Báo Điện tử Gia đình Mới

Thư trả lời đơn xin nghỉ phép của CEO Mỹ gây rung động lòng người

Mạng xã hội Twitter tuần qua lan truyền một bài viết của Madalyn Parker, một nữ nhân viên phát triển web tại công ty Olark (Michigan, Mỹ). Đó là chia sẻ về việc Parker viết thư xin nghỉ phép để trị liệu về tâm thần và nhận được phản hồi vô cùng cảm động từ CEO của công ty.

Thông điệp gây rung động của vị CEO

Madalyn Parker chia sẻ về một email hồi tháng trước (tháng 6/2017) thông báo cho các đồng nghiệp của cô rằng sắp tới cô sẽ dành hai ngày nghỉ để chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mình. Nhận được thông điệp này, Giám đốc điều hành (CEO) của Olark, Ben Congleton, đã trả lời với một lá thư đầy khích lệ.

Ben Congleton đã viết: "Với tư cách cá nhân, tôi muốn cảm ơn bạn đã gửi email này. Mỗi lần bạn làm như vậy, tôi sử dụng nó như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc sử dụng các ngày nghỉ ốm cho việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Tôi tin rằng đây là việc làm chuẩn mực cần thực hiện ở tất cả các tổ chức. Bạn là một tấm gương cho tất cả chúng tôi, việc làm của bạn giúp nhiều người vượt qua sự kỳ thị để tất cả chúng ta có thể cống hiến hết mình cho công việc”.

Tweet của Parker được chia sẻ hơn 12.000 lần và nhận được hơn 330.000 lượt yêu thích.

thu tra loi cua sep_2

Ảnh đại diện của Madalyn Parker và dòng chia sẻ trên mạng xã hội của cô 

Phản hồi của Ben Congleton được cư dân mạng đánh giá là một “viral message” – tức là thông điệp gây rúng động mạng xã hội. Rất nhiều nhân viên văn phòng đã ngay lập tức comment để nêu lên vấn đề của họ.

Danielle Willette – một người dùng Twitter bình luận về trường hợp của Parker: “Thật là tuyệt vời! Tôi đã từng gọi điện thoại để xin nghỉ do có vấn đề về tinh thần. Sếp của tôi trả lời căng thẳng không thực sự là một chứng bệnh để có thể xin nghỉ ốm, ông ấy yêu cầu tôi phải có chứng nhận của bác sĩ”.

Rất nhiều người sử dụng Twitter chia sẻ họ gặp phải những phản ứng tiêu cực khi yêu cầu một ngày nghỉ vì tinh thần có dấu hiệu bất ổn, trong đó có một phụ nữ cho biết cô đã từ bỏ công việc sau khi "Phụ trách nhân sự muốn biết trước khi nào thì tôi bị hoảng loạn."

Parker trả lời các bình luận trên trang Twitter của mình: "Sức khoẻ tinh thần đơn giản là sức khỏe".

Đây không phải là lần đầu tiên Parker nói về sức khoẻ tâm thần trên blog cá nhân của mình. Trước đó, cô đã nói chuyện về vượt qua các rào cản về sức khoẻ tâm thần vào năm 2015 tại AlterConf, một loạt hội nghị du lịch dành cho giới công nghệ ở Mỹ.

Vào tháng 6/2014, cô đã viết về tình trạng nhiều người thể hiện sự kỳ thị khi cô bày tỏ mình đang cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Cô viết: "Tôi không muốn các đồng nghiệp của tôi nghĩ rằng tôi không thích hoặc không quan tâm đến công việc của tôi. Làm thế nào tôi có thể có một cuộc thảo luận thẳng thắn với cấp trên về vấn đề tinh thần tôi đang gặp phải mà họ vẫn tin tưởng tôi và đánh giá tôi như một nhân viên bình thường?"

Parker nói rằng có người đã khuyên cô qua mạng xã hội là: "Đừng làm thế, bạn có thể bị sa thải."

Tuy nhiên, Parker vẫn kiên trì khuyến khích mọi người lên tiếng về cảm xúc của họ trong công việc. "Nếu bạn đấu tranh với bệnh tâm thần, hãy biết rằng có nhiều người vẫn đang cố gắng làm cho nơi làm việc của họ có sự cảm thông và hỗ trợ", Parker đã viết vào năm 2015.

CEO Ben Congleton: “Tôi đã rơi nước mắt”

Ben Congleton – vị CEO đã tạo ra thông điệp gây rung động lòng người – khẳng định ông rất ngạc nhiên trước phản ứng của cộng đồng mạng. Congleton nói: "Tôi cảm thấy như thế này chỉ là một cái gì đó bình thường… Đây không phải là điều mới mẻ".

Ông nói thêm: "Rất nhiều người sợ hãi tiết lộ những vấn đề sức khoẻ tâm thần trong công việc. Bằng nhiều cách, sự sợ hãi đó làm cho những vấn đề về sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ hơn". Congleton chia sẻ những bình luận của người dùng Twitter cho thấy họ bị kỳ thị do có vấn đề về sức khỏe tâm thần, điều đó làm ông rơi nước mắt.

Congleton nói Parker đã rất mạnh mẽ ủng hộ nhận thức về sức khoẻ tâm thần trong công ty của họ. Trên thực tế, cô và một số đồng nghiệp khác chia sẻ kinh nghiệm và thách thức của họ với sức khoẻ tâm thần trong một cuộc họp chung một vài năm trước đây – điều này đã tạo ra sự cởi mở với vấn đề này trong công ty.

Congleton cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng tổ chức này với nền văn hoá mà loại thảo luận này không phải là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng điều đó bắt đầu bình thường hoá sức khoẻ tâm thần như một vấn đề sức khoẻ thực sự trong tổ chức của chúng tôi".

Đối với Congleton, điều quan trọng là một công ty phải xây dựng một không gian an toàn cho nhân viên của mình, nơi họ có thể sẵn sàng chia sẻ bất kỳ vấn đề nào họ có, cho dù vấn đề đó có liên quan đến sức khoẻ tâm thần hay không.

Ông thường cố gắng tìm cách thể hiện lòng biết ơn đối với nhân viên của mình - và thông điệp của ông đối với Parker là một trong những nỗ lực đó.

Những vấn đề về tâm thần khá phổ biến ở Mỹ, với tỷ lệ 1/5 người trưởng thành gặp trầm cảm, lo lắng hoặc một số rối loạn tinh thần hoặc tình cảm khác. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cung cấp tài liệu cho các công ty để họ nắm được về sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc, bao gồm việc mô tả các chứng rối loạn lo âu như thế nào "không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối cá nhân". Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cho biết 80% nhân viên sau khi điều trị về sức khỏe tâm thần có hiệu quả làm việc được cải thiện.

Việt Nam: Sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức

TS Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết những năm gần đây số lượng người có biểu hiện về sức khỏe tâm thần dạng nhẹ như lo âu, mất ngủ, đau đầu... tăng lên nhiều trông thấy. Người mắc chủ yếu ở nhóm người lao động trí óc như giáo viên, bác sĩ, doanh nhân...

Nguyên nhân do áp lực công việc, áp lực xã hội ngày một tăng, nhất là trong những khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng tài chính, gia đình hay bản thân cá nhân có vấn đề trong cuộc sống. Mặt khác, do đội ngũ lao động trí óc thường là những người có học vấn cao, có nhận thức đúng đắn và quan tâm đến sức khỏe tâm thần nên khi có các biểu hiện bất thường thì họ đi khám sớm.

Chính những điều này khiến số lượng người đến khám sức khỏe tâm thần nhiều lên thời gian gần đây. Bên cạnh đó, ở nhóm thanh thiếu niên xuất hiện các dạng tâm thần mới nổi như nghiện Internet, nghiện Facebook, nghiện game online, ma túy đá...

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO