Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh cúm nguy hiểm thế nào nếu không điều trị kịp thời?

Bệnh cúm được xem là bệnh thông thường, nhưng vẫn có những trường hợp tử vong do cúm nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh cúm nguy hiểm thế nào nếu không điều trị kịp thời? 0

Bệnh cúm hình thành thế nào?

Bệnh cúm nói chung trong đó có cúm H1N1 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao.

Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính, vẫn có thể gặp nguy hiểm, ngay cả khi bị nhiễm cúm thông thường.

Theo BSCK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh cúm do virus cúm (orthomyxovirus) gây ra. 

Virus cúm là những virus có hình cầu, có vỏ bọc, bộ gen là ARN. Trên vỏ có các kháng nguyên là Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và khoảng 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Sự tổ hợp hai kháng nguyên này tạo nên các chủng cúm khác nhau, ví dụ cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm A/H5N1.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2) và cúm A (H1N1) và cúm B.

Ai dễ mắc cúm?

Ai cũng có thể mắc bệnh cúm. Tuy nhiên trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh lý chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… là những đối tượng dễ mắc bệnh.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng, do hắt hơi, ho khạc. Thời gian lây truyền thường là trước khởi phát 1 ngày đến ngày thứ 7 của bệnh.

 

  Khi bị cúm nếu cảm thấy khó thở, chóng mặt nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời

Khi bị cúm nếu cảm thấy khó thở, chóng mặt nên đi thăm khám để được điều trị kịp thời

Khi nào cần đi khám khi bị cúm?

Hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết trong 1 – 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, thậm chí có thể tử vong.

Do vậy khi bị cúm, người bệnh nên đi khám khi có biểu hiện:  

  •  Cảm thấy khó thở
  •  Cảm thấy đau hay đè ép lồng ngực
  •  Lơ mơ
  •  Nôn ói liên tục hay không thể uống đủ nước
  •  Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay tiểu ít

Bệnh có thể diễn tiến nặng ở những đối tượng như: Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (< 5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi), người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn (hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV, ghép tạng) và một số bệnh khác.

Những dấu hiệu đặc trưng phân biệt giữa bệnh cúm và cảm lạnh thông thường:

Bệnh cúm nguy hiểm thế nào nếu không điều trị kịp thời? 2

Triệu chứng bệnh cúm có thể khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm: sốt, nhức đầu và đau cơ, mệt mỏi và biếng ăn, ho và đau họng cũng có thể gặp.

Người bị cúm thường sốt 2 - 5 ngày. Điều này khác với các bệnh do virus khác của đường hô hấp thường hết sau 24 – 48 giờ.

Phòng bệnh cúm như thế nào cho hiệu quả?

Để phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả, người dân nên tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm, đặc biệt là nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh thận mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch.

Vì các chủng virus cúm thay đổi liên tục mỗi năm do đó mỗi năm thành phần vắc-xin lại được điều chỉnh. Cần tiêm chủng hàng năm mới có tác dụng bảo vệ tốt.

  Tiêm vắc-xin ngừa cúm là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh cúm

Tiêm vắc-xin ngừa cúm là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh cúm

Cách ly người bệnh: Người bệnh cần nằm phòng riêng, thông thoáng. Thời gian cách ly là 7 ngày từ khi khởi phát triệu chứng. Cho người bệnh mang khẩu trang.

Khi ho, hắt hơi, cần phải che mũi miệng bằng khăn giấy và ngay lập tức bỏ vào thùng rác “lây nhiễm”. Nếu không có khăn giấy, hắt hơi vào khuỷu tay, không dùng bàn tay che mũi miệng khi ho.

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên khi tiếp xúc với người bị cúm hay các bề mặt, môi trường có thể có vi rút. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO