Báo Điện tử Gia đình Mới

Ung thư cổ tử cung nguy hiểm thế nào? Làm cách nào để phát hiện sớm?

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở chị em, nhất là độ tuổi ngoài 30, 40. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những ung thư ở nữ giới.

Ung thư cổ tử cung là gì và nguy hiểm thế nào?

Ung thư cổ tử cung xuất phát từ trong các tế bào của cổ tử cung. Thường thì các tế bào tăng trưởng và phân chia để tạo thành những tế bào mới theo nhu cầu của cơ thể. Khi các tế bào già đi thì sẽ dần được thay thế bằng các tế bào mới mà đôi khi cơ thể không cần. 

Ung thư cổ tử cung thường tiến triển chậm trong thời gian dài. Trước khi ung thư xảy đến, cổ tử cung có một ít thay đổi, qua đó các tế bào bất bình thường bắt đầu xuất hiện. Sau lúc ấy, các tế bào bất bình thường có thể trở thành tế bào ung thư và lan rộng.

Đây là bệnh thường gặp ở chị em, nhất là ở độ tuổi ngoài 30, 40 và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những ung thư ở nữ giới. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung là loại ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, khi đó điều trị đem lại tỷ lệ khỏi bệnh cao nhất.

  Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở chị em ở độ tuổi ngoài 30. Ảnh minh họa

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở chị em ở độ tuổi ngoài 30. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây ung thư cổ cử cung

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Cường, BV Ung bướu Hà Nội, virus sinh u nhú ở người hay còn gọi là HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan mật thiết đến ung thư cổ tử cung.

Đa phần người mắc không biểu hiện triệu chứng và virus biến mất sau 1-2 năm. Trên một số người, HPV tồn tại kéo dài gây nên các u nhú và các tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn và họng miệng.

Không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng hầu như toàn bộ người mắc ung thư cổ tử cung đều được phát hiện có HPV.

Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như: Hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động); quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, quan hệ đường miệng; điều kiện vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

  Ung thư cổ tử cung thường được phát hiện qua khám sàng lọc, nội soi cổ tử cung. Ảnh minh họa

Ung thư cổ tử cung thường được phát hiện qua khám sàng lọc, nội soi cổ tử cung. Ảnh minh họa

Triệu chứng khi mắc ung thư cổ tử cung

Bác sĩ Cường thông tin, trong giai đoạn sớm, người mắc bệnh thường không có triệu chứng, bệnh thường được phát hiện qua khám sàng lọc, nội soi cổ tử cung và làm phiến đồ cổ tử cung - âm đạo.

Bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn xâm lấn có thể biểu hiện một số triệu chứng:

- Cảm giác đau khi giao hợp

- Ra máu âm đạo bất thường (sau giao hợp, giữa kỳ kinh, ở phụ nữ đã mãn kinh…)

- Ra khí hư lẫn máu, mùi hôi

- Ở giai đoạn muộn hơn người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, đau vùng bụng và khung chậu, rong kinh...

Thăm khám cổ tử cung qua nội soi (ở những phụ nữ đã quan hệ tình dục) có khả năng phát hiện những tổn thương tiền ung thư ở giai đoạn sớm, hoặc những tổn thương xâm lấn dạng sùi loét, chảy máu, dấu hiệu bất thường trên phiến đồ tế bào âm đạo…

Những xét nghiệm tế bào học cổ tử cung đều tương đối đơn giản, dễ thực hiện và có hiệu quả tốt trong phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Phổ biến hiện nay là phương pháp thử Pap.

Thử Pap là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ phụ nữ chống lại bệnh này. Phụ nữ nên đi thử Pap ít nhất 3 năm một lần kể từ năm 21 tuổi. Nếu chị em sinh hoạt tình dục trước năm 21 tuổi thì nên đi xét nghiệm ung thư cổ tử cung khoảng 3 năm sau lần sinh hoạt đầu tiên.

Bệnh ung thư cổ tử cung là bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng điều trị khỏi và tiên lượng khả quan. Do đó chị em nên tới những cơ sở y tế có uy tín để được khám tầm soát định kỳ hoặc để được thăm khám, tư vấn khi có những dấu hiệu bất thường.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO