Báo Điện tử Gia đình Mới

Có nên bỏ Tết Nguyên đán không?

Một số người đề xuất bỏ Tết Nguyên đán, gộp vào với Tết dương lịch cho đỡ tốn kém và cũng vì Tết Nguyên đán không còn nhiều ý nghĩa. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ suy nghĩ về việc này.

Có nên bỏ Tết Nguyên đán không? 0

Đó là một câu hỏi hết sức ngớ ngẩn.

Nó giống như hỏi những người Ả Rập, rằng thế giới đạo Hồi có nên từ bỏ tháng Ramadan hay như hỏi người phương Tây có nên ăn mừng Lễ Giáng sinh, khi thế giới chỉ có hơn 2 tỉ người Kito hữu trong số 7 tỉ người tin vào Chúa Giêsu.

Trung Quốc đã từng xóa bỏ Tết Nguyên đán nhưng thất bại. Tại sao Trung Quốc không thể bỏ được Tết Nguyên đán?

Theo kết quả nghiên cứu nhân chủng và khảo cổ, có 2 tín ngưỡng nguyên thủy nhất của loài người, một là niềm tin vào trời và đất, hai là niềm tin vào tổ tiên. Bất kể điều gì thuộc về tín ngưỡng đều rất khó để xóa bỏ. Oái oăm thay, Tết Nguyên đán lại thuộc đúng 2 phạm trù tín ngưỡng nguyên thủy, nên càng không thể loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội.

Hầu hết các lễ hội truyền thống, trong đó có Tết Nguyên đán, được hình thành từ thời cổ đại, đều có liên quan đến tín ngưỡng nguyên thủy, liên quan với văn hóa tự nhiên, liên quan đến xã hội và lịch.

Ở mọi thời kì trong xã hội Trung Quốc, lễ hội mùa xuân là lễ hội truyền thống lớn nhất và quan trọng nhất, nó không chỉ thể hiện niềm tin, lí tưởng, cuộc sống, mà còn là một chuỗi văn hóa về phước lành, về ẩm thực, về giải trí.

Việc xây dựng lịch chính là tiền đề cho lễ hội mùa xuân.

Ngay từ thời cổ đại, người Trung Quốc biết tính ngày tháng năm theo mặt trăng, gọi là lịch âm. Từ hơn 4000 năm về trước, người Trung Quốc chọn thời điểm kết thúc năm cũ và chuyển sang ngày đầu tiên của năm mới, để tổ chức các nghi lễ tưởng nhớ đến các vị thần và tổ tiên, để nhớ ơn trời và đất, để cầu nguyện cho sức khỏe và mùa màng.

Những nghi lễ đó gọi là lễ hội mùa xuân, gắn với tết bằng các tên khác nhau qua từng thời kì, đến thời Vũ Hán đế Lưu Triệt gọi là Tết Nguyên đán cho đến hôm nay.

Vì sao cần có Tết Nguyên đán?

Tết Nguyên đán có ý nghĩa mạnh mẽ nhất về nghi lễ, nó không chỉ là vấn đề đoàn tụ gia đình, mà còn là điểm đến giao tiếp với tổ tiên, giao tiếp với mẹ thiên nhiên, đó là một trong chuỗi của những ngày lễ tồn tại trong nền văn minh thế tục, ở đó mọi người nắm giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, rồi truyền lại những giá trị đó cho đời sau.

Mọi nền văn minh đều tổ chức lễ hội riêng của nó.

Nếu con người chỉ đơn giản như động vật, thì không nên có bất kì ngày lễ nào cả, càng không nên có tết cổ truyền. Nhưng con người là con người, tập hợp của nhiều cá thể, để thành một cộng đồng biết tạo nên văn hóa.

Có nên bỏ Tết Nguyên đán không? 1

Văn hóa là yếu tố quyết định hình thành xã hội. Động vật có phát triển đến mấy, thì cũng chỉ biết sống thành bầy đàn, vì chúng không có văn hóa, nên không thể tạo thành xã hội như con người.

Các tính năng rõ ràng và quan trọng nhất của văn hóa, lại chính là lễ hội, bởi lễ hội là cách để một cộng đồng người mà từng cá nhân trong đó cảm nhận được mình thuộc về một nền văn hóa cụ thể.

Sẽ thật kì lạ khi một xã hội không có tết cổ truyền. Bản thân mùa Giáng sinh của Kito giáo, tháng Ramadan của Hồi giáo, hay các ngày lễ quan trọng của cộng đồng tôn giáo khác, đều là các ngày lễ truyền thống. Hầu hết các nền văn hóa bản sắc độc đáo đều có những ngày lễ lớn hàng năm.

Tết cổ truyền, hay các ngày lễ lớn của tôn giáo khác cũng vậy, đó là sự thừa hưởng từ xã hội cổ đại khi những người trong cùng một ý thức hệ sẽ có chung niềm tin, thông qua nghi thức tương ứng để gắn kết họ lại với nhau.

Ngay cả khi lịch sử phát triển, một số yếu tố xã hội làm cho nghi lễ thay đổi, thậm chí là biến mất, nhưng nghi thức mang tính giá trị cốt lõi của lễ hội thì vẫn còn, đó là cách để các nền văn liên tục biến đổi và phát triển.

Không có những lễ hội giống như tết cổ truyền thì nền văn minh không còn là văn minh.

Đó là lí do để hơn 1,3 tỉ người dân Trung Quốc cần Tết Nguyên đán, giống như người phương Tây cần Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, sẽ không ai có thể nào xóa bỏ được nhu cầu hiển nhiên ấy.

Có nên bỏ Tết Nguyên đán không? 2

Tại sao Nhật Bản hủy bỏ Tết Nguyên đán?

Câu trả lời ngắn gọn: chính phủ Nhật Bản không coi đó là ngày tết!

Câu trả lời đúng, phải là người Nhật Bản không hủy bỏ Tết Nguyên đán, họ chỉ thay đổi để chuyển sang một hệ thống khác, phù hợp hơn với họ.

Thực ra, trong xã hội hiện đại Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác, đều ăn mừng ngày đầu năm mới như ở phương Tây, theo lịch mặt trời là ngày mùng 1 tháng 1 dương.

Ngược lại, theo lịch mặt trăng thì năm mới là mùng 1 tháng 1 âm, gọi là lễ hội mùa xuân, với kì nghỉ dài ngày hơn, kết hợp với các truyền thống cổ xưa, nên có ưu thế thực sự trong tâm trí con người.

Năm 1873, Nhật Bản quyết định dùng lịch mặt trời, khi ấy đất nước này đã thay đổi phương Tây hóa rất toàn diện. Niềm tin của giới tinh hoa Nhật Bản lúc bấy giờ, là các tập quán châu Á kém xa phương Tây, nên được thay thế toàn diện bằng cách đi theo cái hiện đại. Đó là lí do để Nhật Bản không duy trì hệ thống tiêu chuẩn kép như các quốc gia châu Á khác đang triển khai.

Khi lịch âm cũ bị người Nhật loại bỏ hoàn toàn vào năm 1910, thì Tết Nguyên đán và một số lễ hội cổ truyền theo lịch âm, đương nhiên sẽ không còn tồn tại, nó phải chuyển thể sang lịch dương theo phương cách khác phù hợp hơn.

Ở Nhật Bản, người ta tin rằng một vị thần có tên là Toshigami-sama viếng thăm ngôi đền vào đầu năm mới, mang lại vận may và linh hồn cho cả năm.

Vì thế mà năm mới ở Nhật Bản được tổ chức cho các vị thần. Khác với Trung Quốc và những quốc gia còn lại, năm mới được tổ chức theo lịch âm, tức là luôn gắn với ngày đầu tiên của tháng Giêng âm lịch.

Chuyến thăm của vị thần Toshigami-sama cũng theo lịch vào ngày 1 tháng 1. Tuy nhiên, chính phủ Minh Trị đã đột ngột thay đổi lịch vào năm 1872. Do vậy, từ người dân cho đến vị thần đều phải điều chỉnh lễ hội của họ theo lịch mới, tức là Tết Nguyên đán phải tính theo ngày 1 tháng 1 dương.

Người Nhật không xóa bỏ Tết Nguyên đán. Họ chỉ rời Tết Nguyên đán từ lịch mặt trăng sang lịch mặt trời. Người dân Nhật Bản dễ dàng tiếp nhận sự thay đổi đó, bởi lẽ Toshigami-sama là một vị thần đạo trực tiếp gắn với Tết Nguyên đán ở Nhật, nhưng vị thần này lại không gắn với việc phát sinh ra lịch, nên không thể chống lại sự thay đổi của lịch.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Nhật Bản lại thay đổi lịch và tại sao người dân lại phải tuân theo chính phủ?

Thứ nhất, chính phủ Nhật Bản từ thời Minh Trị lên ngôi Thiên Hoàng cho đến năm 1946, đó là nhà nước Quân chủ Lập hiến nổi tiếng độc quyền. Vì thế mà Thiên Hoàng Minh Trị thay đổi lịch, người dân bắt buộc phải tuân theo, họ không được phép có một lịch khác với chính phủ.

Lí do thứ 2, đó là vua Minh Trị muốn thực hiện cuộc cải cách triệt để theo phương Tây, trong bối cảnh Chủ nghĩa thực dân phương Tây hiện đại đang xâm lấn mạnh mẽ văn hóa phương Đông, nên có những ràng buộc yêu cầu Nhật Bản phải thay đổi.

Ví dụ như năm 1858, Nhật Bản kí “Các hiệp ước bất bình đẳng”, trong đó có “Hiệp ước thân thiện thương mại” giữa Nhật Bản và Mỹ, vua Minh Trị phải sửa các hiệp ước đó càng nhanh càng tốt, đồng thời phải Tây phương nền văn hóa Nhật Bản và tăng cường sự giàu có, để tránh bị các nước khác nhòm ngó xâm chiếm thuộc địa.

Cuộc cách mạng phương Tây hóa Nhật Bản diễn ra mạnh mẽ và triệt để, bằng cách du nhập các giá trị phương Tây, đồng thời vứt bỏ nhiều thứ truyền thống, bao gồm cả tết theo lịch âm và hệ thống đo lường truyền thống của Nhật Bản.

Còn một thực tế nữa, là năm 1872 tính theo lịch âm sẽ nhuận có 13 tháng, nếu không đổi sang lịch mặt trời thì chính phủ Nhật Bản phải trả thêm 1 tháng lương, đó cũng chính là lí do để Minh Trị càng quyết tâm đổi lịch trong năm này.

  Gói bánh chưng, niềm vui không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán

Gói bánh chưng, niềm vui không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán

Tại sao một vài người Việt đòi xóa bỏ Tết Nguyên đán?

Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ lịch mặt trăng, luôn mang bản sắc riêng ở từng nền văn hóa, nó đặc biệt quan trọng với tất cả những quốc gia đang có cộng đồng người sử dụng lịch mặt trăng.

Những quốc gia đó gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Việt Nam.

Người châu Á dễ bị ảnh hưởng bởi hàng xóm của họ.

Có sự tự ti đáng kể trong quan niệm về Tết Nguyên đán. Cụ thể, một số người Trung Quốc tự nhận Tết Nguyên đán là của riêng Trung Quốc. Những người phương Tây, một số ít còn gọi là Tết Trung Quốc, chỉ với mục đích cố ý làm hài lòng tính tự ti của người Trung Quốc.

Nhiều người Việt khác gọi Tết Cổ truyền Việt Nam để tránh gọi Tết Nguyên đán.

Là người Việt, người Hàn, người Mông Cổ, hay bất cứ quốc gia nào đang có văn hóa cuộc sống hàng ngày sử dụng lịch mặt trăng, thì đương nhiên sẽ tồn tại Tết Nguyên đán tính theo lịch này. Chẳng có gì phải cảm thấy lăn tăn khi dùng từ Tết Nguyên đán.

Nó cũng giống như cách gọi Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Chẳng người Mỹ nào lại có suy nghĩ chỉ Hoa Kỳ mới có Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Cũng không người Mỹ ngớ ngẩn nào lại nghĩ nước Mỹ có một Lễ Tạ ơn và Giáng sinh khác với các quốc gia còn lại trên thế giới.

Bất cứ ai và bất cứ quốc gia nào theo Kito giáo đều có Mùa Giáng sinh và Năm mới từ 24 tháng 12 cho đến hết 1 tháng 1. Những quốc gia và những người không theo Kito giáo vẫn kỉ niệm Noel 24 tháng 12 và đón chào năm mới ngày mùng 1 tháng 1, có thể thêm tết cổ truyền theo lịch mặt trăng, hay một cái tết riêng theo lịch nào đó khác.

Đòi xóa bỏ Tết Nguyên đán vì đó là tết của Trung Quốc chỉ thể hiện tính tự ti.

Một lí do khác cho rằng tết là sự lãng phí tiền bạc và thời gian. Điều đó thật vô lí. Càng vô lí hơn khi cho rằng mỗi người hãy làm điều như tết 24x365 trong mọi thời điểm.

Sự vô lí là bởi, con người không phải là cỗ máy và ai cũng cần ngày tết để nghỉ ngơi, thăm người thân và bạn bè để giữ mối liên kết, có thời gian tận hưởng hạnh phúc bên gia đình.

Có nên bỏ Tết Nguyên đán không? 4

Đặc biệt, với những người phải làm việc xa quê hương, đó là lí do quan trọng để họ có thể đoàn tụ với gia đình, với người thân. Mặt khác, tết là lí do để người ta mua sắm và du lịch, giúp cho kinh tế tăng trưởng, nên nhờ có tết mà sản xuất phát triển, hàng hóa tiêu thụ nhiều, không gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Sẽ chẳng thể xóa bỏ Tết Nguyên đán ở Việt Nam khi hàng ngày người dân Việt vẫn dùng lịch âm trong nhiều lĩnh vực đời sống.

Mỗi mùng 1 hôm rằm âm lịch người dân vẫn thắp hương ở nhà, vẫn lên chùa, vẫn kiêng kị nhiều việc vào ngày này. Mỗi khi làm việc gì, người dân đều xem ngày giờ theo lịch âm, tránh các ngày mùng 5-14-23 vì quan niệm ngày đó “đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”.

Thờ cúng tổ tiên cũng vậy, ai chẳng tính theo ngày âm, trừ ngày sinh nhật hôm nay mới bắt đầu tính ngày dương. Còn một loạt các ngày tết cổ truyền khác, như tết Khai hạ, Thượng nguyên, Hàn thực, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Trùng cửu, Trùng thập, Hạ nguyên, Táo quân.

Hãy như người Singapore: họ ăn Tết Nguyên đán và hệ thống các ngày tết khác theo lịch mặt trăng, mừng Lễ Giáng sinh và Tạ ơn theo Kito giáo, luôn cả các lễ hội của người Hồi giáo và Ấn Độ giáo.

Cuộc sống mà không có những ngày lễ hội truyền thống, không có những ngày tết cổ truyền, đặc biệt không có Tết Nguyên đán, nó sẽ trôi qua tẻ nhạt, như không có gì cả.

Cuộc sống như vậy thật là đáng thương!

Trần Văn Phúc

 

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO