Bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên và không nên ăn gì?

Bình luận

Những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày sẽ làm bệnh nặng nề hơn, gặp biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày – tá tràng…

  Bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên và không nên ăn gì để không gây hại cho sức khỏe

Bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên và không nên ăn gì để không gây hại cho sức khỏe

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Khoa Nội Tiêu Hóa – Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu ruột non).

Đây là bệnh thường gặp ở độ tuổi 30 – 50, thường ở nam nhiều hơn nữ, xảy ra do tổn thương trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa trên như đau bụng, buồn nôn...

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có thể chữa trị được hoàn toàn, nhưng nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày – tá tràng, hẹp môn vị…

Dấu hiệu cảnh báo bị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

- Người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường có các cơn đau xoắn vặn, nóng rát thượng vị, không lan, xuất hiện đều đặn vào một giờ nhất định sau bữa ăn (1 - 3 giờ sau ăn với loét dạ dày; 3 - 5 giờ sau ăn với loét tá tràng). Đau giảm khi uống sữa hay dùng thuốc antacide, tăng với các thức ăn chua, nhiều axít (dứa, chanh…). Đau thường tái phát theo chu kỳ, thường vào mùa lạnh.

- Một số người bị đau không liên quan đến bữa ăn, không có tính chu kỳ hoặc bệnh nhân hoàn toàn có thể không có triệu chứng.

- Ngoài ra bệnh nhân còn có thể có một số triệu chứng khác như: Đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua, sụt cân hoặc tăng cân, mất ngủ, ngủ không ngon giấc.

  Viêm loét dạ dày - tá tràng phần lớn do vi khuẩn Hp gây ra

Viêm loét dạ dày - tá tràng phần lớn do vi khuẩn Hp gây ra

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

- Phần lớn nguyên nhân bệnh là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.p) (50% các trường hợp) và do lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm (NSAIDs) (20 – 25% các trường hợp). Ngoài ra các nguyên nhân ít gặp khác bao gồm: u tiết gastrin, thuốc hóa trị, xạ trị, bệnh thâm nhiễm, thiếu máu…

- Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Thói quen ăn uống không điều độ, căng thẳng thần kinh kéo dài (stress), hút thuốc lá, uống rượu bia.

Những biến chứng nguy hiểm khi bị viêm loét dạ dày – tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng nếu không được điều trị dứt điểm sẽ trở thành mạn tính và có thể dẫn đến các biến chứng có ảnh hưởng nghiêm trọng như:

- Thủng dạ dày - tá tràng: Dấu hiệu của thủng dạ dày – tá tràng là bệnh nhân có hiện tượng đau bụng dữ dội đột ngột, đau như xuyên, bụng co cứng, tình trạng sốc…

- Xuất huyết tiêu hóa trên: Dấu hiệu của vết loét chảy máu bao gồm các triệu chứng như nôn ra máu, đi cầu ra máu hay phân đen, chóng mặt, choáng váng… có thể dẫn đến tình trạng mất máu cấp, nặng phải cầm máu bằng nội soi hay phẫu thuật.

- Hẹp môn vị: Đây là dạng sẹo co thắt của ổ loét xơ chai gây thu hẹp lòng dạ dày – tá tràng tại nơi đó, làm cho thức ăn khó có thể đi qua. Các dấu hiệu của hẹp môn vị như là nôn thức ăn của các bữa ăn trước, bụng óc ách thức ăn cũ và sút cân nhanh.

Đây là những biến chứng nguy hiểm và có thể cần can thiệp cấp cứu. Vậy nên, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Trong quá trình điều trị bệnh, cần tuân thủ điều trị tốt, uống thuốc đúng giờ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Không lạm dụng thuốc lá, rượu bia, các loại thuốc giảm đau, giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt.

  Người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không nên ăn các món chứa nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi...

Người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không nên ăn các món chứa nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi...

Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên và không nên ăn gì?

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, bác sĩ Hoàng Yến khuyến cáo người bị viêm loét dạ dày – tá tràng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, có những thực phẩm người bệnh nên ăn và không nên ăn để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên dùng các loại thực phẩm sau:

- Các thực phẩm có chứa nhiều đạm dễ tiêu: thịt lợn nạc, cá nạc. 

- Rau củ quả tươi: chọn các loại rau củ non, ưu tiên họ cải (cải bắp, củ cải, hoặc rau cải).

- Tinh bột dễ tiêu như cơm, bánh mì, hoặc là các loại cháo, khoai củ.

- Dầu thực vật từ các loại hạt (dầu hạt hướng dương, dầu vừng, dầu hạt cải, dầu đậu nành...).

Nên tránh xa các loại thực phẩm:

- Những loại thức ăn cứng, dai, hay rau có nhiều xơ (rau già, rau cần...), quả xanh sống, các loại quả chua (chanh, cóc, xoài xanh, sấu...).

- Gia vị, dấm tỏi, tiêu ớt, hoặc các loại dưa cà muối, hành muối.

- Hạn chế các loại nước có gas, nước trà, cà phê đậm đặc.

Bạn đang xem bài viết Bị viêm loét dạ dày – tá tràng nên và không nên ăn gì? tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An An