Báo Điện tử Gia đình Mới

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò

Triều Tiên từ lâu vẫn được coi là một đất nước vô cùng bí ẩn, có nhiều điều khác biệt.

Cuối tháng 9/2018, ngay ở thời điểm hội nghị hoà bình liên Triều đang có những tín hiệu đáng mừng, một nhóm những người bạn ưa khám phá đã quyết định lên đường tận thấy đất nước này, tìm lời giải cho những câu chuyện kỳ lạ.

Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết này: 

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 0

Hạ cánh xuống sân bay Bình Nhưỡng, tôi thực sự tò mò xem người ta sẽ kiểm tra hành lý, điện thoại và máy tính của mình như thế nào.

Trong đoàn đi cùng tôi, có người còn chủ động xoá bớt ảnh đi, còn tất cả không ai mang theo laptop, để đỡ mất thời gian kiểm tra và đỡ phiền phức ở cửa khẩu.

Tôi không hiểu, sẽ mất bao nhiêu thời gian và bao nhiêu người để kiểm tra hết số ảnh và file trong máy của cả trăm người trên một chuyến bay?

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 1

Nhưng không phải thế! Họ chỉ bắt đưa điện thoại ra để riêng, còn hành lý cho vào soi chiếu. Điện thoại, laptop đều không bị kiểm tra.

Nhưng thứ tôi không ngờ tới là ấn phẩm thì lại có. Tôi mang theo hai quyển sách, và họ bắt mở túi ra xem. Sau khi thấy là sách tiếng Việt, họ ký vào tờ khai hải quan rồi cho đi. Tất cả chỉ trong vòng 5 phút!

Đáng ngạc nhiên, khi ra khỏi Triều Tiên cũng vậy. Thậm chí họ không quan tâm mấy là anh mang gì ra khỏi đất nước họ. Máy ảnh, thẻ nhớ, điện thoại.... cũng không bị kiểm tra để xoá đi những ảnh “nhạy cảm” như bấy lâu chúng ta vẫn đồn đoán.

Kết thúc chuyến đi tôi mới hiểu tại sao họ không cần kiểm soát kỹ như vậy, vì trên thực tế, khách du lịch chẳng có cơ hội để giao tiếp với người dân bản địa Triều Tiên để có thể “phát tán” văn hoá phẩm (theo tất cả mọi cách), và hầu hết những tấm ảnh bạn chụp được ở đây đều bị “kiểm soát” rồi!

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 2

Khi gặp tôi transit ở Bắc Kinh, một vài người bạn Trung Quốc dặn: “Đi Triều Tiên, nhớ đừng có chụp ảnh đấy!”

Trên thực tế, chỉ có một nguyên tắc rằng bạn cần hỏi ý kiến của Hướng dẫn viên (HDV) trước khi chụp ảnh, quay phim. Trên thực tế, đúng là việc chụp ảnh của khách du lịch đối với các bạn Triều Tiên rất quan trọng:

- Một là nếu trong bức ảnh có hình ảnh của các vị Lãnh tụ, phải chụp nghiêm túc. Không được chụp một phần bức tượng hoặc bức ảnh. Không được làm các động tác không trang nghiêm như lè lưỡi, nháy mắt... khi chụp ảnh có tượng hoặc chân dung Lãnh tụ phía sau.

- Hai là không chụp ảnh khu vực quân sự, dù đó chỉ là một cái cây, một con đường. Đi đến khu Phi Quân Sự (DMZ), mỗi xe du lịch sẽ có một người lính đi kèm. Và khi tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh hàng cây trên con đường dẫn đến Bàn Môn Điếm, bạn HDV lập tức lắc đầu quầy quậy!

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 3

- Ba là không được chụp ảnh Quân đội. Cảnh sát giao thông (mặc áo màu xanh và trắng) thì được chụp, nhưng quân đội (áo màu cát xám đặc trưng) thì không. Khi xe dừng ở ngã tư có một trụ điện, thấy một em bé ngồi thiểu não sau một phụ nữ dắt xe, tôi chụp thì bị bạn HDV kiên quyết yêu cầu xoá, vì bạn ấy nghĩ là vọng gác của Quân đội, ko được chụp! Tôi đưa ảnh cho bạn ấy xem (ảnh dưới) và bạn xin lỗi một cách rất tội nghiệp vì đã nhầm!

- Và thứ tư, bạn rất khó có thể chụp ảnh người dân Triều Tiên nghèo khổ! Nó không phải là nguyên tắc, nhưng khi xe chạy sẽ chạy rất nhanh, bạn khó có được khung hình ưng ý. Bạn cũng chỉ được dẫn đi những lộ trình đã định, kể cả khi nghỉ chân cũng là khu nghỉ chân được thiết kế cho người nước ngoài, với các cô bán hàng xinh đẹp có đeo bảng tên và nói được ít nhất là tiếng Trung, chứ rất khó để “đi sâu” vào đời sống bình thường của người Triều Tiên!

  Cuộc sống thường nhật của người dân nông thôn Triều Tiên.

Cuộc sống thường nhật của người dân nông thôn Triều Tiên.

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 5

Ra khỏi khu kiểm tra an ninh sân bay, chúng tôi thực sự bất ngờ khi HDV của mình là hai cô gái Triều Tiên xinh đẹp và rất trẻ, trong trang phục truyền thống đang tiếp đón mình. Chứ không phải là một “đồng chí an ninh mặt sắt đen sì” như tôi tưởng tượng.

Tuy nhiên, ngoài việc hướng dẫn và giới thiệu từng nơi tham quan, hai cô gái bằng sự mềm mỏng nữ tính của mình, đã rất cố gắng để yêu cầu chúng tôi làm theo các quy định: Không được tự ý ra khỏi khách sạn, dù đi đâu cũng phải có HDV đi kèm, không được chụp ảnh tuỳ tiện...

Hơn nữa còn rất khéo léo tìm cách trả lời hoặc từ chối những câu hỏi của chúng tôi mà họ cho rằng “không tiện để trả lời”.

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 6

Tuy nhiên, kỷ niệm lớn nhất đối với chúng tôi, đó là buổi tối ở tại khách sạn trong khu Núi Kim Cương. Khách sạn vắng, có vài bóng khách du lịch, trong một khu rừng núi chỉ nghe tiếng chim kêu.

Sau bữa tối, chúng tôi đi bộ quanh khách sạn trở về thì thấy một cây đàn grand piano trên sảnh. Thế là sau mấy câu động viên, hai cô gái lần lượt ngồi chơi một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn các bản nhạc, từ cổ điển như Serenade, Fur Elise đến một bản nhạc trong phim của Triều Tiên, hay một bản trong đoạn cuối của chương trình Arirang nổi tiếng.

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 7

Bạn không thể làm điều đó tại Triều Tiên. Ở đây không có quán cafe, trừ quán cafe của khách sạn. Và nếu có thì HDV cũng không chắc đã cho bạn vào.

Cơ hội để bạn tung tăng đi khám phá thành phố, tìm kiếm quán ăn vặt... là gần như không có.

Sáng sớm ra khỏi khách sạn, bạn sẽ đi theo tour đến tối 9-10 giờ mới về (không muốn đi cũng không được).

Internet không thể truy cập, cách duy nhất để liên lạc với thế giới bên ngoài là thông qua điện thoại bàn trong phòng khách sạn (khoảng 0.8 Euro/phút đàm thoại).

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 8

 

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 9

Đúng, nhân sâm là đặc sản đặc trưng nhất của đất Cao Ly (tên của Vương quốc trị vì bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ X - XIV SCN). Loại sâm tốt nhất được cho là ở núi Kaesong (thành phố Khai Thành - gần sát khu DMZ).

Và sâm của Triều Tiên, cũng như mọi loại sản vật khác của đất nước này, đều do Nhà nước quản lý từ nuôi trồng đến buôn bán, nên chất lượng được cho là đảm bảo hơn những loại sâm có nguồn gốc xuất xứ khác.

Nhưng ngoài sâm, tôi muốn chia sẻ về một loại đặc sản mà nếu các bạn du lịch mùa Thu ở Triều Tiên rất nên mua về. Nếu khéo tính, tiền lãi có thể bù lại cả chuyến du lịch của bạn!

Đó là nấm Tùng Nhung - loại nấm quý chỉ mọc dưới tán cây thông. Ở Việt Nam, một bài báo gần đây nói loại nấm này được nhập từ Nhật, với giá lên đến 30 triệu đồng/kg, và phải đặt trước hai tháng mới có.

Triều Tiên 2018 - Lời giải cho những tò mò 10

Khi đi ngắm cảnh trong núi Kim Cương, tôi nhìn thấy người dân bán loại nấm này. Hỏi ra mới biết, người dân Triều Tiên thường tặng nhau như một món đặc sản, và coi nó như “thần dược” vì có rất nhiều chất quý hiếm.

Bạn HDV cũng nói với tôi, loại này thường xuất sang Nhật Bản, nhưng cô ấy không thể tin rằng ở Việt Nam nó lại đắt như thế!

Tôi mua tại chỗ với giá rẻ hơn cả hai ba chục lần với giá bán lẻ ở Việt Nam, và cô bán hàng cẩn thận chọn những cây nấm tươi nhất, gói cùng lá thông - cách truyền thống của người Triều Tiên để giữ loại nấm này.

Hãy tưởng tượng xem, nếu có mối đặt trước, tiền lãi từ việc xách tay vài ký nấm này về thừa sức trang trải cho chuyến đi của bạn ấy chứ!

Tuy nhiên vấn đề là bạn phải chứng minh cho người mua, rằng nấm này chính là (hoặc không khác gì) loại nấm Tùng Nhung - Matsutake - mà mọi người vẫn xách tay từ Nhật về thôi!

Kỳ 2: Bình Nhưỡng 2018 - Quá khứ trong hiện tại và khấp khởi chờ tương lai

Khải Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO