Báo Điện tử Gia đình Mới

Ăn uống như nào để khỏe mạnh, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19?

Ăn uống đúng cách là một trong những biện pháp được các chuyên gia y tế khuyến cáo để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Vậy trong mùa dịch nên ăn uống thế nào để luôn khỏe mạnh?

TS.BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo: 

Ăn no và ăn đa dạng các loại thực phẩm

Một chế độ ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm tươi sống, uống đủ nước sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, từ đó giúp phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có bệnh COVID-19.

Chế độ ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm có nghĩa là phải cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, đủ calo, nghĩa là mọi người phải được ăn no, ăn nhiều loại thực phẩm trong một bữa ăn. Nếu không được ăn no tức là cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng.

  Nên ăn no, ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng phòng bệnh COVID-19. Ảnh minh họa

Nên ăn no, ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng phòng bệnh COVID-19. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó cần chú ý đến lượng protein cung cấp cho cơ thể. Hàm lượng protein cho một người trưởng thành phải đạt 1gram protein cho 1kg thể trọng. Tương đương với việc người trưởng thành phải ăn khoảng 75g thịt, cá/ngày.

Ngoài ra còn bổ sung các protein từ các thực phẩm khác như protein từ cơm, từ rau, củ, quả… Đồng thời, cần chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất thông qua rau, củ, quả…

Để tăng cường sức khỏe cần thường xuyên ăn hoa quả, rau xanh, các thực phẩm thuộc họ đậu (đậu lăng, đậu đen...), các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám (các loại chưa qua chế biến như bắp, hạt kê, lúa mì, yến mạch, gạo lứt hoặc những loại tinh bột từ các loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn) và nguồn thực phẩm từ động vật (thịt, cá, trứng và sữa).

Với bữa ăn nhẹ, nên chọn rau xanh và hoa quả tươi hơn là những thức ăn chứa nhiều đường, chất béo hoặc nhiều muối.

  Không nên nấu rau, củ, quả quá kỹ vì sẽ làm mất đi vitamin. Ảnh minh họa

Không nên nấu rau, củ, quả quá kỹ vì sẽ làm mất đi vitamin. Ảnh minh họa

Trong quá trình chế biến thực phẩm không nên nấu rau rau, củ, quả quá kỹ vì sẽ làm mất đi những vitamin quan trọng.

Khi sử dụng các loại rau quả, các loại hạt đóng hộp hoặc sấy khô, nên chọn đa dạng nhiều loại khác nhau và không nên chọn các loại chế biến bổ sung thêm muối hoặc đường.

Uống đủ nước giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật

Nước rất cần thiết cho sự sống của con người, giúp cơ thể vận chuyển chất dinh dưỡng và chất chuyển hóa trong máu, điều hoà nhiệt độ cơ thể, loại bỏ chất thải, tạo chất nhờn và chất đệm cho khớp.

Nước chiếm khoảng 65% trọng lượng cơ thể, tùy theo độ tuổi, giới tính và hoạt động thể chất mà chúng ta cần bổ sung lượng nước cho phù hợp.

Đối với một người bình thường, trung bình mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1,5 - 2 lít nước từ thực phẩm, đồ uống để bù lại lượng nước đã mất và duy trì các chức năng cho cơ thể. Chỉ cần cơ thể thiếu hụt 2% lượng nước, lập tức chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải do cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể.

  Mỗi ngày uống 8 - 10 cốc nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng phòng ngừa COVID-19. Ảnh minh họa

Mỗi ngày uống 8 - 10 cốc nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng phòng ngừa COVID-19. Ảnh minh họa

Vậy nên, để cơ thể khỏe mạnh, mỗi người nên hình thành thói quen uống 8 - 10 cốc nước mỗi ngày. Và nên chia đều thành các thời điểm uống nước như sáng – trưa – chiều – tối để tránh tình trạng lúc thì uống quá nhiều, lúc cơ thể lại khát khô.

Bên cạnh việc uống nước lọc, nước đun sôi để nguội, có thể sử dụng những loại thức uống khác như nước ép từ rau củ và trái cây (ví dụ nước chanh pha loãng với nước và không ngọt), trà và cà phê...

Đồng thời cần hạn chế các loại đồ uống chứa caffeine (như trà, cà phê, nước tăng lực…) và thức uống chứa nhiều đường như nước ép trái cây ngọt, nước ngọt có ga, si rô, nước ép trái cây cô đặc, sữa tổng hợp có đường…

  Hạn chế muối và đồ ăn chiên rán sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì khi ở nhà tránh dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Hạn chế muối và đồ ăn chiên rán sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì khi ở nhà tránh dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Một số thực phẩm cần hạn chế để tránh gây hại cho sức khỏe

Để cơ thể luôn khỏe mạnh, không tăng cân quá nhanh trong những ngày ở nhà tránh dịch, mỗi người nên ăn lượng vừa phải chất béo và dầu mỡ.

Trong chế độ ăn hàng ngày nên ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (cá, bơ, các loại hạt, dầu olive, dầu nành, dầu hạt cải, dầu hạt hướng dương, dầu bắp) hơn là thực phẩm chứa chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, dầu cọ hoặc dầu dừa, phô mai, kem, bơ tinh, mỡ động vật).

Đồng thời, cần lựa chọn loại thịt trắng (như thịt gia cầm) và cá vì ít chất béo hơn là thịt đỏ. Tránh các loại thịt chế biến sẵn vì nhiều mỡ và muối.

Đặc biệt, cần tránh các loại thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, đồ chiên, pizza đông lạnh, bánh quy, bánh nướng, bơ thực vật và các loại bơ phết bánh mì. Bởi đây đều là những thực phẩm không tốt cho sức khẻo và gây tăng cân nhanh chóng. 

Ngoài ra khi nấu hoặc chuẩn bị thức ăn, nên hạn chế dùng muối và gia vị chứa nhiều muối như nước mắm, nước tương, tránh thức ăn chứa nhiều muối và đường.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO