Báo Điện tử Gia đình Mới

Tâm sự cô giáo mầm non: Cực nhọc, lương thấp, làm thêm đủ nghề, không có thời gian để yêu

Ròng rã suốt 3 năm theo đuổi nghề cô giáo mầm non thế nhưng đến nay cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hiểu (Chương Mỹ - Hà Nội) vẫn sống trong cảnh 3 không: Không bảo hiểm, mức lương không đủ sống và không tình yêu.

Cú sốc đầu đời của cô giáo mầm non 3 không

Trong căn phòng trọ lụp xụp chưa đầy 10m2, Hiểu lau vội những giọt nước mắt vì nhớ lại những chuyện buồn mà mình đã từng trải qua.

Năm 18 tuổi, đang ở độ tuổi đầy nhiệt huyết đam mê thì gia đình Hiểu gặp biến cố, người bà nội cô vẫn yêu mến qua đời.

Cú sốc mất đi người thân yêu đã khiến tương lai của cô rẽ ngang khi Hiểu quyết định từ bỏ con đường học hành để làm việc chân tay.

2 năm bươn trải với công việc chân tay vất vả nhưng đồng lương chẳng được là bao thì dường như tình yêu với trẻ con trong cô trỗi dậy, Hiểu quyết định thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, nhưng chỉ đỗ hệ Trung cấp mầm non của trường.

Sau 2 năm miệt mài đèn sách, Hiểu tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương với tấm bằng giỏi trong tay, cô xin việc làm tại một trường mầm non tư thục nhưng trở trêu thay cô lại gặp ngay cú sốc đầu tiên khi làm việc là tự phải chăm lo, săn sóc cho 10 bé và bị quỵt tiền lương.

‘Ngày còn đi học, mình cứ nghĩ công việc này chỉ cần tình yêu thương với trẻ là đủ, thế nhưng khi bắt đầu xin đi làm, mình thực sự gặp cú sốc lớn.

Giáo viên mầm non lúc nào cũng phải căng mình để chăm sóc cho gần 10 trẻ nhỏ, từ việc nhỏ nhất là thay quần áo, cho ăn, đưa đi vệ sinh, và cả dạy học...

Rồi đến kỳ nhận lương, vì có chút việc gia đình nên mình xin nghỉ việc ở đó thì nào ngờ chủ cơ sở quỵt nửa tháng lương của mình. Thật sự lúc đó mình cảm thấy tuyệt vọng và đã khóc khi công sức bỏ ra chỉ nhận về được chừng ấy’, Hiểu chia sẻ.

Thuê căn phòng chưa đầy 10m2 nhưng đối với Hiểu như vậy đã khó khăn rất nhiều.

Thuê căn phòng chưa đầy 10m2 nhưng đối với Hiểu như vậy đã khó khăn rất nhiều.

Vấp phải cú sốc đầu tiên trong công việc đã khiến cô giáo trẻ có ý định muốn bỏ nghề thế nhưng có lẽ vì tình yêu với con trẻ quá lớn nên cô vẫn tiếp tục xin việc ở một trường mầm non tư thục khác.

Sau hơn 2 tháng chờ đợi cuối cùng cô cũng được nhận vào dạy tại một trường mầm non tư thục ở Hà Nội với mức lương thử việc là 3 triệu đồng.

Với số lương ít ỏi đó khiến một người trẻ như Hiểu phải sống trong chật vật và nhiều toan tính.

‘Trường mình dạy ở khá xa nhà vậy nên mình phải thuê trọ ở trên này. Với mức lương thử việc 3 tháng là 3 triệu đồng, mình phải cố gắng tiết kiệm mọi chi phí mới có thể sống qua được 3 tháng ấy.

Thật sự đến giờ nghĩ lại, mình cũng không hiểu tại sao mình có thể sống được qua thời gian ấy nữa’, Hiểu tâm sự.

Empty
Bữa cơm tối ngày cuối tuần của cô Hiểu may mắn được đón tiếp thêm một người bạn lâu ngày không gặp.

Bữa cơm tối ngày cuối tuần của cô Hiểu may mắn được đón tiếp thêm một người bạn lâu ngày không gặp.

Những tưởng cuộc sống sẽ mỉm cười với cô bằng sự cố gắng nhưng không, cuối năm 2015 sức khỏe của Hiểu gặp vấn đề, lúc đó cuộc sống của cô dường như chỉ xoay quanh trường học và bệnh viện.

Kể về quãng thời gian ấy, cô vội lau đi giọt nước mắt trên má tâm sự: ‘Khoảng cuối năm 2015 mình phát hiện mình mắc bệnh phụ khoa, cần phải có thời gian để chữa trị.

Lúc ấy dường như cả thế giới sụp đổ dưới chân mình, bởi lẽ hoàn cảnh gia đình mình không có điều kiện, lương giáo viên mầm non lúc đó của mình chỉ được khoảng 3 triệu, cuộc sống còn rất chật vật thì phải làm sao để có tiền chữa bệnh.

Tuy là thế, nhưng cũng rất may là bệnh của mình có thể chữa khỏi, suốt nửa năm trời cuộc sống của mình chỉ xoay quanh trường mầm non và bệnh viện đến độ mình chẳng ý thức được là đã bước sang tuổi mới nữa’.

Sau bữa cơm tối, cô giáo trẻ vội vàng rửa dọn bát đũa để bắt tay vào công việc làm thêm của mình.

Sau bữa cơm tối, cô giáo trẻ vội vàng rửa dọn bát đũa để bắt tay vào công việc làm thêm của mình.

Sau khi bước qua được căn bệnh ấy, cô phải đối mặt với khoản nợ mà suốt khoảng thời gian chữa bệnh đã vay mượn.

Bán hàng online, chiều làm shipper, tối làm công nhân 

Khó khăn chồng chất khó khăn, cô quyết định làm thêm để có thêm thu nhập. Những ngày đầu cô rao bán hàng online trên mạng.

Ngày ngày sau khi kết thúc công việc tại trường, Hiểu lại chạy xe hơn 10km để lấy hàng kịp về đi ship cho khách.

Tiếp sau này, cô còn nhận làm chậu hoa đá buổi tối để bán cho khách. Ban ngày Hiểu đi dạy ở trường, tối đến đi ship hàng, đêm về lại tỉ mẩn làm hoa đá. Gần như chỉ còn khoảng 4 - 5 tiếng để ngủ.

‘Thiếu tiền sinh hoạt, trang trải cho cuộc sống nhưng tình yêu thương với lũ trẻ còn lớn quá, chẳng làm cách nào khác được mình đành phải làm thêm những việc khác để ‘nuôi nghề’’, cô giáo trẻ tâm sự.

Đến nay, sau 2 năm gắn bó tại ngôi trường mầm non ấy, tuy mức lương của cô giáo Hiểu đã được khoảng 4 triệu đồng thế nhưng cô vẫn sống trong cảnh 3 không.

Không còn thời gian để yêu 

Không bảo hiểm xã hội, mức lương vẫn không đủ sống và cho đến giờ khi bước sắp bước sang tuổi 26 cô vẫn không có lấy một mảnh tình.

2 năm làm thêm để ‘nuôi nghề’ để được tiếp tục yêu thương chăm sóc trẻ con, đã có lần cô giáo Hiểu cảm thấy buồn vì mình chẳng còn thời gian để tìm hiểu người khác.

Trước đó, Hiểu cũng đã quen biết và yêu một người, nhưng có lẽ do khoảng cách địa lý và do chính công việc mà cô yêu thích lại là nguyên nhân khiến 2 người chia tay.

‘Lúc quen biết và yêu nhau anh ấy đã không thích công việc của mình, bởi lịch làm việc dày đặc. 6h45 mình có mặt tại lớp để nhận trẻ, đến tối có khi phải trông trẻ tới 19h30 tối.

Kết thúc trông trẻ mình lại tranh thủ đi lấy hàng và ship hàng cho khách, thời gian gặp gỡ của 2 đứa mình quá ít nên anh ấy không ít lần cáu với mình.

Không chỉ vậy, khi về ra mắt gia đình, mẹ anh đã nói thẳng rằng công việc của mình kéo dài tới 12 tiếng/ngày như vậy không có đủ thời gian để chăm sóc gia đình nữa.

Vậy là sau một thời gian cố gắng, mình quyết định từ bỏ anh vì mình không thể từ bỏ những đứa trẻ’, cô Hiểu tâm sự.

Tuyệt vọng, buồn bã cô lao vào công việc vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để quên đi mối tình kia. Và giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 26 cô vẫn chưa muốn mở lòng với bất cứ ai.

Và dù rất mệt mỏi, nhưng Hiểu vẫn luôn cố gắng kiếm thêm thu nhập để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành cô giáo mầm non của mình.

Và dù rất mệt mỏi, nhưng Hiểu vẫn luôn cố gắng kiếm thêm thu nhập để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành cô giáo mầm non của mình.

Bởi vì vẫn muốn nghe tiếng cười của các con mỗi ngày 

Khác với cô giáo Hiểu, cô giáo mầm non Mạc Thị Dung (Nam Định) đã từng rất nhiều lần từ chối các chàng trai chỉ vì họ không đủ thấu hiểu cho công việc của mình.

Cô Dung tâm sự: ‘Làm nghề giáo viên, vừa chịu áp lực vì công việc vất vả, lại còn chịu áp lực từ phía phụ huynh, phía nhà trường rồi đến cả chuyện tình yêu, chuyện gia đình.

Đã từng có lúc muốn bỏ nghề chỉ vì tiền lương không đủ để sống, bởi lương của mình những ngày đầu vào nghề chỉ khoảng 3 triệu đồng. Thuê nhà đã hết 1,5 triệu đồng, muốn tiết kiệm chút đỉnh thì phải hạn chế chi tiêu hết mức.

Đã có lúc mình chỉ sống bằng 2 bữa cơm trên trường và tối về nhà nhịn vì hết sạch tiền. Tuy vất vả là vậy, nhưng cũng vì chữ duyên mà mình vẫn gắn bó với nghề đến giờ này.

Mình vẫn thường hay đùa với các chị em dạy chung trường rằng, ‘nghề giáo viên mầm non là nghề osin có bằng cấp’.

Bởi lẽ chúng mình phải chăm sóc trẻ từ việc nhỏ nhất rồi đến cả việc dạy học cho trẻ, sáng sáng lại tự phân công trực nhật, lau dọn phòng học. Thế nhưng cứ thấy trẻ là mình lại yêu đời ngay được’.

Đến nay, đã dần bước sang tuổi 31, cô Dung đã có được gia đình riêng với người chồng thấu hiểu cho công việc của cô nhưng vẫn chẳng ít lần mẹ chồng khuyên cô bỏ việc để có thêm thời gian chăm sóc cho gia đình.

Dù vất vả lăn lộn để tiếp tục sống với nghề, và dù đã từng từ bỏ tình yêu vì nghề nghiệp nhưng điểm chung của những giáo viên mầm non đều là yêu thích trẻ con, mong muốn được thấy tiếng cười của trẻ.

Cô giáo Hiểu chia sẻ: ‘Hơn bất cứ ai hết, những giáo viên mầm non như mình đều mong muốn có được mức lương xứng đáng, được xã hội hiểu và thông cảm với nghề nghiệp.

Rất nhiều lần mẹ của cô giáo Hiểu đã khuyên con bỏ nghề giáo viên mầm non vì quá vất vả, nhưng có lẽ với Hiểu, duyên nợ với trẻ con chưa dứt nên cô vẫn tiếp tục theo đuổi công việc ấy.

Cô vẫn mong rằng một ngày có thể có được một người chồng thật sự thấu hiểu cho công việc của mình và có thể được tiếp tục sống với những bạn trẻ đáng yêu ấy.

'Đã có lúc mình chỉ sống bằng 2 bữa cơm trên trường và tối về nhà nhịn vì hết sạch tiền nhưng mình vẫn sẽ không bỏ nghề vì vẫn luôn còn hy vọng', Hiểu tâm sự. 

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO