Báo Điện tử Gia đình Mới

Tại sao đa số bệnh nhân ung thư đều nhập viện khi bệnh đã muộn?

Có đến gần 80% bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn trong tình trạng khối u đã di căn nhiều nơi. Tại sao lại vậy?

  Bệnh nhân bị ung thư vú nhưng tự chữa trị đến khi vùng ngực hoại tử mới đến bệnh viện

Bệnh nhân bị ung thư vú nhưng tự chữa trị đến khi vùng ngực hoại tử mới đến bệnh viện

Ươm mầm bệnh đến gần cửa tử mới biết?

Không hẳn hầu hết nhưng phần lớn các bệnh ung thư đều có thể điều trị khả quan nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, một số loại ung thư còn có cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, số bệnh nhân tiếp cận điều trị khi bệnh mới phát sinh không phải nhiều. 

Ngay như với bệnh ung thư vú, đây là căn bệnh khá phổ biến ở chị em hiện nay nhưng có thể chữa khỏi hẳn nếu phát hiện sớm.

Tuy nhiên, đa số người bệnh đến điều trị ở giai đoạn muộn khiến tỉ lệ chữa khỏi thấp và việc điều trị khi bệnh đã nặng sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.

Theo ThS.BS Trần Xuân Vĩnh – Trưởng đơn vị Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ trên thực tế, ung thư vú là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm. Thống kê cho thấy, bệnh nhân ung thư vú nếu điều trị sớm có tới 80% cơ hội khỏi bệnh.

Hơn nữa, những người bệnh giai đoạn sớm còn có thể được điều trị bằng phương pháp bảo tồn (chỉ loại bỏ nguyên khối u) giữ nguyên bầu ngực, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Bệnh nhân Đ.T.B. (68 tuổi, ở tại Yên Lập, Phú Thọ) phát hiện ung thư vú từ giữa năm 2017. Khi mới phát hiện, bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng cảm thấy đau nơi khối u trên bầu ngực, những cơn đau không kéo dài và không quá dữ dội. 

Do tâm lý chủ quan và do điều kiện kinh tế hạn hẹp, tới tận tháng 7/2018, khi những cơn đau trở nên dữ dội, thuốc giảm đau không còn tác dụng, sức khỏe sa sút nghiêm trọng, bệnh nhân mới được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị.

Lúc này khối u đã phát triển quá lớn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn khoảng 25%.

Hay như với ung thư phổi, ung thư gan… phần lớn khi phát hiện bệnh, bệnh nhân đều đã ở giai đoạn nguy kịch khiến cơ hội sống giảm, chi phí điều trị tăng lên rất nhiều.

Bệnh nhân Lê Thị Hồng L. (59 tuổi, ở tại Hải Dương) phát hiện mắc ung thư phổi từ tháng 6/2016, bệnh nhân đã chữa trị nhiều nơi và thay đổi nhiều loại thuốc, tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện. Gần đây, bệnh nhân L. có dấu hiệu ho, có đờm, sốt, sức khỏe sa sút. Kết quả khám cho thấy ung thư phổi đã phát triển đến giai đoạn IV và di căn lên não.

Bệnh nhân L. là một trường hợp ung thư phổi giai đoạn IV, đã di căn lên não. Người bệnh đã được điều trị thuốc TKI thế hệ thứ nhất trong 20 tháng, tuy nhiên đã có dấu hiệu kháng thuốc.

“Sau khi hội chẩn tham khảo hệ thống trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ đã tư vấn người bệnh dùng một loại thuốc khác và khuyến cáo người bệnh đi kiểm tra nếu tình trạng bệnh có diễn biến bất thường”, ThS.BS Trần Xuân Vĩnh nhận định.

Tại sao phát hiện ung thư thường ở giai đoạn muộn

Theo Ths. Bs Trần Xuân Vĩnh việc phần lớn bệnh nhân ung thư nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn phụ thuộc vào việc nhiều người dân hiểu biết chưa cao và có tâm lý thường chịu đựng đến khi thật khó chịu mới vào viện, hoặc tìm đến các cách chữa dân gian, thuốc nam, thuốc lá, không khỏi mới vào viện. 

  Nhiều bệnh nhân ung thư nhập viện khi bệnh đã nặng

Nhiều bệnh nhân ung thư nhập viện khi bệnh đã nặng

Nhiều bệnh nhân bị ung thư vú nhưng tự mua thuốc lá đắp điều trị, sau đó, khi khối u to lên, sùi, chảy dịch... mới tìm đến cơ sở y tế điều trị. Hay có những bệnh nhân, chấp nhận không điều trị vì suy nghĩ, ung thư kiểu gì cũng chết đến khi qúa đau đớn mới nhập viện.

Ngoài ra, bác sĩ cho biết, ở một số loại ung thư, biểu hiện ban đầu của bệnh rất tinh tế nên người mắc khó phát hiện. Như với ung thư phổi, khi có triệu chứng ho, tức ngực... thường đã rơi vào giai đoạn cuối. 

Theo bác sĩ, để khắc phục tối đa tình trạng trên chỉ có cách tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, mở rộng chiến dịch sàng lọc ung thư tại cộng đồng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên tầm soát ung thư tổng thể mỗi năm 1 lần. Riêng đối với người có tiền sử gia đình mắc ung thư thì nên thực hiện 6 tháng 1 lần. Những đối tượng sau nên thực hiện tầm soát ung thư hàng năm:

– Nam/nữ độ tuổi từ 40 trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư toàn diện để phát hiện sớm ung thư cũng như để bảo vệ sức khỏe.

– Những đối tượng mà tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là khi chẩn đoán ở độ tuổi dưới 40.

– Những người có các yếu tố bệnh lý có thể là nguy cơ gây ung thư như polyp đại tràng, đa polyp tuyến, xơ gan, viêm loét dạ dày hoặc có thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia lâu dài… nên được tầm soát ung thư định kỳ.

– Ngoài ra, nếu phát hiện những bất thường hoặc thay đổi lâu ngày trong cơ thể và nghi là dấu hiệu bệnh ung thư như sụt cân không rõ nguyên nhân, đi tiểu ra máu, chảy máu đường ruột, xuất hiện khối u ở ngực, có vết thương trên da lâu không lành… thì cũng cần thực hiện tầm soát ung thư để xác định chắc chắn liệu mình có bị mắc ung thư hay không.

Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần chú ý theo dõi thể trạng của bản thân để nhận ra những dấu hiệu bất thường. Sau đó hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để nhận được những lời khuyên tốt nhất.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO