Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ bị xâm hại, tại sao cha mẹ luôn là người biết sau cùng?

Cha mẹ thường là những người gần gũi và quan tâm tới con mình nhất, vậy tại sao họ luôn là người biết sau cùng khi con cái bị xâm hại? Hãy tìm ra câu trả lời và tự nhìn lại chính mình trước khi mọi chuyện xảy đến với chính con bạn.

Là một người mẹ, tôi rất sợ con cái của mình bị tổn thương, bất kể là tổn thương về thể xác hay tinh thần.

Tuy nhiên, nếu so với với những vết thương ngoài da thịt nhìn thấy được, đáng sợ hơn cả vẫn là những nỗi đau không thể nhìn thấy, thậm chí không thể biết tới.

Có thể một số người sẽ nói, bố mẹ là những người ngày đêm ở bên con, chăm sóc con, làm sao mà không phát hiện được. Nếu không phát hiện được nhất định là do bố mẹ vô tâm mà thôi.

Tuy nhiên, nhìn lại những sự việc lạm dụng trẻ em gây xôn xao dư luận suốt thời gian gần đây, có thể thấy rằng, đa số bố mẹ lại là người phát hiện sau cùng? Vì sao lại như vậy?

xamhai1

Có một câu chuyện rất đáng suy ngẫm như sau:

Vào một buổi tối, một người đàn ông trung niên cùng hai cô gái vẫn còn mặc đồng phục học sinh, vai đeo balo đi vào một nhà nghỉ.

Ba người thuê 2 phòng, rõ ràng là để người đàn ông ở một phòng và 2 cô gái phòng còn lại.

Mọi người xung quanh nhìn cũng có thể hiểu ngay rằng đây không phải là ông bố hay một người chú tốt bụng nào dẫn 2 con hay cháu gái đi du lịch và dừng chân ở đây.

Chắc chắn có điều bất thường trong mối quan hệ này, nhưng tất nhiên họ cũng không can thiệp.

Sau khi giả vờ vào phòng của mình, người đàn ông cũng âm thầm tìm cách sang phòng của hai cô gái.

Sáng sớm ngày hôm sau, 2 cô gái bước ra khỏi phòng trong bộ đồng phục xộc xệch.

Hai cô gái không về nhà mà đi luôn đến trường. Vì đến muộn hai người bị phạt đứng ngoài cổng.

Một cậu bạn nhìn thấy đã chụp ảnh trêu chọc 2 người và khoe với bạn bè.

Một trong 2 cô bé tên là Linh biết chuyện cảm thấy rất bực mình, cố giành lấy điện thoại của bạn và đề nghị xóa ảnh.

Hai người tranh giành  quyết liệt khiến cô giáo phải vào cuộc ngăn không cho đánh nhau.

Trong lúc tranh giành như vậy, cô giáo bất ngờ phát hiện ra trên đùi của Linh có vết thâm rất to và rõ.

Từ đây mọi việc bắt đầu đến tai phụ huynh của Linh.

Ngay sau khi nhìn thấy con gái bước ra từ phòng khám, chưa biết sự tình thế nào, bà mẹ Linh đã giận quá lập tức cho con gái một cú tát như trời giáng.

Bà mẹ không thể biết rằng, chính cú tát này sẽ là cánh cửa đóng chặt lại mối quan hệ giữa Linh và gia đình, khóa chặt mọi câu chuyện cô bé có thể chia sẻ với cha mẹ.

Bà mẹ lúc ấy dù chưa biết có chuyện gì đã vội vàng quy kết con gái mình là hư hỏng. Vì vậy bà sẽ không bao giờ biết được thực sự có những vấn đề gì.

Đó là câu chuyện của cô bé hàng xóm của tôi.

xamhai4

Còn chính tôi lúc nhỏ cũng đã gặp những chuyện tương tự. Và chắc chắn tôi cũng chưa từng nghĩ tới việc nói với cha mẹ mình.

Lần đầu tiên có chuyện như vậy là khi tôi mới học tiểu học. Lúc đó lớp học của tôi ở một góc xa của trường. Và có một nhà vệ sinh ẩn trong bụi cây bên cạnh lớp học.

Một hôm đã đến giờ tan học, mọi người đã về hết rồi còn lại tôi. Cũng không nhớ vì sao tôi lại ở lại muộn nhất, có thể là cán bộ vệ sinh hoặc phải dọn dẹp lớp.

Lúc ấy, đột nhiên có một người đàn ông vào lớp và hỏi nhà vệ sinh ở đâu.

Tôi hoàn toàn không có chút đề phòng, dẫn ông ta vào nhà vệ sinh. Tôi còn nhớ nhà vệ sinh ấy phòng nữ nằm ngoài, phòng con trai bên trong.

Đi đến nhà vệ sinh nữ, tôi chỉ tay vào phía trong để ông ta biết đường tự đi vào tiếp.

Ông ấy tự đi vào một chút thì lại đi ra, như muốn cho tôi biết là tìm không thấy.

Tôi nói không thể nào thế được, rõ ràng đi vào là đến nhà vệ sinh nam. Ông ấy lại đi vào lần nữa và đi ra cho thấy là hoàn toàn không tìm thấy.

Những chi tiết này tôi cũng không nhớ chính xác vì đã quá lâu. Nhưng có một điều đến chết tôi vẫn không thể quên.

Đó là khi người đàn ông nói với tôi chỉ đường cho ông ta vào nhà vệ sinh, 2 tay của hắn đang đặt vào phía trước quần, như đang xoa xoa cái gì đó.

Bao nhiêu năm sau này, nghĩ lại cảnh đó, tôi mới hiểu điều đó là gì. Còn ở thời điểm ấy, tôi chưa hiểu, còn chưa quan tâm đến vấn đề cơ quan sinh dục của nam nữ nên không hiểu sự tình.

Tuy nhiên bản năng vẫn cho tôi biết mình đang nguy hiểm, nên không theo ông ta nữa và tìm cách lùi lại rồi chạy bán sống bán chết về nhà. 

Ngay đến bây giờ, khi đã 40 tuổi, trải qua nhiều mối tình, cũng đã sinh con  cái. Tuy nhiên mỗi lần nghĩ lại cảnh ấy, tôi vẫn cảm thấy một nỗi sợ hãi chạy dọc sống lưng.

Có lẽ khi đọc đến những dòng chữ này, bạn cũng sẽ nhận ra mình đã từng có những câu chuyện như vậy.

Sẽ mãi mãi không bao giờ quên, nhưng bạn cũng không đủ can đảm để kể với bất cứ một ai, kể cả cha mẹ.

a1

Đúng vậy, việc ấy tôi chưa bao giờ nói với mẹ mình cả, không một chút lăn tăn có kể cho mẹ mình nghe hay không.

Hãy để tôi đặt mình vào tâm trạng của một cô bé học sinh tiểu học và suy nghĩ xem vì sao lại như vậy?

Trước hết, tôi nghĩ mình sẽ bị mắng

Giống như trong câu chuyện về cô bé hàng xóm tên Linh.

Khi biết con gái mình bị xâm hại tình dục, phản ứng đầu tiên của bà mẹ là tát cho cô một cái như trời giáng.

Phản ứng thứ hai của người mẹ là mắng con gái đi chơi đêm không về nhà. (Mặc dù là do mẹ đêm không về, con gái bà mới tìm đến bạn nó để chơi, cũng có thể vì sợ ở nhà một mình).

Phản ứng thứ 3 là bà mắng con gái ăn mặc hớ hênh, hở hang đi dẫn trai (Dù quần áo của cô cũng bình thường như các bạn bè khác). Sau đó bà vứt hết quần áo trong tủ của con xuống đất.

Bà còn mắng con suốt ngày đầu bù tóc rối (Chỉ vì nó không buộc tóc lên), rồi kéo con vào nhà vệ sinh cắt tóc của nó.

Chính vì vậy tôi đã không dám nói với mẹ, vì cho rằng mẹ sẽ nghĩ mình có vấn đề.

Thời đại mà tôi lớn lên, căn bản mọi người chưa quan tâm đến giáo dục giới tính.

Dường như các bố mẹ giấu diếm mọi vấn đề về giới tính vì sợ làm hỏng con cái

Dù đôi khi chính sự không hiểu biết ấy khiến nhiều đứa trẻ không hiểu và không biết để phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.

Đến cấp 3, tôi vẫn cho rằng con trai và con gái, do kết hôn, được uống 1 loại thuốc rồi sẽ có con.

Giả sử nếu tôi nói câu chuyện này với mẹ, liệu mẹ có lại hỏi tôi những câu hỏi mình không muốn trả lời?

Mẹ có lại chất vấn, trách cứ ngược lại tôi: làm sao biết được người đàn ông ấy định làm gì? Tại sao không sớm rời khỏi đó?

Tại sao con về muộn hoặc Tại sao đã dặn tuyệt đối không nói chuyện với người lạ? Con gái mà không biết bảo vệ mình…

Như vậy tôi từ chỗ nạn nhân hoàn toàn có thể trở thành bị cáo trong mắt mẹ. Những năm tôi trưởng thành, dường như các bậc cha mẹ luôn vậy.

Họ không cần hiểu con cái nghĩ gì, mà ngược lại như muốn đứng ở phía bờ bên kia để trách mắng con cái.

Họ không hề giải thích các cô gái phải bảo vệ mình cụ thể như thế nào. Những vấn đề về tình dục, giới tính như một bức màn mà người lớn muốn giấu kín. Như thể sợ rằng nói ra sẽ làm chúng tôi hư hỏng.

Thứ hai, tôi mơ hồ cảm thấy rằng, bố mẹ như luôn muốn đứng đối ngược lại con cái. Tâm lý phản kháng làm họ mất đi sự tâm lý cần có ở một người cha mẹ.

Thay vì lắng nghe và tìm cách thấu hiểu, họ sẽ tìm những điểm mâu thuẫn để phản kháng lại trong mọi câu chuyện của bạn.

Làm sao có thể nói với người lớn điều xấu mà một người lớn khác làm?

Làm sao trẻ nhỏ lại nói người lớn không  tốt? Đó là sự thật hay sự hiểu nhầm, câu nói đùa của con trẻ

Đến khi người lớn hiểu ra được thì có lẽ cũng đã quá muộn

Thứ ba là, tôi sợ cảm giác sụp đổ của cha mẹ

Từ nhỏ đến lớn, cha mẹ luôn làm mọi việc  và nói vào tai tôi: bố mẹ làm tất cả, hy sinh tất cả là vì con. Con là niềm tự hào của cha mẹ, niềm hy vọng, hạnh phúc của cha mẹ.

Đó là tình yêu, nhưng cũng là một dạng gánh nặng, áp lực. Vì mỗi lần bạn lỡ làm một điều gì sai trái, nghĩa là bạn đã phụ lòng cha mẹ, làm sụp đổ tượng đài của cha mẹ.

Làm sao đứa trẻ nào có thể làm cha mẹ mình sụp đổ? Vì tình yêu của cha mẹ, chúng sẽ phải là niềm tự hào trong mắt họ.

Vì vậy dù sợ hãi mức nào, tôi cũng sợ họ lo lắng cho tôi và sụp đổ vì tôi.

Chưa kể, thái độ nghiêm trọng hóa của cha mẹ khiến mọi chuyện vào tai họ như một tảng đá đè lên người tôi.

Đôi khi, chính sự nghiêm trọng hóa của cha mẹ đã khiến vấn đề đi quá xa.

Tất nhiên lạm dụng tình dục là một nỗi đau. Nhưng đối với trẻ em hay các nạn nhân, tổn thương lớn nhất lại đến từ phản ứng thái quá của những người khác, gồm cả cha mẹ.

Đối với một điều gì đó, chỉ có cách chấp nhận nó, mới mong có thể vượt qua. Việc trốn tránh chỉ khiến vấn đề thêm nặng nề.  

xamhai

Tôi thậm chí không tưởng tượng được chính xác, nếu điều như vậy xảy ra bố mẹ sẽ làm gì?

Hy sinh danh dự của con gái, công khai mọi chuyện để quyết trừng trị kẻ xấu đến cùng? Hay là tự bao bọc chính mình, lặng im và cho con gái đi đến nơi đâu thật xa để quên đi mọi chuyện?

Hay âm thầm tìm tới hung thủ và trả thù đích đáng?

Lý trí nói với tôi, đương nhiên là chọn phương án đầu. Vì chỉ có như vậy tương lai tôi mới được sống dưới ánh mặt trời mà không phải sống giữa những bí mật, che giấu đen tối.

Nhưng tình cảm và trực giác lại cho tôi biết, như vậy liệu tôi có thực sự được sống thoải mái như mình nghĩ không. Hãy nghĩ đến ánh mắt những người xung quanh.

Khoan nói đến những người kỳ thị, thì ngay cả những ánh mắt cảm thông, thương xót, cho đến thương hại quá nhiều, cũng sẽ giết chết tự tôn trong bạn cả một ngàn lần?

Việc chỉ lo lên án và trả thù không giúp chúng ta giải thoát được khỏi mọi chuyện, mà chỉ càng thêm bi kịch.

Có một câu nói nổi tiếng: 'Hạ vũ khí, không ai bị thương, chính là phản công mạnh nhất tới hung thủ.'

Việc hạ vũ khí này không phải đầu hàng, bỏ qua cho kẻ có tội, mà chính là giải phóng bản thân, được giải thoát khỏi thân phận người bị hại.

Với bất cứ việc gì dù tồi tệ đã xảy ra. Đầu tiên ta vẫn phải học cách chấp nhận nó, như vậy mới mong thay đổi được.

Sau đó, việc được chia sẻ sẽ giúp nỗi đau ấy được cụ thể hóa. Để những tội ác trên cơ thể mình, những vết thương vô hình, sẽ dần dần theo thời gian, trở thành một vết sẹo nhìn thấy được.

Nó không biến mất, cũng không giả vờ biến mất, nhưng sẽ dần không ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc nữa.

Tôi thực sự ngưỡng mộ những ai có can đảm nói ra những tổn thương họ gặp phải.

Việc thực sự dám nói ra, sẽ giúp vết thương dần dần được giảm lại, vết thương từ từ đóng miệng.

Và càng ngày càng có nhiều nạn nhân dám nói ra, sức mạnh của kẻ xấu sẽ nhỏ lại cho đến khi không còn ai bị xâm hại nữa.

Con số tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tình dục ở Việt Nam sẽ khiến bạn thực sự bị sốc: 87%. Vì vậy, ngay bây giờ việc cha mẹ giúp trẻ có những hiểu biết về giáo dục giới tính, cho tới cách bảo vệ mình là hết sức cẩn thiết. Bên cạnh đó hãy luôn học cách lắng nghe và thấu hiểu con trước khi mọi chuyện quá muộn.

photo-1-1511880259207
Khôi Nguyên /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO