Báo Điện tử Gia đình Mới

Dịch COVID-19: Nhà có người ốm thì khám bệnh ở đâu? Đi bằng phương tiện gì?

Trong mùa dịch COVID-19, nếu trong gia đình có người nhà bị ốm thì nên đi đâu khám bệnh và đi bằng phương tiện gì để đảm bảo an toàn? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm trong mùa dịch COVID-19.

Mùa dịch bị ốm đi khám ở đâu?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong mùa dịch COVID-19, nếu người dân bị ốm, có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì phải đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Người dân khi có bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người bệnh có lịch tái khám cũng nên tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh của mình, tránh để tình trạng có bệnh nhưng không đi khám dẫn đến phát hiện bệnh muộn, sẽ không có cơ hội điều trị hoặc bệnh trở nặng, có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tại các cơ sở y tế đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19. Đây là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, người nhà, người nuôi, người thăm và nhân viên y tế tại các cơ sở y tế.

  Tại các cơ sở y tế đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa

Tại các cơ sở y tế đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa

Đến bệnh viện cần phải làm gì?

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các bệnh viện bố trí 1 cổng duy nhất dành cho đón tiếp, phục vụ người có triệu chứng viêm đường hô hấp (ví dụ bố trí cổng số 2, số 3).

Tại cổng dành cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, bố trí biển ghi rõ: “Cổng đón tiếp dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người và có tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19".

Bên cạnh cổng, bổ trí thêm biển bằng đèn màu (ví dụ biển đèn led, biển hộp có đèn chiếu sáng bên trong) để người đi khám bệnh nhìn rõ vào ban đêm, hoặc cần có đèn chiếu sáng vào các biển thông thường.

Bên ngoài đường cần đặt các biển chỉ dẫn tương tự tại các vị trí dễ nhìn, ví dụ: “Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người", hoặc “Cổng dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người cách 30 mét bên phải, người đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố liên quan đến người nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng cần liên hệ đường dây nóng....".

Bố trí nơi gửi xe tại phía ngoài cổng hoặc ngay khu vực cổng. Lưu ý tập huấn đầy đủ cho nhân viên bảo vệ, trông xe về hướng dẫn, đón tiếp và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhân viên y tế nhắc nhở người bệnh đeo khẩu trang hoặc có khẩu trang cung cấp cho người bệnh nếu người bệnh không có. Tại các bàn khám sàng lọc có nước sát khuẩn tay nhanh cho người đến khám.

Sau khi thăm khám, với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, bệnh viện không được tự chuyển viện, cần liên hệ ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn chuyển viện đúng, bảo đảm không lây chéo cho các đối tượng khác.

  Người dân khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Người dân khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

 

Bệnh viện Bạch Mai có mở cửa khám bệnh khi cách ly dịch COVID-19 không?

Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau gần 3 ngày "đóng băng" do lây lan COVID-19, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã được tiếp nhận bệnh nhân nặng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai được tiếp nhận, cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch mà không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trước khi chuyển bệnh nhân đến Bạch Mai cần liên hệ trước để bệnh viện sắp xếp.

Bệnh nhân đến Bạch Mai đều được xét nghiệm COVID-19. Trường hợp Bạch Mai quá tải có thể chuyển các bệnh nhân đã được điều trị ổn định về các tuyến theo dõi tiếp. Người ra viện cũng được xét nghiệm COVID-19.

  Với những trường hợp bệnh nặng có thể gọi Cấp cứu 115 để được sơ cấp cứu và hỗ trợ đưa đến bệnh viện kịp thời. Ảnh minh họa

Với những trường hợp bệnh nặng có thể gọi Cấp cứu 115 để được sơ cấp cứu và hỗ trợ đưa đến bệnh viện kịp thời. Ảnh minh họa

Mùa dịch, người dân đi khám bằng phương tiện gì?

Theo công văn được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi tới các đơn vị chiều 31/3, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các sở GTVT trong vòng 15 ngày, từ 0 giờ 1/4 đến 15/4, dừng mọi hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lệnh cấm không áp dụng với các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá.

Các bến xe tại địa phương thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh.

Như vậy, người dân bị bệnh đi khám có thể dùng phương tiện giao thông cá nhân để đến các cơ sở y tế gần nhất thăm khám, điều trị.

Với những trường hợp bị bệnh nặng, có thể liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để được giúp đỡ hoặc liên hệ các cơ sở y tế, cơ sở vận chuyển cấp cứu tại địa phương để được hỗ trợ kịp thời.

Cần làm gì khi nghi ngờ bản thân mắc COVID-19?

Khi nghi ngờ bản thân đang mắc COVID-19, người dân cần tuân thủ các bước sau để thực hiện tự cách ly tại nhà một cách đúng đắn và tuân thủ tiêu chuẩn an toàn:

  •  Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi người được cách ly khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: ho, sốt, khó thở.
  •  Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có nhu cầu.
  •  Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi cư trú.
  •  Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.
  •  Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi cư trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
  •  Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc.
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO