Cha đẻ của Bảng tuần hoàn Hóa học Mendeleev: Ghét rượu, thích trà

Bình luận

Dmitry Ivanovich Mendeleev đã trở thành huyền thoại với việc khai sinh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học. Ông là một người đặc biệt, và sở thích ẩm thực của ông cũng vậy.

Cha đẻ của Bảng tuần hoàn Hóa học Mendeleev: Ghét rượu, thích trà 0

Dmitri Ivanovich Mendeleev sinh ngày 8/2/1834 tại thị trấn Tobolsk, Siberia, Nga. Mendeleev là con út trong gia đình 17 người con.

Cha ông, Ivan Pavlovich Mendeleyev là hiệu trưởng của nhà thi đấu và trường học quận Tobolsk. Ông bị mù trong khi Mendeleev sinh ra, và mất năm 1847.

Mẹ ông, Mariya Dmitriyevna Kornileva được đánh giá là một phụ nữ thông minh và giàu năng lượng. Sau khi cha ông mất, bà vừa quản lý một nhà máy về thủy tinh, vừa nuôi dạy các con.

Năm 1848, khi nhà máy bị phá hủy do hỏa hoạn, gia đình ông chuyển đến St. Peterbourg để các con được tiếp cận giáo dục tốt hơn. Mẹ ông mất năm 1850. Mẹ là người vô cùng có ảnh hưởng tới Mendeleev, tới nỗi về sau này, trong một nghiên cứu, ông viết đề tựa rằng: “Nghiên cứu này là để tôn vinh những ký ức về mẹ”.

Thuở nhỏ, Mendeleev chỉ thích học môn Toán và Vật lý, các môn học khác ông học không tập trung. Mẹ ông là người phát hiện ra những tố chất đặc biệt của ông và luôn tìm cách để ông phát huy được nó.

Chỉ tới khi học ở Học viện sư phạm ở Peterbursg, Mendeleev mới tìm được đúng nơi để phát triển tài năng. Tại đây ông gặp được những thầy cô giáo xuất sắc – những người đã biết cách để khơi gợi và phát triển tình yêu của ông với khoa học.

Dù theo học ngành hóa phân tích nhưng Mendeleev chỉ coi đây là một công cụ quan trọng để chứng minh nhiều kết quả nghiên cứu khác. Đặc biệt, đây chính là động lực để ông lựa chọn đề tài tốt nghiệp về đẳng cấu của mình. Về sau, ông gọi việc nghiên cứu đẳng cấu là một trong những “người tiên phong”, giúp ông khám phá ra Bảng tuần hoàn nguyên tố Hóa học.

Sau khi kết thúc khóa học ở Học viện, Mendeleev trở thành thầy giáo. Lúc đầu ông dạy ở Simferofol, sau là Odessa và tới năm 1856 ông quay về St. Peterbursg. Năm 23 tuổi, ông trở thành trợ lý giáo sư tại Đại học Saint Peterbursg.

Sau 2 năm đi công du ở nước ngoài (từ năm 1859), ông trở về St. Peterbursg và tiếp tục giảng dạy ở bộ môn hóa Hữu cơ. Dù dạy về Hóa học nhưng ông cũng có rất nhiều hoạt động đáng chú ý trong các lĩnh vực khoa học khác. Năm 1863, Khoa Vật lý và Toán học của Đại học St. Peterbursg chọn ông làm giáo sư Khoa Công nghệ. Năm 1864, ông được chọn làm Giáo sư Viện công nghệ Peterbursg.

Sự ra đời của Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học năm 1869 là kết quả của 15 năm làm việc bền bỉ của ông, cùng rất nhiều lần thử nghiệm thất bại, của sự nghiên cứu tỉ mẩn từ khi ông còn là sinh viên. Đây cũng là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời nhà bác học đa tài này.

Chế độ dinh dưỡng của cha đẻ Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học

Dù được coi là người chế tạo ra rượu vodka – loại rượu truyền thống nổi tiếng* của Nga nhưng Dmitry Mendeleev lại không thích thứ nước uống có cồn này. Theo lời chia sẻ của vợ Mendeleev bà Anna Ivanovna thì: “Mendeleev uống rất ít rượu. Ông có uống thì uống một cốc rượu kavkaz đỏ”.

Nguyên nhân của việc Mendeleev được coi là người chế tạo ra rượu vodka là vì ông có một nghiên cứu khoa học có tên “Hợp chất cồn và nước”, bảo vệ vào năm 1865. Trong nghiên cứu này ông giải quyết câu hỏi, vì sao khi đổ một lít cồn vào 1 lít nước, dung tích của hỗn hợp nhận được lại bị giảm đi. Theo đó, nguyên nhân khiến dung tích hỗn hợp giảm là khi đổ cồn và nước vào nhau, chúng ta đã tạo ra một hợp chất hóa học mới có tên cồn hydrate. Khi độ cồn ở 46%, dung tích của hỗn hợp sẽ giảm nhiều nhất có thể, còn khi ở 40%, dung tích hỗn hợp sẽ giảm ít nhất.

Về đồ uống, ông còn thích uống trà, tuy nhiên ông lại rất kỹ tính. Ông chỉ uống trà do chính tay mình hoặc vợ pha. Nếu vợ ông nhờ ai pha, ông ngay lập tức biết được và yêu cầu bà phải pha cho ông cốc trà khác. Ông muốn có một cốc trà ngọt, không được pha loãng lá với nước sôi.

Ông thích nhất loại trà Kyaxty đóng hộp. Sau khi nhận được hộp trà, ông sẽ phân tán nó ra trên bàn ăn, nhanh chóng đảo đều, sau đó cho vào một lọ thủy tinh lớn và đậy kín nắp. Mọi thứ phải làm thật nhanh để chè không bị hà hết hơi.

Bình thường Dmitry Ivanovich ăn rất ít. Ông thường ăn súp cá, nước dùng (từ hầm thịt, cá hoặc rau trong nước), ngoài ra hầu như không ăn thêm gì. Ông đặc biệt thích ăn loại bánh mì có tên kalach (loại bánh mì có hình tay cầm).

  Món bánh mì mà Dmitry Ivanovich Mendeleev rất thích ăn.

Món bánh mì mà Dmitry Ivanovich Mendeleev rất thích ăn.

Bạn bè và người thân của nhà khoa học đều thống nhất rằng ông là người rất chừng mực trong ăn uống và không bao giờ đòi hỏi sự phong phú trong đồ ăn.

Liên tục tìm tòi sáng tạo với các nguyên tố hóa học, ông đem nó vào ứng dụng trong cả thức ăn. Có thể nói ông là người tiên phong tạo ra một chế độ ăn uống lành mạnh. Ông tự mình tạo ra rất nhiều các món ăn như nấu cơm bằng rượu đỏ, cháo húng quế, bánh nướng làm từ gạo. Nhiều khi ông ăn một trong những món này trong nhiều cả tháng.

Với tính yêu dành cho mứt, bánh bao và quả mọng, ông đã viết định nghĩa về chúng và được dùng trong cuốn từ điển bách khoa của Brockhaus và Euphron. Trong đó, ông miêu tả về mứt như sau: “Nếu siro thấp hơn 41- 42 độ theo tỷ trọng kế Baume, được nấu lại cho tới khi đạt tới độ đặc thích hợp – đó là mứt”.

Ông đúng là một nhà khoa học đặc biệt, với những thói quen đặc biệt!

Bạn đang xem bài viết Cha đẻ của Bảng tuần hoàn Hóa học Mendeleev: Ghét rượu, thích trà tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo