Báo Điện tử Gia đình Mới

Thực hư tin đồn chỉ cần ăn sống 7 lá khôi vào 7 buổi sáng là khỏi bệnh dạ dày

Gần đây trên mạng xã hội có nhiều người chia sẻ về việc sử dụng một loại lá chữa dạ dày có tác dụng như ‘thần dược’, chỉ cần ăn sống 7 lá vào 7 buổi sáng mỗi ngày là khỏi bệnh.

Thông tin được chia sẻ về việc sử dụng một loại lá chữa dạ dày có tác dụng như ‘thần dược’

Thông tin được chia sẻ về việc sử dụng một loại lá chữa dạ dày có tác dụng như ‘thần dược’

Qua những thông tin mà mọi người chia sẻ cho nhau thì được biết loại lá ‘thần dược’ này có tên là cây lá khôi.

Khi được hỏi về thực hư tác dụng của cây lá khôi đối với sức khỏe, nhất là tác dụng chữa bệnh dạ dày như lời đồn thổi, ThS.BS Nguyễn Hữu Khoa, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: ‘Lá khôi là một trong các loại thuốc Nam có tác dụng chữa chứng đau dạ dày.

Nhưng không có chuyện người bệnh chỉ cần ăn sống 7 lá vào 7 buổi sáng mỗi ngày là khỏi bệnh.

Việc mọi người truyền tai nhau lấy 7 lá hay 9 lá là xuất phát từ quan niệm của người xưa, con trai có 7 vía, con gái có 9 vía.

Nhưng đó chỉ là phương pháp chữa mẹo, chữa theo kinh nghiệm, không có cơ sở khoa học.

Có một số rất ít bệnh nhân khỏi hoặc đỡ nhờ chữa bằng mẹo, kinh nghiệm dân gian, nhưng đa số là không có tác dụng.

Để chữa đau dạ dày, người bệnh cần dùng khoảng 15 – 20 gram lá khôi khô đun nước uống

Để chữa đau dạ dày, người bệnh cần dùng khoảng 15 – 20 gram lá khôi khô đun nước uống

Thực tế khám và điều trị cho bệnh nhân, tôi thường chỉ dẫn người bệnh sử dụng khoảng 15 – 20 gram.

Thậm chí có trường hợp dùng đến 40 gram lá khôi khô, sắc uống, với trường hợp đau cấp tính cần sắc đặc hơn. Việc điều trị bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh’.

Theo Đông y, chứng đau dạ dày còn gọi là vị quản thống và do một số nguyên nhân gây nên như: Đau dạ dày có thể do Tỳ vị hư hàn (đau do lạnh); đau do Can khí phạm vị, tình chí uất kết (stress).

Với thể Tỳ vị hư hàn, tức là do tiêu hóa kém, tiêu hóa bị lạnh, ăn đồ sống, đồ lạnh nhiều khiến cho vị bị hàn lạnh.

Và khi hệ tiêu hóa bị hàn lạnh thì trong cách chữa của Đông y sẽ dùng những thuốc ôn, nhiệt, tức là ấm và nóng để chữa, ví như dùng cao lương khương, gừng, riềng…

Còn với thể thứ hai của chứng vị quản thống là can khí phạm vị, là thể hay gặp nhất bây giờ, cách gọi hiện đại là căng thẳng, stress. Với trường hợp này sử dụng lá khôi để chữa bệnh rất hiệu quả.

ThS.BS Nguyễn Hữu Khoa, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

ThS.BS Nguyễn Hữu Khoa, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

Lý giải về tác dụng của lá khôi trong chữa đau dạ dày, bác sĩ Khoa chia sẻ thêm, quá trình tiêu hóa thức ăn của dạ dày có 2 cơ chế là cơ chế phá hủy và cơ chế bảo vệ.

Trong đó, axit hay còn gọi là dịch vị được dạ dày tiết ra có chức năng tiêu hóa thức ăn. Còn chất nhầy mucin được tiết ra bởi tế bào niêm mạc dạ dày có tác dụng bảo vệ dạ dày.

Mà khi cơ thể bị stress, căng thẳng, vừa làm tăng tiết axit dạ dày, vừa làm tế bào niêm mạc dạ dày giảm tiết chất nhầy mucin đi.

Khi tăng tiết axit và giảm tiết chất nhầy mucin sẽ làm cho axit thấm vào thành dạ dày gây ra viêm loét.

Một nguyên nhân nữa gây ra đau dạ dày là do trong quá trình sinh hoạt nhiễm xoắn khuẩn HP. Xoắn khuẩn này cũng gây ra hiện tượng tăng tiết axit dạ dày và gây đau.

Và những trường hợp bị bệnh dạ dày do axit dịch vị tiết nhiều như trào ngược dạ dày thì thường sử dụng lá khôi để điều trị  bệnh.

Cách sử dụng lá khôi để điều trị trào ngược dạ dày xuất phát từ cơ chế gây bệnh dạ dày. Bởi có 2 cơ chế gây bệnh dạ dày nên cũng có 2 cơ chế để giảm bệnh lý là giảm tiết dịch vị và bảo vệ dạ dày.

Vì lá khôi có tác dụng làm giảm tiết axit dịch vị nên nếu dùng lá khôi trong thời gian dài lại gây ra tác dụng phụ cho người bệnh như gây đầy bụng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

Cây lá khôi có nhiều loại và nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi vùng miền, do đó, việc sử dụng lá khôi để chữa bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ Đông y

Cây lá khôi có nhiều loại và nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi vùng miền, do đó, việc sử dụng lá khôi để chữa bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ Đông y

Chính vì vậy, để bảo vệ dạ dày, bác sĩ Khoa khuyên người bệnh không nên sử dụng lá khôi trong thời gian dài. Chỉ dùng một thời gian khoảng 1 – 2 tháng thấy bệnh đỡ thì nên ngừng lại.

Ngoài việc dùng lá khôi chữa bệnh dạ dày, người bệnh cũng có thể sử dụng cây dạ cẩm để chữa bệnh. Cây dạ cẩm có thể dùng kéo dài mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, vẫn không nên lạm dụng thuốc và việc sử dụng loại thuốc nào, với liều lượng và thời gian bao lâu cần tham vấn ý kiến bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc vì có thể làm bệnh nặng và trầm trọng hơn.

Ngoài việc dùng các loại thảo dược trong đó có lá khôi để chữa bệnh dạ dày, bác sĩ Khoa còn chỉ ra một số cách chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp…

Trong đó, cứu là phương pháp dùng cứu ngải, mồi ngải, sử dụng hơi nóng để tác dụng vào huyệt.

Phương pháp cứu thường được sử dụng với trường hợp đau dạ dày do tỳ vị hư hàn (lạnh). Còn điện châm được sử dụng với trường hợp can khí uất kết.

Các huyệt vị thường được sử dụng để chữa đau dạ dày gồm: Huyệt trung quản, hạ quản, thượng quản, túc tam lý…

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO