Báo Điện tử Gia đình Mới

'Ấn tượng sâu nặng của những vụ bạo hành sẽ còn mãi cho dù vụ việc đã trôi qua từ rất lâu'

Mấy ngày nay, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin một nữ sinh tuổi teen đã lên mạng tố cáo anh rể bạo hành mình trong nhiều năm. Trong khi nội tình câu chuyện còn chưa sáng tỏ, một câu hỏi đặt ra: mức ảnh hưởng của hành vi bạo hành đối với trẻ ở tuổi dậy thì?

Empty

PV Gia Đình Mới đã có buổi phỏng vấn TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) về vấn đề này. 

PV: TS có thể cho biết, tuổi dậy thì, trẻ sẽ phải đối mặt với những thay đổi như thế nào, nhất là với tâm, sinh lý?

TS Vũ Thu Hương: Trẻ dậy thì là thời điểm các bạn sẽ phải đối mặt với các biến đổi rất lớn về nhiều mặt. Cơ thể trưởng thành, các bộ phận nhạy cảm phát triển, những vấn đề hết sức người lớn như xuất hiện các vấn đề về sinh lý, cảm giác thích bạn khác giới xuất hiện mạnh mẽ, cảm giác sợ sệt vì những biến đổi bất thường cùng những lo lắng, hoảng hốt khi có ai đó vô tình động chạm đến cơ thể.

Đó là chưa kể các bạn còn phải đối diện với áp lực học tập, sự lo lắng dành cho các kì thi cuối kì, cuối cấp. Rồi cạnh đó là các vấn đề bạn bè, các ức chế đến từ gia đình v.v..v. Có thể nói, trong suốt cuộc đời một con người, thời điểm dậy thì là thời điểm chúng ta thay đổi nhiều nhất.

PV: Đặc biệt, theo nhiều phụ huynh chia sẻ, tính cách những đứa trẻ có sự xoay chuyển hoàn toàn khiến họ không ngờ. Tại sao lại có sự khác biệt đó thưa TS?

TS Vũ Thu Hương: Khi bọn trẻ còn bé, cha mẹ thấy con cái còn nhỏ, nhiều điềm còn lơ ngơ, nghĩ có thể lừa hoặc trấn áp được con. Vì thế, có không ít cha mẹ dùng quyền của người cha để quát nạt, đánh đập, bắt ép con cái nghe theo ý mình. Cũng có cha mẹ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ con nghe theo mình.

Đến khi con dậy thì, cơ thể con đã lớn. Lúc đó con thấy cha mẹ không còn quá to lớn như lúc các con còn bé. Vì thế, các con không còn sợ hãi và nghe theo cha mẹ nữa. Mặt khác, con cũng đã tích lũy được chút hiểu biết xã hội. Vì thế, con có thể đủ sức hiểu ra những hành vi của cha mẹ làm với mình trước nay là không ổn, có thể vi phạm một số tuyên bố của cha mẹ đã từng nói hoặc vi phạm luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, con bắt đầu bày tỏ sự thiếu tin tưởng và không hợp tác với cha mẹ.

Bản thân các em cũng nghĩ các em lớn rồi, có thể tự lo lắng cho bản thân. Vì thế, các em cũng không chấp nhận những quyết định áp đặt mà trước nay các em vẫn nghe theo.

Empty

PV: Thời điểm này được đánh giá là “điểm nhạy cảm của trẻ”, vậy gia đình, những người xung quanh nên có cách cư xử như thế nào để tránh khiến trẻ nổi loạn thêm, thưa TS?

TS Vũ Thu Hương: Trẻ tuy đang nổi loạn nhưng vẫn có hiểu biết và sự đánh giá riêng. Nếu cha mẹ luôn làm mọi việc hợp lý, đúng luật pháp quy định, có sự hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thì chắc chắn các con cũng sẽ không phản kháng.

Ví dụ: Một bà mẹ thấy con được điểm học tập không cao thì ra sức dụ dỗ con học thêm vào trong hè dù con mới thi xong học kì 2, rất mệt mỏi và muốn xả hơi. Với tình huống này, các bạn nhỏ chắc chắn sẽ có phản kháng mạnh mẽ.

Còn một bà mẹ biết động viên con kịp thời dù con mới có chút cố gắng nhỏ xíu cho một việc nào đó thì chắc chắn vẫn có thể trở thành bạn bè thân thiết của tuổi dậy thì.

Empty

PV: Nếu như trong quá trình này, gia đình, thầy cô… sử dụng bạo lực để trấn áp trẻ liệu sẽ ảnh hưởng đến trẻ như thế nào ạ?

TS Vũ Thu Hương: Không bao giờ bạo lực là hướng xử lý phù hợp dù đó là tình huống nào. Người bị bạo lực chắc chắn sẽ mang theo sự tổn thương hết sức lâu dài. Có những bạn bị bố mẹ đánh đập quá nhiều đã chia sẻ là sau này, khi lớn lên, bạn ấy luôn có cảm giác sợ hãi rằng người đang giao tiếp với mình sẽ tát bộp vào mặt mình. Rõ ràng, những ấn tượng sâu nặng của những vụ bạo hành sẽ còn mãi cho dù vụ việc đã trôi qua từ rất lâu.

PV: Nhiều người nhận xét, hiện nay, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến định hướng, lắng nghe “tâm lý dậy thì”. Từ đó gây ra một hệ quả âm thầm trong nhiều gia đình Việt như cha mẹ và con cái không thể hiểu được nhau. Nếu nhìn một cách tổng quát xa hơn, theo TS, giải pháp tốt nhất cho cả xã hội là cha mẹ cũng cần được tư vấn về tiền dậy thì ở trẻ?

TS Vũ Thu Hương: Theo tôi, cha mẹ cần có những hướng dẫn cụ thể về việc giáo dục con trẻ từ ngay khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Từ mục tiêu sinh con như: sinh con vì đã lập gia đình, sinh con vì bạn bè ai cũng sinh con, sinh con vì muốn có thêm con trai, sinh con vì mong muốn tạo ra một con người… cho đến việc chăm sóc và giáo dục con thế nào. 

Việc này không chỉ cần thực hiện khi con đã lớn mà ngay từ khi con còn nhỏ cho đến khi con đủ tuổi trưởng thành. Vậy nên, có lẽ cần có những quy định cụ thể bắt buộc các cha mẹ theo học các lớp hướng dẫn làm cha mẹ. Nếu việc này được tiến hành thì chắc chắn các vụ việc đáng tiếc sẽ không có cơ hội xảy ra.

Empty

Xin chân thành cám ơn TS!

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO