Báo Điện tử Gia đình Mới

10 bức tranh đáng suy ngẫm về sự khác nhau giữa trẻ em ngày xưa và ngày nay

Làm bố mẹ, ai cũng muốn dành cho con mình thật nhiều tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc. Nhưng nếu không biết cách yêu thương, nhiều bậc cha mẹ thậm chí có thể làm hư con của mình.

gia-dinh-moi (3)

Nhiều bậc cha mẹ hay trách con mình kén ăn, lười ăn, đi nhà trẻ không tự ăn cơm được như các bạn. Thực ra, điều này xuất phát từ chính thói quen chiều chuộng của nhiều bậc phụ huynh.

Cha mẹ cho rằng để con tự xúc cơm ăn rất bẩn và phiền phức, lại lo con ăn không đủ no, nên muốn tự mình đút cho trẻ.

Thậm chí nhiều phụ huynh còn cho trẻ vừa chơi vừa ăn, khi trẻ không muốn ăn thì cố nài ép, dỗ dành.

Hành động này của cha mẹ khiến con cảm thấy việc ăn giống như một nhiệm vụ, làm trẻ mất đi hứng thú trong việc ăn uống, dẫn đến chán ăn, kén ăn.

Vì vậy, hãy để trẻ tự xúc ăn khi đã đến độ tuổi thích hợp. Nếu trẻ không muốn ăn cũng không nên ép. Hãy để trẻ biết đến cảm giác đói, như vậy sẽ khiến trẻ thích ăn hơn.

gia-dinh-moi (9)

Nhiều bậc cha mẹ chiều con đến nỗi mỗi ngày đều chuẩn bị quần áo, sách vở đi học cho con, giúp con mặc đồ vì nghĩ con còn nhỏ, không tự mặc đồ được.

Thực ra trẻ từ 3-4 tuổi đã có thể tự mặc quần áo nếu được bố mẹ hướng dẫn. Điều này sẽ giúp ích cho trẻ khi đi học mẫu giáo vì cô giáo không thể chăm lo hết được cho tất cả học sinh của mình. Trẻ có thể tự mặc trang phục mà không cần trợ giúp.

Bố mẹ càng bao bọc, chăm chút thì trẻ nhỏ sẽ càng có ít cơ hội rèn luyện tính độc lập, tự chủ, khiến trẻ dễ bị phụ thuộc và khó thích nghi khi đến những môi trường mới.

gia-dinh-moi (6)

Trong cuộc sống hiện nay, những cảnh tượng như thế này xuất hiện trong không ít gia đình có con nhỏ.

Thay vì để trẻ tự làm mọi thứ, người lớn thường vì 'thương' trẻ mà giúp đỡ trẻ trong hầu hết mọi việc, kể cả những việc trẻ có thể tự làm.

Nếu cha mẹ thay con làm mọi việc, trẻ sẽ có xu hướng thiếu tự tin, thiếu độc lập, thiếu tinh thần trách nhiệm và cả tính sáng tạo.

gia-dinh-moi (5)

Nếu trước kia, trẻ em được vui chơi cùng bạn bè, hòa nhập với thiên nhiên và hít thở không khí trong lành, thì ngày nay, cha mẹ thường lo lắng và 'quản lý' trẻ trong việc chơi với ai, chơi trò gì, ở đâu.

Có thể hành động đó xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng con chơi với bạn xấu. Nhưng nếu cha mẹ luôn ở bên 'kèm cặp' con như vậy, trẻ sẽ thiếu tự tin và cơ hội được trưởng thành.

Vì sự trưởng thành bao giờ cũng cần có những lúc vấp ngã, nên cha mẹ không nên bao bọc con quá nhiều, để con có cơ hội được sai, được vấp ngã và đứng dậy.

Ngoài ra, trẻ em cũng cần có không gian riêng, bạn bè riêng. Vậy nên cha mẹ không nên cấm đoán trẻ kết bạn, hãy giảm sự 'giám sát' xuống và con bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

gia-dinh-moi (7)

Nhiều cha mẹ sợ con làm hỏng đồ đạc, hoặc vấy bẩn lên quần áo, nên không muốn con làm việc nhà khi còn nhỏ.

Điều này không hề tốt đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là cơ hội rèn luyện tính tích cực và trách nhiệm đối với gia đình.

Từ chối cho con làm việc nhà, cũng giống như bạn đang nói với con mình rằng: 'Con không làm được, bố/mẹ không tin tưởng con, nên hãy để bố/mẹ tự làm'.

Dần dần, con bạn sẽ không còn hứng thú với những công việc nhà nữa.

gia-dinh-moi (8)

Thay vì thỏa sức sáng tạo, nhiều trẻ em bây giờ không dám thử những điều mới mẻ, 'giấu dốt', sợ sai.

Cha mẹ thấy con mình không biết vẽ thì giúp con vẽ, rồi giúp con viết. Nhưng chúng ta không hiểu rằng, bố mẹ không thể thay con trưởng thành được.

Không để con tìm tòi, khám phá và phạm sai lầm, thì trẻ không thể biết cách tự học hỏi và phát triển.

Bố mẹ nên cùng con tìm hiểu, học tập, nhưng không nên thay con làm hết mọi việc mà phải khuyến khích được tinh thần ham học hỏi ở con, để con phát triển tốt hơn.

gia-dinh-moi (4)

Sự chiều chuộng của bố mẹ không phải lúc nào cũng tốt.

Nhiều phụ huynh sợ con bị bẩn, bị ốm nên cấm con tham gia bất cứ hoạt động gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trên thực tế, thiên nhiên mang đến cho trẻ nhỏ rất nhiều niềm vui và trải nghiệm, khiến trẻ tu dưỡng tâm hồn phong phú và tình yêu thiên nhiên. 

Hãy để cho trẻ cảm nhận ánh nắng, gió, mưa... những màu sắc, mùi vị của thiên nhiên để trẻ lớn lên với tâm hồn đẹp.

Hòa hợp với thiên nhiên không làm trẻ bị ốm.,  mà chính vì trẻ đã xa cách thiên nhiên quá lâu mới dẫn đến điều đó.

gia-dinh-moi (1)

Khi con vấp ngã, bố mẹ nên động viên con tự đứng dậy và bước tiếp.

Nhưng nhiều cha mẹ ngày nay hễ thấy con ngã là dỗ dành 'hết nước hết cái', khiến trẻ càng tủi thân và khóc to hơn.

Không những vậy, cha mẹ còn hay đổ lỗi cho hòn đá, vỉa hè ven đường vì khiến trẻ ngã đau.

Sự đổ lỗi này sẽ hình thành trong trẻ một tâm lý thích đổ lỗi cho người khác, trốn tránh trách nhiệm, đồng thời là tâm lý ỷ lại, dựa dẫm khi trưởng thành.

gia-dinh-moi (10)

Sự cấm đoán quá mức của các bậc cha mẹ ngày nay đặt ra cho trẻ rất nhiều giới hạn. Trẻ sẽ sợ thử thách, sợ những điều mới bất kể chúng có bị cấm hay không.

Trưởng thành là một quá trình không ngừng tìm tòi, thử thách với những điều mới mẻ, nên hãy để trẻ tự làm, tự tìm hiểu, tự thử sức để trở thành một người lạc quan, dũng cảm, tự tin.

gia-dinh-moi (2)

Chăm sóc, chiều chuộng, quan tâm con cái là đều xuất phát từ tình yêu của bố mẹ. Nhưng đôi khi, buông bỏ cũng là một cách để yêu thương.

Bố mẹ nên tham gia vào quá trình trưởng thành của con, nhưng không nên can thiệp quá sâu mà hãy để con có không gian phát triển của riêng mình.

Lam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO