Báo Điện tử Gia đình Mới

Vì sao Việt Nam có tín ngưỡng thờ chó mà vẫn ăn thịt chó?

Tín ngưỡng thờ chó đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt. Nhưng tại sao người Việt thờ chó lại ăn thịt chó và không ăn thịt chó có lợi thế nào?

Trao đổi về vấn đề này TS. Đinh Đức Tiến (Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV) cho biết, tín ngưỡng thờ chó đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt Bắc Bộ.

Ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa.

Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hình thức chôn chó đá trước cổng nhà như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc và đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, thờ phụng.

  Đền Cẩu Nhi bên hồ Trúc Bạch đã được tôn tạo và khánh thành vào ngày 20/8/2017

Đền Cẩu Nhi bên hồ Trúc Bạch đã được tôn tạo và khánh thành vào ngày 20/8/2017

Bên cạnh đó, tục thờ chó còn gắn liền với một tích truyện lịch sử của đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội).

Đền Cẩu Nhi gắn truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) sinh năm Giáp Tuất (974) lên ngôi và dời đô về Thăng Long.

Sự tích xưa kể rằng, ở Cổ Pháp, Bắc Giang (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được cho là quê hương của vua Lý Công Uẩn) có một con chó mẹ sinh được chó con trên lông có những đốm ghép lại thành chữ "Thiên tử", ứng với việc vua Lý Công Uẩn lên ngôi (vua Lý Công Uẩn tuổi Tuất).

Trong các sách sử cũng có ghi: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn” và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành.

Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu - châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con.

Người người lấy làm lạ. Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hoá. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên".

Khi đã thờ cúng thì có liên quan đến chuyện tâm linh, người Việt thờ chó nhưng lại ăn thịt chó. Điều này nghe thì nhiều người thấy có mâu thuẫn nhưng thực chất 2 việc này không liên quan đến nhau.

TS Đức giải thích rõ: “Một bên là tâm linh, còn một bên là đời sống hàng ngày, 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.

Nhìn ở góc độ đời sống có thể thấy cuộc sống người dân Việt trước đây quá thiếu thốn, không có đủ nguồn lương thực như các nền văn hóa khác.

Điều này có thể thấy rõ trong ca dao, tục ngữ của Việt Nam, tần suất của từ ăn xuất hiện rất nhiều, ăn chơi, ăn mặc, ăn ở…

Từ ăn đó cũng thể hiện một điều là người Việt quanh năm đói. Người ta quan tâm đến ăn để sinh tồn, có sinh tồn mới có những thứ khác. Vậy nên, giữa chuyện thờ cúng và chuyện sinh tồn là 2 chuyện khác nhau.

Còn nhìn ở khía cạnh tâm linh, việc kiêng ăn thịt chó là đúng. Nguyên nhân là do, chó là vật nuôi thân cận trong gia đình.

  Chó là vật nuôi có tình cảm như con người, thân thiết như thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa

Chó là vật nuôi có tình cảm như con người, thân thiết như thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa

Người xưa có câu nói khuyển mã tri tình (chó, ngựa có tình cảm như con người). Kiêng ăn thịt chó vì chó có tình cảm như con người, thân thiết như thành viên trong gia đình nên việc giết thịt nó là không nên.

Ngoài việc chó như là thành viên trong gia đình, thân cận bảo vệ chủ thì chó còn là con vật bảo vệ nhà. Bao gồm cả bảo vệ về tài sản và tránh những truyện tâm linh, tránh những điều không tốt xảy đến cho chủ nhà. Vậy nên những người có một chút nhạy cảm tâm linh họ sẽ kiêng ăn thịt chó”.

Hơn nữa, TS. Đinh Đức Tiến cũng cho rằng, thịt chó là thực phẩm giàu đạm, giàu năng lượng, người tu hành ăn thực phẩm giàu năng lượng như vậy thì năng lượng sẽ phát ra, không giữ được chuyện chân tu.

Bên cạnh đó, con chó là vật nuôi trong gia đình, nó ăn phân người, điều đó liên quan đến chuyện ô uế. Vì vậy người tu hành muốn chay tịnh, sạch sẽ thì cần phải kiêng ăn thịt chó.

Còn tư duy tôn giáo của dân gian cho rằng có quy luật nhân quả, giết con vật, ăn thịt động vật sẽ bị quả báo. Vậy nên, nhìn nhận ở góc độ tâm linh, tư duy tôn giáo dân gian, việc kiêng thịt chó là điều tốt.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO