Báo Điện tử Gia đình Mới

Tiến sỹ tâm lý hàng đầu nước Anh chỉ cách biến stress thành ‘thuốc bổ’

Nhà tâm lý học hàng đầu nước Anh đưa ra những chỉ dẫn để biến stress thành ‘thuốc bổ’ cho mọi người.

Stress tốt sẽ làm bạn thêm động lực để hoàn thành công việc còn stress xấu mới gây hại cho cơ thể

Stress tốt sẽ làm bạn thêm động lực để hoàn thành công việc còn stress xấu mới gây hại cho cơ thể

Báo Daily Mail đã giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Tâm lý học Meg Arroll (Anh), chỉ ra những giải pháp thực tế để cảm giác căng thẳng (stress) ít đáng sợ hơn, thêm nữa, còn có thể trở thành động lực để hoàn thành tốt mọi việc.

Stress không phải luôn tồi tệ

Con người hiện đại dường như càng ngày càng căng thẳng hơn, do yêu cầu về công việc suốt 24/7, yêu cầu check email, điện thoại và mạng xã hội...

Hiện tượng ‘Ngày thứ Hai buồn nản’ (Blue Monday), có thể phản ánh rõ nhất áp lực này. Đó là khi mà ngày nghỉ đã qua đi, công việc đầy biến động, một năm mới đến với biết bao điều cần cố gắng...

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng stress không nhất thiết là cảm giác ‘đông cứng’ như chúng ta thường thấy.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Mannheim tại Đức phát hiện ra rằng thay đổi quan niệm về stress có thể giúp cho con người hưởng lợi, hơn là bị thiệt hại, đặc biệt với stress tại nơi làm việc.

Xem xét cách mà một nhóm công nhân cảm nhận về một tuần làm việc thông thường, họ phát hiện ra những người với ‘stress tích cực’ có thể đạt được thành tựu trong công việc theo một cách khác biệt.

Họ cảm thấy có động lực nhiều hơn là đơn thuần chỉ thấy stress và kiệt sức vào cuối tuần.

Nhưng  bằng cách nào họ có thể làm được điều đó?

Thí nghiệm thú vị về stress

'Stress' chẳng phải là điều gì mới lạ. Thực tế, từ thời tiền sử, stress đã giúp cơ thể tỉnh táo trong những phút giây nguy hiểm, và do đó có được phản ứng đúng đắn.

Cách mà cơ thể phản ứng lại stress ngày nay cũng giống như cách mà tổ tiên chúng ta phản ứng trước đây, khi họ phải săn bắn và tụ tập theo bầy đàn.

Dù sao, phản xạ ‘Đánh hay là tránh’ với stress cũng rất quan trọng bởi vì khi đối mặt với hiểm nguy (như đứng trước một con sư tử), chúng ta cần cơ thể phải đủ mạnh mẽ để bỏ chạy hoặc phản công.

Theo nghĩa đó, stress là một điều tốt. Nó giúp chúng ta sinh tồn trong tự nhiên.

Trong cuộc sống ngày nay, cơ thể chúng ta cũng vô cùng nhanh nhẹn và thông minh khi phải đối phó với một tình huống khó khăn. Ví như khi một người đột ngột xuất hiện ngay trước xe ô tô của bạn, cơ thể bạn lập tức đáp lại phản xạ stress để có thể có hành động nhấn phanh kịp thời.

Để có hành động kịp thời và gần như không cần nghĩ ấy, chất dẫn truyền thần kinh và hoocmon (adrenaline và cortisol) ngay lập tức phải được bơm tới não và toàn bộ cơ thể.

Cơ chế này diễn ra mỗi khi chúng ta gặp tình huống khó khăn trong công việc hoặc khi cần đáp ứng các nhu cầu của người thân trong gia đình. Nếu như bạn chưa hành động, chỉ là nghĩ về những điều này, bạn cũng có thể trải qua nhiều stress trong ngày.

Nếu không thể thích nghi với stress, cơ thể chúng ta sẽ không có cơ hội để điều chỉnh lại các chức năng của nó. Điều đó giải thích vì sao stress mãn tính – loại stress quá giới hạn chịu đựng – sẽ trở nên có hại cho sức khỏe.

Không đơn giản để từ bỏ stress.

Với nhiều người, cuộc sống luôn đầy ắp những áp lực từ nhận và gửi email, các thông báo từ smartphone, yêu cầu không dứt từ công việc, áp lực gia đình và hàng tá các cam kết khác.

Nhưng tin vui cho chúng ta là, ai cũng có thể thay đổi quan niệm về stress.

Nếu coi stress như là cơ hội để vượt lên chính mình, bạn sẽ thấy tác dụng của cảm xúc này

Nếu coi stress như là cơ hội để vượt lên chính mình, bạn sẽ thấy tác dụng của cảm xúc này

Quan niệm tích cực về stress là khi bạn xem căng thẳng như là một cơ hội để được ghi nhận, bởi vì nó đem lại kinh nghiệm và thành tựu. Điều này tạo động lực cho bạn để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn và cung cấp sự tập trung cần thiết để hoàn thành chúng.

Một quan niệm tiêu cực về stress là khi một nhiệm vụ, công việc khó khăn được xem như là điều khó chịu, làm suy nhược hoặc thậm chí là gây sợ hãi.

Một nghiên cứu của Đại học Mannhei, xem xét 171 người lao động làm việc trong các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe hay chăm sóc xã hội, IT. Mục đích của nghiên cứu là tìm ra sự khác biệt trong quan niệm về stress.

Những người tham gia được yêu cầu điền vào một cuốn nhật ký 3 lần/ngày.

Vào buổi sáng, họ được yêu cầu nói về khối lượng công việc mà họ mong muốn hoàn thành trong một ngày.

Sau đó, cuốn nhật ký sẽ ghi lại việc các nhân viên này đã thực hiện những bước như thế nào trong ngày để đáp ứng yêu cầu về khối lượng công việc.

Ví dụ, họ sẽ ghi lại về việc lên kế hoạch, thời hạn hoàn thành từng nhiệm vụ, xem xét các công việc khó khăn như là cơ hội để học tập

Cuối ngày, trước khi đi ngủ, những người này được hỏi họ cảm thấy hiệu quả công việc của mình như thế nào, mức độ động lực của họ ra sao.

Những người có quan niệm tích cực về stres đã chấp nhận một khối lượng công việc lớn hơn, vui vẻ với các thách thức trong công việc. Họ cũng đáp ứng các nhiệm vụ với hành vi phù hợp, ví dụ như lên kế hoạch cẩn thận, có sự chuẩn bị.

Với những người có quan niệm tiêu cực về stress: có ít hành vi chủ động khi thực hiện công việc và luôn nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi. Họ sử dụng sự né tránh như là cách để thích nghi.

Cách để chuyển stress từ ‘gánh nặng’ thành ‘động lực’

Như vậy, để chuyển stress từ ‘gánh nặng’ thành ‘động lực’, bạn chỉ cần xem đó như là cơ hội để bạn học được điều gì đó.

Có lẽ bạn có thể làm nhiều hơn những gì bạn nghĩ, như câu nói nổi tiếng của T.S. Eliot: ‘Nếu không vượt trên đầu của bạn, làm sao bạn biết được mình cao đến mức nào?’

Hãy luôn từ tâm với bản thân. Chúng ta có vẻ nghiêm khắc với bản thân hơn với người khác, vì vậy khi đối mặt với khó khăn, hãy cư xử với chính mình như là với bạn thân.

Mỗi khó khăn đều là một trải nghiệm thú vị trong đời

Mỗi khó khăn đều là một trải nghiệm thú vị trong đời

Bạn cũng cần học cách để tự nhắc mình về những khó khăn mà bạn đã vượt qua – điều này sẽ củng cố sự kết nối của não bộ với những thành tựu.

Bằng cách này, khi một khó khăn mới xảy đến, bạn có thể xem đó như là một trải nghiệm thú vị, chứ không phải là một điều gây stress quá mức.

Nhưng cũng không có nghĩa là bạn nói ‘có’ với mọi việc – hãy xây dựng những ranh giới và kiên định thực hiện, dù là trong công việc, với gia đình hay bạn bè.

Vậy phải làm gì khi bạn thấy stress mà không hiểu căn nguyên tại sao?

Stress xảy ra là để đáp ứng lại một mối đe dọa nào đó – ví như thời tiền sử là đe dọa sự sống của con thú ăn thịt hoặc ngày nay là một bài thuyết trình quan trọng sắp diễn ra. Nghĩa là, chúng ta thường định nghĩa được căn nguyên của stress.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy stress không có lý do, có thể bạn đang bị lo lắng, trầm cảm.

Trầm cảm là một chứng bệnh khi bạn luôn luôn lo lắng về tương lai hoặc nuối tiếc quá khứ. Mặc dù chẳng có điều gì thực sự xảy ra ngay lúc này, nhưng cảm giác lo lắng và hồi tưởng đó khiến stress diễn ra và tình trạng stress mãn tính này có thể tàn phá sức khỏe.

Nếu thấy có dấu hiệu bị trầm cảm, bạn cần phải gặp bác sĩ để xem xét giải pháp điều trị.

Đừng quá bận tâm đến việc xóa bỏ stress

Lời cuối cùng, chúng ta cũng có thể cảm thấy stress nếu muốn xóa bỏ... stress. Bởi vì với rất nhiều người trong chúng ta, stress là điều không thể tránh khỏi.

Chúng ta vẫn phải kiếm sống, đương đầu với một núi công việc, đáp ứng các nhu cầu của gia đình và đấu tranh với cả tá nhiệm vụ khác.

Đó là lý do để khẳng định một lần nữa: chỉ có cách thay đổi góc nhìn để giảm mức độ stress.

Có thể cần luyện tập một chút, nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng thay đổi quan niệm để thích nghi với từng thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO