Báo Điện tử Gia đình Mới

Chơi xe điện cân bằng tìm cảm giác lạ, cô gái bị ngã gãy tay

Chơi xe điện cân bằng không chỉ là trò yêu thích của trẻ nhỏ mà nó còn kích thích sự tò mò, muốn được thử cảm giác lạ của người lớn, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những điều thú vị, xe điện cân bằng còn dễ gây những tai nạn nguy hiểm.

Chị Thu Hiền, ở Hà Nội vừa bị ngã gẫy tay vì bắt chước cháu nhỏ chơi trò xe điện cân bằng. Chị Hiền kể lại: “Ngày cuối tuần được nghỉ tôi cùng chị gái dẫn con của chị đi chơi.

Trẻ nhỏ hiếu động nên cháu đòi chơi đi xe điện cân bằng. Khi chơi với xe thấy cháu điều khiển rất thành thục, còn luôn miệng bảo tôi trò chơi rất vui và dễ chơi.

Vì không cưỡng lại được sự hấp dẫn của trò chơi và lời dụ dỗ ngon ngọt của cháu nên tôi đã chơi để thử cảm giác mới lạ.

Trò chơi cũng khá thú vị, lúc đầu cũng rất vui vẻ, chị tôi còn chụp cho tôi vài tấm ảnh cùng xe điện cân bằng. Sau đó bỗng nhiên sự cố xảy ra, tôi bị ngã và phải vào viện cấp cứu vì gãy tay”.

Cánh tay bị chấn thương của chị Hiền do chơi trò đi xe điện cân bằng

Cánh tay bị chấn thương của chị Hiền do chơi trò đi xe điện cân bằng

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Trung tâm Cấp cứu 115, cho biết: “Hầu như tháng nào chúng tôi cũng nhận được điện thoại người dân gọi cấp cứu do tai nạn xe điện cân bằng trên khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Gần nhất là ca tai nạn cách đây khoảng chục ngày. Đó là một ngày cuối tuần, tổng đài của chúng tôi nhận được thông tin có một ca tai nạn xe điện cân bằng trên khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Khi tiếp cận bệnh nhân thì biết được cô gái này lên phố đi bộ chơi, muốn thử trò đi xe điện cân bằng và xảy ra tai nạn. Rất may một người dân biết cách sơ cứu đã dùng chai nước lavie cố định tay của bệnh nhân. Chúng tôi tiến hành kiểm tra lại và đưa bệnh nhân vào viện”.

Tai nạn do chơi xe điện cân bằng, nếu ở mức độ nhẹ, người chơi có thể sây sát da, bầm dập tay chân, hoặc thường gặp nhất là bong gân. Trường hợp nặng hơn có thể bị trật khớp, gãy xương cần phải điều trị bó bột hay thậm chí phải phẫu thuật. Ngoài các chấn thương phần mềm, còn có những chấn thương nghiêm trọng như chấn thương sọ não dẫn tới các thương tật vĩnh viễn.

Người chơi xe điện cân bằng ngã bị chấn thương ở chân. Ảnh zing.vn

Người chơi xe điện cân bằng ngã bị chấn thương ở chân. Ảnh zing.vn

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, các ca tai nạn do chơi xe điện cân bằng được bác sĩ của 115 cấp cứu thường là nhẹ, người chơi bị trầy xước da chảy máu, gãy chân, gãy tay, chưa có ca nào chấn thương sọ não nặng.

Tình trạng của các bệnh nhân thường nhẹ là do những người chơi này không phải dân chơi xe điện cân bằng chuyên nghiệp, họ chơi chỉ để thử cảm giác mới lạ nên đi chậm.

Nhưng với những người chơi chuyên nghiệp lại khác, họ đi với tốc độ rất nhanh, lượn lách và có những hành động mạo hiểm. Khi có tai nạn xảy ra thương tích rất nghiêm trọng, có thể gây chấn thương sọ não, nguy hiểm đến tính mạng.

Điều đáng nói là việc sử dụng xe điện cân bằng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng, nhưng người chơi lại không hề trang bị các đồ dùng bảo vệ như mũ bảo hiểm, bao đầu gối, bao khuỷu tay… dẫn đến người chơi dễ chấn thương khi chẳng may bị ngã.

Nhiều bạn trẻ chơi những trò mạo hiểm với xe điện cân bằng mà không có đồ bảo hộ. Ảnh minh họa

Nhiều bạn trẻ chơi những trò mạo hiểm với xe điện cân bằng mà không có đồ bảo hộ. Ảnh minh họa

Vì trò chơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên bác sĩ Thắng khuyến cáo, cha mẹ không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi chơi xe điện cân bằng vì tuổi này chưa có sự phối hợp tốt trong vận động nên dễ gặp phải các chấn thương. Đối với các trẻ lớn hơn cần phải có người lớn giám sát khi chơi.

Những người mắc các bệnh về tim mạch, tiền đình, hay bị chóng mặt, mất thăng bằng… không nên tham gia trò chơi này vì dễ gây tai nạn trong lúc chơi.

Trong quá trình chơi, cần sử dụng đồ bảo hộ như mũ bảo vệ đầu, tấm đệm đầu gối và khuỷu tay để tránh bị các chấn thương nghiêm trọng khi chẳng may bị ngã.

Nếu chẳng may xảy ra tai nạn khi chơi, đối với những chấn thương phần mềm nhẹ như sây sát da, bầm dập tay chân, người chơi có thể tự xử lý.

Nhưng, nếu bị bong gân, trật khớp, gãy xương, chấn thương đầu… cần gọi ngay  cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. 

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO