Báo Điện tử Gia đình Mới

Nỗi khổ đi viện: Bệnh nhân đang đi ‘ngược đường’?

Ở một số bệnh viện tuyến trung ương, từ 5h sáng đã có bệnh nhân và người nhà đến xếp hàng lấy số chờ khám bệnh. Họ đi sớm với mong muốn được nhân viên y tế có chuyên môn cao thăm khám, chẩn đoán bệnh.

Như thế, vô hình chung người dân đã bỏ qua hàng chục nghìn trạm y tế cơ sở, hàng nghìn bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế thì 80% số bệnh có thể được chữa trị ngay từ tuyến trạm y tế xã nếu được hướng dẫn.

Chờ đợi tại Bệnh viện, người dân còn gặp nhiều

Chờ đợi tại Bệnh viện, người dân còn gặp nhiều "nguy hiểm" tới sức khoẻ hơn!

Không biết trạm y tế cũng khám, chữa bệnh 

Thấy có dấu hiệu đau tức ngực, khó thở một thời gian mà không thấy đỡ, Chị Nguyễn Thuỳ Mai (Văn Giang, Hưng Yên)  đã dậy từ 3 giờ sáng để  lên Hà Nội khám bệnh tại bệnh viện Trung ương. Thế nhưng lên đến nơi, chỉ riêng khâu mua được phiếu khám bệnh đã khiến bệnh nhân này “vã mồ hôi”. Chị xếp hàng từ 5 rưỡi, nhưng đến tận gần 7 giờ mới lấy được số phiếu khám.

Lấy phiếu xong xuôi, chị Mai lại phải chờ đợi vào phòng khám. Điệp khúc vẫn kéo dài khi chị khám xong, được chỉ định làm các xét nghiệm rồi lại vật vã ở khu vực thu tiền viện phí.

Thế nhưng, khi được hỏi tại sao chị không vào bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh ngay tại địa phương, chị cho rằng, đã lên đến tuyến cuối, kết quả sẽ chuẩn xác nhất. Đỡ nhiều công đi xếp hàng tại các bệnh viện tuyến dưới để “lần mò” ra bệnh.

Còn khi được hỏi về trạm y tế xã, chị cho rằng, chỉ biết mỗi tháng mấy lần đưa con đi tiêm chủng, đi nghe kế hoạch hoá gia đình, hoặc người ở quê đi tiêm phòng dại… chứ chẳng ai qua đó chữa bệnh, khám bệnh cả. 

Nắng nóng, người khám bệnh vẫn

Nắng nóng, người khám bệnh vẫn "miệt mài" chờ đợi

Tương tự chị Mai, trong số hàng chục vạn người chờ đợi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối vào mỗi sáng, phần nhiều bệnh nhân tại đó đi “lạc tuyến” và hầu hết đều cho rằng, việc họ lựa chọn bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện đầu ngành sẽ giúp họ thoả mãn câu trả lời về bệnh tật.

Nó là một nghịch lí vô cùng lớn của ngành y, trong khi nước ta có hệ thống y tế cơ sở mở rộng, gần như bao phủ toàn dân. Ngành y tế vẫn nhận định, chăm sóc sức khoẻ như hình chóp, chi phí điều trị sẽ giảm dần theo chiều từ y tế cơ sở đến các tuyến sau. Nhưng người dân đi khám chữa bệnh lại không đi “đường xuôi” theo ngành y tế mà thực tế đang đi “đường ngược”. 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng thừa nhận, “y tế Việt Nam đang như cái nón lộn ngược”. Chúng ta dành quá nhiều chi phí cho tuyến cuối nhưng eo hẹp cho tuyến ban đầu. 

Bệnh viện: Khi nào thực sự có bệnh hãy vào

Trên thực tế, ở các nước khác, việc khám chữa bệnh tại y tế cơ sở là vô cùng quan trọng. Đó là nơi gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, luôn được xác định là nền tảng để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chưa kể, 80% bệnh lý có thể chăm sóc ngay tại trạm y tế, mô hình bác sĩ gia đình.

Thế nhưng, ở nước ta, hơn 11.000 trạm y tế xã, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và 645 bệnh viện tuyến huyện, vậy mà người dân vẫn bỏ ngỏ. Bệnh nhân vẫn chấp nhập chờ đợi, chấp nhận ngồi từ tờ mờ sáng ở bệnh viện tuyến cuối để dược thăm khám.

TS Vũ Quốc Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, nguyên Cục trưởng Cục Quân y- Bộ Quốc Phòng chia sẻ: “Trên thế giới từng có một nghiên cứu của Mỹ về những sai sót của ngành y tế trong bệnh viện là nguyên nhân khiến người bệnh nặng và tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch, bệnh ung thư. Điều sai sót đó vô cùng kinh khủng!

Cùng với đó, cũng có thông báo bằng văn bản của ngành đứng đầu y tế Luân Đôn (Anh), hiện nay, một người bước vào cửa máy bay, rủi ro là 1/1000, nhưng một người đứng cửa bệnh viện, ngưỡng rủi ro là 1/100, gấp 10 lần so với lên máy bay.

Ở các nước Châu Âu người ta tổng kết, ở những nước phát triển thì có từ 4 - 6 người mắc bệnh thứ 2 do vào bệnh viện, tuỳ thuộc người đó vào khoa nào ở bệnh viện. Ở Việt Nam, hội điều dưỡng Việt Nam từng có báo cáo, rủi ro trong ngành y tế khiến bệnh nhân nặng và tử vong còn cao hơn tai nạn giao thông”. 

TS. Vũ Quốc Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, nguyên Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng)

TS. Vũ Quốc Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, nguyên Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng)

Điều đó cho thấy, môi trường bệnh viện chỉ dành khi chúng ta thực sự bệnh nặng hãy vào. Trong khi đó, đa số người dân đến khám để kiểm tra sức khoẻ. Mà bệnh viện, nhất là bệnh viện trung ương tuyến cuối lại có một nguyên tắc, bệnh viện không có một bác sĩ đa khoa mà hầu hết là bác sĩ chuyên khoa.

“Ví dụ người dân muốn vào Bệnh viện 108 để kiểm tra sức khoẻ tổng thể thì nếu đảm bảo phải đi khám đủ 25 Khoa của Bệnh viện. Trong khi đó, với hệ thống bác sĩ gia đình, y tế cơ sở được giáo dục bài bản, kiến thức nền rộng để có thể phát hiện sớm những các loại bệnh cơ bản.

Vì vậy, y tế cơ sở phải đủ đảm bảo để người dân tin cậy đến kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Kiểm tra sức khoẻ không phải theo lát cắt, kiểm tra liên tiếp nếu người dân vượt qua giới hạn bình thường sẽ được chẩn đoán thành bệnh và họ sẽ cần vào bệnh viện. Đó chính là vai trò của y tế cơ sở, của hệ thống bác sĩ gia đình”, TS Vũ Quốc Bình thẳng thắn nhìn nhận. 

Tuy nhiên để xảy ra thực trạng người dân vượt tuyến, một phần lớn chính ở năng lực ngành y chưa có sự đồng đều của toàn hệ thống, các bác sĩ giỏi, kinh phí đầu tư vẫn tập trung về tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Trong khi đó, tại tuyến huyện, y tế cơ sở, việc trang thiết bị cả người và vật lực đều được người dân đánh giá còn “rất lỗ mỗ”. Ngoài ra, một số chính sách ảnh hưởng tới điều này, trong đó có việc Bộ Y tế cho người bệnh được thông tuyến. 

Chính từ đó, về lâu dài đã hình thành trong dân tư tưởng, thói quen khó bỏ “chuộng bệnh viện đầu ngành”. Vì với họ, việc khám chữa bệnh là dịch vụ, việc bỏ chi phí khám bệnh cần được trả lại một dịch vụ tương xứng. 

Ông Đỗ Quang Hải – Giám đốc Bệnh viện tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Tâm lý người bệnh, ai cũng muốn được khám chỗ tốt nhất. Vì thế để đáp ứng nhu cầu này, giải pháp chính là tăng cường đầu tư cho tuyến tỉnh về nhân lực, về kỹ thuật. Chúng tôi cần cán bộ làm việc tốt để cứu người, hạn chế để họ vượt tuyến lên Bệnh viện trung ương. 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nâng cao mức sống cho những bác sĩ có trình độ, năng lực, tự nguyện ở lại địa phương làm việc, trả chế độ cho thực đúng. Thực tế có nhiều cán bộ y tế về trung ương học xong, họ không về mà ở lại làm việc cho các bệnh viện trung ương với mức thu nhập cao”. 

Đã đến lúc, song hành trong câu chuyện công nghệ thông tin, song hành với phát triển y tế cơ sở, Bộ Y tế cần có lời giải cho bài toán nguồn nhân lực tuyến cơ sở, có chính sách thúc đẩy ngành y tuyến dưới và đặc biệt là cần thay đổi nhận thức trong khám chữa bệnh của người dân. 

Hồng Ngọc/GiaDinhMoi.Vn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO