Báo Điện tử Gia đình Mới

Phận bán hoa: Trăm bó đưa người, còn mình chẳng... bông nào!

Người người tặng hoa cùng vô vàn lời chúc có cánh gửi tới phái đẹp nhân ngày 8/3. Cũng là phái đẹp song vẫn có những người chưa một lần được tặng hoa. Đằng sau những gánh hàng hoa ngát hương sắc là phút trải lòng của những thân phận bán hoa...

Screen Shot 2018-03-08 at 11.22.35
Empty

Con đường Lê Duẩn được nối dài bởi những hàng hoa đủ sắc màu. Chị Nhung (quê Lục Nam, Bắc Giang) đang xếp gọn lại những bó hoa khách nâng lên, đặt xuống. Khác hẳn ngày thường, vào những dịp như 8/3, chị Nhung nhập tăng hoa cả về số lượng và chủng loại.

Chị Nhung vẫn thức dậy từ nửa đêm, khoảng 1 – 2 giờ sáng, chị chạy xe máy tới chỗ lấy hoa, chọn lựa những bó hoa thật đẹp, nhưng vào ngày này, chị luôn lấy hoa hồng nhiều hơn một chút để đáp ứng như cầu của mọi người.

4 năm nay, chị Nhung làm công việc này thuần thục đến mức cảm xúc cũng được tôi luyện theo guồng quay của công việc. Với chị Nhung, việc được nhận một món quà từ chồng hay con là một điều xa xỉ, chị không bao giờ dám mơ tới.

Nhìn những người phụ nữ được chồng hay người yêu ân cần mua hoa về tặng người phụ nữ của họ, chị Nhung tủi thân, “nhưng đây là công việc mà, nên tôi vẫn cứ vui vẻ mà làm thôi!”. Vào mỗi ngày lễ, chị Nhung hay nhận được sự chia sẻ, hỏi han từ những người khách nam. Họ gửi lời chúc vui vẻ và hạnh phúc trong lúc chị đang thoăn thoắt bó hoa. 

Empty

Chị Nhung không có khái niệm mấy giờ được về nghỉ mà công việc bán hoa trong một ngày của chị chỉ kết thúc khi số hoa nhập về bán hết. Thế nhưng, có những ngày, đồng hồ đã nhích dần đến những phút cuối cùng mà hoa vẫn còn, chị Nhung đành ngậm ngùi mang hoa về nhà trọ, bảo quản để ngày mai lại bán tiếp.

Cũng như chị Nhung, mỗi ngày chị Son (Hà Đông, Hà Nội) chỉ ngủ được khoảng 3 - 4 tiếng, những ngày lễ có khi chỉ vỏn vẹn được 2 giờ đồng hồ. Bấy nhiêu thời gian, chị Son dành cả cho công việc mưu sinh đã gắn với chị 8 năm nay.

7 mùa 8/3 trôi qua, chị Son cũng chưa bao giờ được nhận bông hoa nào từ chồng và những người thân trong gia đình. Những dịp 8/3 của chị Son trôi qua lặng lẽ đến mức, từ lâu chị đã không còn mong chờ điều gì vào ngày này nữa.  

9 giờ tối, chiếc xe đạp đã vơi bớt hoa của chị Son lọt thỏm giữa 2 chiếc xe máy chất chứa nhiều loại hoa bên cạnh. Chị Son nhìn xa xăm về hai bên đường Nguyễn Trãi sâu hun hút, chờ đợt khách dừng lại, mua hoa cho chị. Sự ngóng chờ khách của chị Sơn cũng như sự chờ mong mẹ về của hai đứa con của chị đang tuổi đi học.

Những dịp lễ, chị thường xuyên về nhà muộn với cái bụng đói thay vì bán hết hoa, trở về căn nhà của mình lúc 7 – 8 giờ tối như ngày thường. 8/3 năm ngoái, đồng hồ đã sang ngày mới nhưng chị vẫn cố nán lại để bán bó hoa cuối cùng và về đến nhà lúc 1 giờ sáng.

“Sau mỗi ngày lễ như thế này, tôi ốm mất. Nhưng vì mưu sinh, tôi vẫn cố gắng để làm, có tiền ăn học cho các con”, chị Son xé mảnh bìa nhặt ở vỉa hè. Vừa thấy ánh đèn xe máy rọi thẳng về phía mình, chị Son vội bật ngồi dậy, chạy ra đón khách.

“Hồng chị bán thế nào?”

“Chị lấy chú trăm một chục”

“Đắt thế! Tám chục à? Tám chục thì em lấy hai chục bông”

“Chú đi khắp nơi xem có chỗ nào bán rẻ như chị không? Thôi, chị để cho chú trăm bảy 20 bông đẹp tuyệt vời”

“Chị bó đi, em lấy 20 bông, cho em mỗi bông vào 1 túi, buộc nơ cẩn thận đấy”

“Rồi, chú yên tâm”

Cuộc mặc cả, trả giá nhanh chóng kết thúc, chị Son nhanh nhẹn lấy túi bóng kính, dây ruy băng, bóc lớp báo bên ngoài mỗi bông hoa, thổi phù phù vài cái…

“Thôi em lấy 15 bông thôi không sợ nhiều quá!”

“Thế mà bảo lấy cho chị 20 bông”

Ôm 15 bó hoa đã được gói ghém cẩn thận để lên xe cho khách, chị Son nhận của khách 130.000 đồng, nhẩm nhẩm tiền thừa trả lại thì người đàn ông xua tay “Thôi chị không phải trả lại em đâu. Chúc chị 8/3 bán được nhiều hoa!”.

Chiếc xe vụt đi mất, để lại lời cảm ơn chị Sơn chưa kịp nói ra vì quá bất ngờ và xúc động.

tit phu 3-2

4 giờ sáng, con đường Trần Phú, quận Hà Đông sáng hơn nhờ những chiếc đèn xe máy, ô tô thưa thớt phóng vụt đi trong bóng tối. Dưới chiếc bóng đèn vàng ở một đoạn đường, chị Hà đang nắn nót cắm những giỏ hoa hồng đầu tiên. Đây là mùa hoa 8/3 đầu tiên của chị và là ngày thứ 2 chị làm công việc này.

Sau khi lấy chồng, chị chuyển từ công việc phục vụ trong nhà hàng sang nghề bán hoa – công việc mà người chồng của chị đã gắn bó 11 năm. Những năm hai mươi, chị Hà không hề thích hoa, thậm chí còn ghét. Ngay cả khi, chồng chị đưa ra mong muốn hai vợ chồng cùng làm một nghề để có thể hỗ trợ cho nhau, chị vẫn chưa hoàn toàn hứng thú với công việc này. Chị Hà mơ hồ nghĩ về những việc mình sẽ làm nếu chấp thuận lời đề nghị của chồng.

Bé gái đầu lòng được 7 tháng tuổi, chị Hà nhờ mẹ chồng trông cháu giúp, chị bắt đầu công việc của một người buôn hoa với việc thức dậy từ 2 giờ sáng đi lấy hoa, mang về chợ Hà Đông bán hết, trở về nhà kịp lúc cô con gái bé bỏng thức giấc.

Hai vợ chồng chị Hà vừa làm vừa quan sát, buôn hoa được gần 1 năm, chồng chị Hà bàn bạc với chị: “Hay bây giờ mình bán thêm cả giỏ hoa nữa? Chị Hà lưỡng lự nhưng cũng gật đầu theo chồng, dù chị chưa qua một lớp học cắm hoa nào. Một ngày, hai ngày… dần dần, chị thấy yêu những bông hoa, ngắm nhìn những giỏ hoa mình cắm đầy thích thú. Chồng chị Hà còn động viên chị đi học lớp cắm hoa để mở rộng kinh doanh.

Ngồi cạnh chị Hà, chồng chị - anh Minh đang làm những bước chuẩn bị như cắt xốp, cắt giấy… cho vợ chỉ việc ngồi cắm. Mỗi người mỗi việc, ngồi cách nhau chưa đầy 2 mét nhưng hai vợ chồng chẳng nói với ai lời nào, có chăng chỉ là những lúc anh Minh gọi với “Em ơi, đưa cho anh cái kéo”….

6 giờ sáng, chị Hà cắm được khoảng 20 giỏ, những chiếc xe và dòng người vun vút qua lại

7 giờ sáng, mật độ phương tiện tăng lên, phố xá tấp nập, riêng tiệm hoa của chị im lìm.

8 giờ 30 sáng, “Từ sáng có khách nào chưa em?” “Chưa…”, ngẩng mặt lên trả lời anh Minh và nhìn số hoa đã cắm, chị Hà thở dài.

9 giờ sáng, những người khách đầu tiên xuất hiện, anh Minh từ trong nhảy ra chào mời khách. Năm người khách nhấc lên, đặt xuống gần hết số lãng hoa chị Hà đã cắm trong lời tư vấn của anh Minh. 30 phút sau, họ đồng ý mua lãng hoa hình trái tim có giá 150.000 đồng và yêu cầu cắm thêm hoa và trả thêm 20.000 đồng. 

“Chị được lãi nhiều không?”

“Phải bán hết số hoa này thì mới biết là lãi hay lỗ. Hoa chưa bán hết thì vẫn còn hồi hộp và lo lắng lắm”

Cùng lúc giỏ hoa mở hàng được mang đi với sự hài lòng của các bạn trẻ, hai người khách nữa xuất hiện. Một hành trình tư vấn, gợi ý, trả giá, mặc cả giữa anh Minh và khách lại bắt đầu. Lần này nhanh hơn, cỡ 10 phút, vợ chồng chị Hà bán được thêm 1 giỏ hoa nữa.

Đưa tiền cho vợ, anh Minh còn căn dặn cẩn thận “Em để tiền vào một cái túi rồi cuối ngày mình đếm xem thế nào”. Cất khoảng tiền đó vào túi, chị Hà và anh Minh lại mỗi người mỗi việc, tiếp tục làm công việc đem lại niềm vui cho một nửa phái đẹp trong ngày 8/3.

IMG_6490

Trước đây và cả khi gắn mình với công việc bán hoa, chị Hà chưa bao giờ mong chờ mình được tặng hoa vào những dịp dành cho chị em. Còn anh Minh, anh chỉ nói vỏn vẹn: “Anh tặng cả em cả một rừng hoa thế này còn gì nữa” rồi cả hai cùng phá lên cười…

Tú Anh - Ngọc Nga /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO