Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ 'cô giáo cho học sinh tát bạn': Cục trưởng Cục Trẻ em nói gì?

“Cả 2 vụ việc học sinh bị tát cho thấy không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà tâm lý của giáo viên cũng bất thường” - Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.

Liên quan đến sự việc cô giáo cho học sinh tát bạn học khi mắc lỗi xảy ra tại trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ: “Cả 2 vụ học sinh bị tát ở Quảng Bình và Hà Nội xảy ra trong những ngày qua cho thấy một thực trạng, không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà tâm lý của giáo viên cũng bất thường.

Ngay khi sự việc xảy ra ở trường Tiểu học Quang Trung, UBND quận Đống Đa và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã vào cuộc để xác minh sự việc này.

Sự việc ở Quảng Bình vừa diễn ra và vẫn chưa được giải quyết triệt để mà ngay sau đó lại diễn ra sự việc ở Hà Nội, điều này làm nhiều người đặt ra nghi vấn tình trạng bạo hành ở trường học không chỉ dừng lại ở con số 1 hay 2 trường, đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”.

  Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH

Nói về hành vi dùng bạo lực dạy dỗ trẻ của giáo viên, ông Nam cho rằng đây là phương pháp phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Luật Giáo dục, quy chế của các trường học không cho phép thầy cô dùng bạo lực để dạy dỗ học sinh.

Hơn nữa, trước khi trở thành giáo viên, các thầy cô đã được dạy cách xử trí khi trẻ mắc lỗi. Và trong trường sư phạm các thầy cô cũng đã được dạy những điều được làm và không được làm trong công tác giảng dạy. Trường sư phạm không ai dạy giáo viên tát học sinh, đánh học sinh.

Theo ông Nam, để xảy ra tình trạng này có thể do một số nguyên nhân, trong đó lỗi một phần là do công tác tuyển chọn giáo viên chưa đảm bảo chất lượng. Người được chọn lựa làm thầy ngoài chuyên môn nghiệp vụ còn phải có đạo đức, phải được đào tạo chuyên nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là do giáo viên không hiểu biết pháp luật. Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng là không được xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm trẻ. Luật Hình sự, luật Giáo dục, luật Trẻ em đều cấm các hành vi bạo lực với trẻ, vậy mà họ vẫn làm. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật của thầy cô giáo.

Tiếp đó là vấn đề tâm lý giáo viên. Giáo viên là người lớn mà lại nhẫn tâm bạo hành trẻ, điều này cho thấy tâm lý giáo viên bất thường.

Hơn nữa, khi sự việc xảy ra, giáo viên thường đổ lỗi cho học sinh. Quan niệm học sinh hư, ngỗ nghịch nên phải dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ là hoàn toàn sai lầm.

Học sinh cho dù có thế nào thì trách nhiệm dạy dỗ học sinh ở nhà trường là của giáo viên. Trẻ em còn nhỏ, chưa trưởng thành nên cần phải đi học và được giáo dục.

Dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ là thầy cô đã vi phạm pháp luật. Không những vậy, hành vi đó còn thể hiện chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục của người giáo viên chưa tốt.

Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì giáo viên lại dùng đến bạo lực, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như những em học sinh ra tay tát vào mặt bạn.

Ông Hoa Nam cho rằng, trách nhiệm của ngành giáo dục lúc này là cần phải tìm ra nguyên nhân gây ra thực trạng bạo lực trong trường học để có biện pháp giải quyết đúng hướng. Tìm được nguyên nhân để có những biện pháp mang tính phòng ngừa, không để các sự việc bạo hành trẻ diễn ra trong nhà trường.

Để làm được điều đó, cần chú trọng giải quyết các mối quan hệ trong trường học, trong đó không chỉ là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, mà còn có các mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên với phụ huynh học sinh…

Hiện nay có 2 vấn đề mà ngành giáo dục đang lúng túng và cần phải xử lý rốt ráo hơn là vấn đề tâm lý học đường và kỷ luật tích cực trong giáo dục.

Những người làm giáo dục phải hiểu rõ, tâm lý học đường không phải chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý cho học sinh, mà còn phải giải quyết vấn đề tâm lý cho các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh trong các mối quan hệ trong môi trường giáo dục.

Phải có sự kết nối giữa trường học với các dịch vụ ở bên ngoài như chăm sóc sức khỏe tâm thần. Cần phải xác định rõ nhà trường phải làm gì, nhà trường phải kết hợp với các cơ sở bên ngoài làm những điều gì để giảm thiểu tình trạng bạo lực xảy ra trong trường học.

Điều gì ngành giáo dục không làm được một mình thì cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác để chung tay góp phần bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Còn về vấn đề kỷ luật cũng phải cần được hiểu cho đúng. Không có kỷ luật không giáo dục được con người nhưng các biện pháp kỷ luật phải là kỷ luật tích cực, không có bạo hành.

Do đó, phải đưa kỷ luật tích cực vào chương trình đào tạo bắt buộc cho giáo viên. Thầy cô được phép kỷ luật học sinh nhưng phải là những kỷ luật tích cực, không bạo hành.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần phải chú trọng trong việc tuyển chọn đầu vào và đào tạo giáo viên.

Việc đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, đạo đức không chỉ được thực hiện tại trường sư phạm mà còn phải được giám sát chặt chẽ, tập huấn, trau dồi thường xuyên trong hoạt động giảng dạy.

Có như vậy mới giúp xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, không bạo lực. Để trường học đúng nghĩa là môi trường an toàn cho trẻ, là nơi dạy dỗ trẻ, giúo trẻ nhận thức và phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO