm 2017, Cần Thơ phát hiện mới 134 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 61 người và tử vong 24 người.

HIV là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng cảm tưởng, nhiều khi xã hội đang bỏ quên nó

HIV là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng cảm tưởng, nhiều khi xã hội đang bỏ quên nó

Sáng 13/8, đại diện Cục Phòng chống HIV - AIDS chia sẻ, xã Kim Thượng nằm trong danh sách địa phương có số ca mắc cao tuy nhiên đây chưa phải địa phương có tình hình lây nhiễm HIV nhiều nhất. 

Vì cả nước có đến 60 xã có 50 người mắc HIV. Riêng xã cao nhất là Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 141 người bị nhiễm, một phường tại quận 8, TP.HCM có số mắc cao nhất với 701 người, trong đó 125 người đã chết vì bệnh này. 

Tất cả những điểm chung của xã phường có HIV tồn tại, đó chính là trước khi được phát hiện, nó đều rất âm thầm và những người nhiễm bệnh đều bất ngờ khi mình mang bệnh. Chưa kể, phần lớn đều loay hoay đi tìm câu trả lời về con đường lây truyền của bệnh.

Liệu có còn những 'cơn bão' HIV khác?

Quay trở lại câu chuyện Kim Thượng, trong 42 người lây nhiễm, có rất nhiều trường hợp chuyển nặng, sang giai đoạn AIDS - nghĩa là họ đã mắc bệnh ít nhất 5 - 6 năm. 

Đại diện UBND tỉnh Phú Thọ thông báo, ca đầu tiên phát hiện nhiễm HIV tại xã Kim Thượng từ năm 2012, 5 năm sau, con số này tăng lên 7 người và đến tháng 8/2018, số bệnh nhân lây nhiễm là 42 người. 

Nhưng suốt quá trình đó, bệnh nhân không biết, cộng đồng không biết, cơ quan quản lý không biết. Cho đến khi nhận giấy xét nghiệm dương tính, những người nhiễm bệnh vẫn chủ quan cho rằng mình dẫm phải kim tiêm trước đó vài năm hay nghi ngờ do sử dụng chung kim tiêm tại một cơ sở y tế tư nhân.

Cần một giải pháp cụ thể, gẫy gọn để không còn những cơn bão HIV ập đến tại bất cứ vùng miền nào

Cần một giải pháp cụ thể, gẫy gọn để không còn những cơn bão HIV ập đến tại bất cứ vùng miền nào

Dư luận băn khoăn, liệu suốt quá trình 6 năm, cơ quan quản lý xã Kim Thượng không có biện pháp quản lý, khoanh vùng hay giám sát.

Có vẻ như lỗ hổng quản lý này có diễn ra ở hầu khắp các địa phương và câu hỏi đặt ra là, chúng ta có đang lãng quên “đại dịch”?

Trong khi đó, theo quy định, Bộ Y tế có đến hai hệ thống giám sát hoạt động song song quản lý căn bệnh này. Nó bao gồm hệ thống giám sát thường xuyên về lây nhiễm HIV/AIDS trên cả nước thông qua các cơ sơ khám chữa bệnh, giám sát nhóm hành vi nguy cơ cao như ma tuý, mại dâm, bạo tình… Và khi có sự bất thường, một hệ thống giám sát bất thường khác sẽ tiến hành nghiên cứu chuyên biệt. 

Khi PV chất vấn về việc liệu hệ thống giám sát hoạt động chưa hiệu quả, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS băn khoăn, do những người lây nhiễm HIV, người có nguy cơ cao nhiễm bệnh “thường chạy lung tung” và quản lý mảng này bị thụ động nên cộng đồng buộc chấp nhận hậu quả (?!).

Kinh phí cũng đặt ra lời thách đố trong quản lý, phát hiện lây nhiễm HIV. Theo ông Cảnh, xã Kim Thượng là đơn vị đầu tiên được làm xét nghiệm nghiên cứu chuyên biệt, trong khi hàng loạt các điểm nóng về HIV chưa có cơ hội nghiên cứu để cập nhật số liệu mới.

Bên cạnh câu chuyện quản lý, việc điều trị, tuyên truyền về căn bệnh này còn nhiều bất cập. Không nói tới Kim Thượng nhưng nhắc tới Cần Thơ, TP.HCM và nhiều địa phương khác, bệnh nhân lây nhiễm HIV phải giữ kín danh tính vì sợ bại lộ, kì thị. 

Việc người nhiễm HIV giấu giếm bệnh cũng là một nguy cơ làm lây truyền bệnh, nhất là còn có thể khiến người bị lây không biết mình mắc bệnh để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Có lẽ, việc quản lý, giám sát người bị nhiễm HIV cũng như công tác truyền thông về căn bệnh này đã đến lúc thay đổi...

H.N/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO