Gan có chức năng gì và bảo vệ gan thế nào?

Bình luận

Gan có vai trò rất quan trọng trong thanh lọc cơ thể, chuyển hóa thức ăn đồng thời dự trữ năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn đã biết cách thức hoạt động của gan cũng như cách bảo vệ nó?

Gan có chức năng gì và bảo vệ gan thế nào? 0

Gan nằm ở phần trên bên phải của khoang bụng. Nó nằm dưới cơ hoành và nằm phía trên dạ dày, thận phải và ruột. Gan có hình tam giác màu nâu sẫm, nặng khoảng 1,4kg.

Có 2 nguồn khác nhau cung cấp máu cho gan: Máu chứa oxy đi vào gan qua động mạch gan.Máu giàu chất dinh dưỡng đi vào gan từ ruột qua tĩnh mạch cửa gan.

Theo trang web của Tổ chức sức khỏe trẻ em Stanford, Mỹ, gan giữ khoảng 13% lượng máu cung cấp cho cơ thể tại bất kỳ thời điểm nào. Gan có 2 phần chính (thùy). Cả hai đều được tạo thành từ 8 phân đoạn bao gồm khoảng một nghìn thùy nhỏ. Những tiểu thùy này được kết nối với các ống nhỏ (ống dẫn). Ống dẫn nhỏ lại được kết nối với các ống lớn hơn từ ống gan chung. Các ống gan thông thường vận chuyển mật do các tế bào gan sản xuất đến túi mật và phần đầu tiên của ruột non (tá tràng) bằng ống dẫn mật chung.

Chức năng của gan

Gan điều chỉnh hầu hết nồng độ các chất hóa học trong máu và bài tiết ra một sản phẩm gọi là mật. Mật giúp mang đi các chất thải từ gan. Tất cả máu rời khỏi dạ dày và ruột đều được xử lý khi đi qua gan. Nó phá vỡ, cân bằng, và tạo ra các chất dinh dưỡng. Gan cũng chia thuốc thành các dạng dễ sử dụng hơn cho phần còn lại của cơ thể. Gan có tới hơn 500 chức năng quan trọng. Một số chức năng chính được biết đến của gan bao gồm:

  • Sản xuất mật, giúp mang đi chất thải và phân hủy chất béo ở ruột non trong quá trình tiêu hóa.Sản xuất một số protein nhất định cho huyết tương
  • Sản xuất cholesterol và protein đặc biệt giúp mang chất béo đi khắp cơ thể
  • Chuyển đổi glucose dư thừa thành glycogen để lưu trữ. (Glycogen này sau đó có thể được chuyển đổi thành glucose để tạo năng lượng).
  • Cân bằng và sản xuất glucose khi cần thiết.
  • Điều hòa nồng độ axit amin trong máu, tạo thành các khối protein
  • Sản xuất hemoglobin để phân phối lượng sắt mà gan dự trữ.
  • Chuyển đổi amoniac độc thành urê. (Urê là một trong những sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein, được bài tiết qua nước tiểu)
  • Làm sạch máu khỏi thuốc và các chất độc hại khác
  • Điều hòa quá trình đông máu
  • Chống nhiễm trùng bằng cách làm cho các yếu tố miễn dịch và lọc bỏ một số vi khuẩn từ máu
  • Giải phóng bilirubin, tránh hiện tượng tích lũy bilirubin gây ra vàng da và mắt.

Khi gan đã phân hủy các chất có hại, các sản phẩm phụ của chúng được bài tiết vào mật hoặc máu. Sản phẩm phụ của mật sẽ đi vào ruột và rời khỏi cơ thể dưới dạng phân. Sản phẩm phụ từ máu được thận lọc ra và rời khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu.

Bệnh có ảnh hưởng tới gan

Tuy có nhiều chức năng quan trọng như thế nhưng gan và chức năng gan lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi một số bệnh:

1. Viêm gan tự miễn

Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công chính nó và phá hủy các mô gan khỏe mạnh. Viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan và tổn thương gan khác.

2. Hẹp đường mật

Hẹp đường mật bẩm sinh là một bệnh lý của đường mật đặc trưng bởi sự chít hẹp một phần hoặc hoàn toàn tại một hay nhiều vị trí của hệ thống dẫn mật của gan. Đây Là một bệnh lý bắt đầu ở giai đoạn trẻ sơ sinh, tỷ lệ gặp thường thấp.. Ở những trẻ bị hẹp đường mật bẩm sinh, đường mật bị viêm và bị hẹp lại ngay sau khi sinh. Điều này khiến mật sản xuất ra bị tắc lại có thể làm phá hủy đường dẫn mật trong và ngoài gan, gây tắc mật tại gan và làm gan bị tổn thương. Nếu không phẫu thuật đường mật kịp thời, có thể gây biến chứng vô cùng nghiêm trọng là suy gan, khiến chức năng gan có thể bị hủy hoại hoàn toàn, thậm chí là tử vong trước 2 tuổi.

3. Xơ gan

Xơ gan là tình trạng mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Bệnh xảy ra khi sử dụng rượu quá mức trong thời gian dài, khi bị viêm gan mạn tính hoặc các rối loạn di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh Wilson.

4. Thừa sắt

Thừa sắt hay Hemochromatosis là một rối loạn gây ra bởi sự hấp thu quá nhiều sắt từ thực phẩm mà bạn tiêu thụ, dẫn đến tập trung quá nhiều sắt trong máu. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi cơ thể bạn không có các để loại bỏ lượng sắt dư thừa trong đó có bệnh xơ gan.

5. Viêm gan A

Viêm gan thường có liên quan tới việc nhiễm virus khiến gan bị viêm, mặc dù có những nguyên nhân khác có thể gây viêm gan. Các loại virus viêm gan có các chữ cái khác nhau, bao gồm A, B, C, D và E. Mỗi loại có một nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Viêm gan A phổ biến hơn ở các nước đang phát triển không có nước sạch và hệ thống vệ sinh kém. Hầu hết mọi người có thể phục hồi sau viêm gan A mà không bị suy gan hoặc biến chứng lâu dài.

6. Bệnh viêm gan B

Viêm gan B có thể gây nhiễm trùng ngắn hoặc dài hạn. Bạn càng trẻ khi bị nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm trùng lâu dài càng cao. Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy gan và ung thư.

7. Viêm gan C

Viêm gan C có thể là một bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính, tuy nhiên phần lớn các bệnh viêm gan C cấp tính sẽ chuyển thành mạn tính. Đường lây truyền phổ biến nhất là khi tiếp xúc với máu có chứa virus viêm gan C.

Tình trạng này có thể gây viêm, dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.

8. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Gan có chức năng gì và bảo vệ gan thế nào? 1

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu – là tình trạng bị viêm trong và xung quanh tế bào gan nhiễm mỡ. Nó có thể là giai đoạn tiến triển từ gan nhiễm mỡ nhẹ. Các triệu chứng có thể từ nhẹ tới nặng. Nó có thể dẫn tới xơ gan, là tình trạng gan không phục hồi được, có thể dẫn tới suy gan và ung thư gan nguyên phát.

Một số thực phẩm tốt cho gan

Để phòng tránh bị bệnh gan, ngoài việc thay đổi chế độ sinh hoạt và tiêm vắc xin, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng.

1. Cà phê

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Gan quốc tế cho rằng cà phê có thể tốt cho gan, đặc biệt là có tác dụng bảo vệ gan khỏi các bệnh như gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, việc uống cà phê hàng ngày có thể giúp giảm các bệnh gan mãn tính, đồng thời bảo vệ gan khỏi tình trạng tổn thương như ung thư gan.

2. Cháo bột yến mạch

Chất xơ trong cháo bột yến mạch rất có ích cho gan. Một nghiên cứu năm 2017 đăng trên Tạp chí Khoa học phân tử quốc tế cho rằng beta- glucan có trong yến mạch hoạt động rất tích cực trong cơ thể, giúp điều chế hệ miễn dịch và chống lại tình trạng viêm sưng. Nó cũng có tác dụng phòng chống bệnh tiểu đường và béo phì.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng beta- glucan trong yến mạch dường như có tác dụng giảm lượng mỡ lưu trữ trong gan của chuột, giúp bảo vệ gan.

3. Trà xanh

Gan có chức năng gì và bảo vệ gan thế nào? 2

Trà xanh có tác dụng giảm mỡ, giảm các dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Cần chú ý là trà xanh tốt hơn chiết xuất của nó, bởi một số chiết xuất có thể phá hủy gan nhiều hơn là chữa lành nó.

4. Tỏi

Tỏi có thể giúp tăng cường hoạt động của gan. Một nghiên cứu xuất hiện trên Tạp chí y sinh học cao cấp chỉ ra rằng việc ăn tỏi có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể và chất béo trong cơ thể những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu.

5. Quả mọng

Rất nhiều quả mọng màu sẫm như việt quất,nam việt quất… có chứa chất chống oxy hóa là polyphenols giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn quả mọng giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.

6. Nho

Giống quả mọng, nho , nước ép nhỏ và hạt nho rất giàu chất chống oxy hóa có thể giúp gan giảm bị viêm và giúp ngăn chặn tổn thương gan.

7. Rau xanh, trái cây

Một số loại trái cây, rau xanh như bơ, chuối, húng, súp lơ xanh, cà rốt…rất tốt cho gan.

8. Cá nhiều chất béo

Các loại cá nhiều chất béo như omega – 3 giúp giảm tình trạng viêm sung và giúp ngăn chặn hình thành mỡ thừa, duy trì nồng độ enzyme trong gan, rất tốt cho gan.

Bạn đang xem bài viết Gan có chức năng gì và bảo vệ gan thế nào? tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo