Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn nhiều sữa chua có đường?

Bình luận

Rất nhiều cha mẹ hiện nay vẫn có suy nghĩ cho trẻ ăn “thả ga” sữa chua để tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe. Họ không biết rằng nếu sữa chua con ăn là sữa chua có đường thì sẽ thành thảm họa.

 Từ lâu các bác sĩ đã cảnh báo chúng ta về tác hại của việc ăn quá nhiều đường.

Ăn nhiều đường không chỉ khiến cân nặng không kiểm soát được mà có thể dẫn tới một số loại bệnh như tim mạch, gan, trầm cảm, ung thư, trí nhớ bị suy giảm. Ăn nhiều đường còn làm cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt có hại cho trẻ đang tuổi phát triển. 

Đường có thể đi vào cơ thể từ nhiều nguồn như từ nước uống (nước ngọt, soda, nước ép), từ thức ăn (trái cây ngọt, bánh ngọt, kem... và cả sữa chua nữa.

  Sữa chua có đường tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ ăn quá nhiều đường.

Sữa chua có đường tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ ăn quá nhiều đường.

1. Đường thêm vào trong sữa chua từ đâu mà có?

Theo Toby Amidor – một chuyên gia dinh dưỡng, trong sữa chua bao giờ cũng có một lượng đường tự nhiên. Nguyên do là nó chứa lactose – một loại đường có trong hầu hết các sản phẩm sữa. Khi vào cơ thể, lactose sẽ được phân hủy thành glucose và galactose để cơ thể dễ hấp thụ. Điều này có nghĩa là bất cứ sản phẩm sữa nào mà bạn cầm vào từ sữa tới sữa chua tới pho mai đều chứa đường.

Tuy nhiên, trong các sản phẩm sữa chua có đường được bán trên thị trường, ngoài lượng đường tự nhiên, có sẵn trong thành phần của nó, còn chứa cả đường mà các nhà sản xuất thêm vào. Nguyên nhân là để át mùi vị tự nhiên của sữa chua – thứ mùi có thể nhiều người không thích hoặc tạo ra hương vị ưa thích cho người tiêu dùng.

Lúc này, các nhà sản xuất thêm mật, mứt hoặc các nguyên liệu có đường vào để làm sữa chua ngọt lên. Đây chính là những loại đường thêm vào mà chúng ta cần lo lắng.

2. Lượng đường thêm vào khuyến nghị trong khẩu phần ăn

Một hướng dẫn dinh dưỡng năm 2015 được đưa ra đã khuyến nghị: lượng đường thêm vào không nên vượt quá tổng lượng 10% calo của sản phẩm. Nếu bạn ăn 2.000 calo trên ngày thì lượng calo tới từ đường thêm vào sẽ không quá 200 calo (tương đương với khoảng 13 thìa cà phê). Tuy nhiên, ngưỡng này vẫn chưa phải ngưỡng an toàn.

Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến nghị, mỗi người phụ nữ một ngày không nên ăn quá 100 calo đường thêm vào (tương đương khoảng 6 thìa cà phê). Con số này ở đàn ông là 9 thìa. Số lượng đường mà một trẻ em từ 2- 18 tuổi ăn vào hàng ngày chỉ nên giới hạn ở ngưỡng 25 gr, tương đương với chưa tới 6 thìa cà phê để có được một trái tim khỏe.

3. Vì sao ăn sữa chua có đường lại có hại

Thường, các cha mẹ có suy nghĩ, ăn sữa chua rất có lợi cho sức khỏe bởi nó chứa nhiều vi khuẩn có lợi, đặc biệt là sữa chua hữu cơ, mà không cần nhìn vào bảng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Vì thế, không ít cha mẹ khuyến khích con ăn càng nhiều sữa chua càng tốt. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khuyến khích con ăn nhiều sữa chua có đường là đang làm hại con.

Một nghiên cứu được đăng tải tên tạp chí Y khoa mở rộng của Anh năm 2018 cho thấy hàm lượng đường trung bình trong sữa chua bán trên thị trường Anh đang vượt ngưỡng hàm lượng đường thấp theo luật định của Liên minh châu Âu.

Theo nghiên cứu này, sữa chua tự nhiên có lượng đường ít nhất so với các loại sữa chua khác. Nhiều sản phẩm sữa chua hữu cơ còn chứa tới một nửa lượng đường được khuyến nghị dùng trong một ngày. Trong khi nhiều loại sữa chua khác có lượng đường thêm vào nhiều bằng cả một món tráng miệng.

“Nhiều loại sữa chua có rất nhiều đường và được ngụy trang như một thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế là những loại sữa chua có lượng đường chả kém gì các món tráng miệng ngọt, đặc biệt là những món có thêm hoa quả hoặc topping. Hầu hết mọi người đều thích ăn sữa chua có vị hoa quả- thứ có thể khiến lượng đường thêm vào rất nhiều, không chỉ từ hoa quả mà còn từ đường để khiến vị sữa chua ngon hơn” – nhà dinh dưỡng học Jessica Bennett tại Trung tâm Y tế đại học Vanderbilt, Tennessee, Mỹ - nói.

Ăn sữa chua có đường quá nhiều dẫn tới tình trạng thừa đường trong cơ thể trẻ, dẫn tới hàng loạt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, gan hay thậm chí là ung thư.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn nhiều sữa chua có đường? 1

4. Làm thế nào để vẫn ăn sữa chua mà không lo về lượng đường thêm vào?

Để vẫn ăn sữa chua và tận hưởng giá trị dinh dưỡng và sức khỏe mà nó mang lại, đồng thời không cần lo lắng về đường thêm vào, các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo bạn nên chọn mua loại sữa chua tự nhiên, sau đó tự thêm hương vị hoa quả tươi của riêng mình.

“Bằng cách này bạn có thêm chất xơ cung cấp cho cơ thể và biết rằng thứ mình đang ăn là hoa quả thực, chứ không phải là đường thêm vào mang hương vị hoa quả của nhà sản xuất. Với những em bé chưa ăn được đồ ăn lổn nhổn, bạn có thể xay ra để con ăn”.

Ngoài ra, để khuyến khích trẻ thích thú với món ăn này, cha mẹ nên để đóng đá sữa chua, giúp con ăn ngon miệng hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Carol Aguirre thì khuyên, khi chọn mua sữa chua cần lưu ý tới một số loại đường thêm vào trong thành phần như mật hoa, mạch nha của lúa mạch, củ cải đường, mật mía, đường gạo lứt, xi rô bơ, nước ép mía, caramen, đường dừa, ngô ngọt, dexten (chất tạo ngọt), ethy maltol (chất kết hương), xi rô mạch nha, panela (chất tạo ngọt)....

Hãy sáng suốt khi lựa chọn sữa chua cho con dùng bạn nhé!

Bạn đang xem bài viết Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn nhiều sữa chua có đường? tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo