Báo Điện tử Gia đình Mới

Xoay cổ, bẻ khớp tay chân kêu ‘răng rắc’, thói quen cần bỏ ngay kẻo nguy hại khôn lường

Nhiều người có thói quen bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, vặn lưng, xoay cổ… tạo tiếng kêu “răng rắc”. Cứ tưởng làm thế cơ thể sẽ dễ chịu hơn, nhưng thực tế lại nguy hại khôn lường.

Một số người bẻ khớp ngón tay, ngón chân, vặn lưng, xoay cổ để giảm áp lực khi họ cảm thấy mỏi vai hay cổ, hoặc là một phản ứng với căng thẳng và mệt mỏi khi đứng hay ngồi lâu một tư thế. Nhưng ở một số khác, hành động đó chỉ đơn giản là thói quen. Việc bẻ các khớp tạo tiếng kêu như vậy có tốt cho sức khỏe?

Theo chia sẻ của ThS.BS Hoàng Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, hành động xoay cổ nhẹ nhàng và không thường xuyên sẽ không gây hại, nhưng làm không đúng, quá thường xuyên, hay quá mạnh có thể gây đau, không thoải mái là có hại.

Nắn bẻ các khớp có lợi ích gì?

Khi tập luyện với các động tác lặp đi lặp lại như gập tay, chân, văn hông, xoay khớp cổ, tay chân có thể sinh ra tiếng kêu. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, các động tác nắn bẻ cổ thực hiện bởi các bác sĩ hay các chuyên gia vật lý trị liệu có tác động tích cực về mặt tinh thần. Rất nhiều người tin rằng tiếng rắc ấy giúp giảm áp lực vùng cổ và nắn chỉnh các di lệch của cổ về đúng vị trí.

  Hành động tự nắn bẻ các khớp có thể gây hại cho cơ thể nếu làm quá thường xuyên và không đúng cách. Ảnh minh họa

Hành động tự nắn bẻ các khớp có thể gây hại cho cơ thể nếu làm quá thường xuyên và không đúng cách. Ảnh minh họa

Trong một số trường hợp, chỉ nghe tiếng rắc cũng đã có thể giúp người ta cảm thấy khỏe hơn, cho dù là trong thực tế nó không thể giúp giảm áp lực hay nắn chỉnh gì cả. Đây cũng lại là một tác dụng tinh thần, giống như ta thử một loại giả dược vậy.

Trong nắn chỉnh sai lệch ở cổ và tạo tiếng rắc, do những người chuyên chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương thực hiện, cũng có thể giúp tuyến yên phóng thích các endorphins là những chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.

  Việc xoay nắn các khớp, nhất là vùng cổ phải được làm nhẹ nhàng đúng cách để tránh xảy ra chấn thương. Ảnh minh họa

Việc xoay nắn các khớp, nhất là vùng cổ phải được làm nhẹ nhàng đúng cách để tránh xảy ra chấn thương. Ảnh minh họa

Nắn bẻ các khớp gây nguy hại gì cho sức khỏe?

Bác sĩ Hoàng Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, hành động tự nắn bẻ các khớp có thể gây hại cho cơ thể nếu làm quá thường xuyên và không đúng cách.

Nhất là khi xoay nắn khớp cổ, bởi cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não.

Xoay cổ quá mạnh và thường xuyên để tạo ra tiếng rắc có thể làm tổn thương đến mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến mạch máu não.

Hành động xoay bẻ cổ quá mạnh cũng có thể gây kẹt các rễ thần kinh, làm đau và khó cử động cổ. Ngoài ra cử động cổ quá mạnh còn gây căng cơ quanh cột sống cổ. Khi các cơ bị căng, cử động cổ sẽ trở nên khó khăn.

Khi vận động cổ thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng quá động của vùng này, tức là biên độ cử động của khớp sẽ lớn hơn bình thường. Các dây chằng bao khớp của bị giãn ra, khó hồi phục.

Điều này dẫn đến mất vững cột sống cổ, có nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ và chèn ép thần kinh đòi hỏi phải can thiệp điều trị làm vững cột sống cổ.

  Khi tiếng rắc ở cổ đi kèm với đau hay phù nề thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Khi tiếng rắc ở cổ đi kèm với đau hay phù nề thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ?

Những tiếng rắc ở cổ, các khớp xương có thể có tác động tốt đến cơ thể nếu chúng ta làm đúng cách và không quá lạm dụng.

Và cần đến gặp bác sĩ ngay khi có những bất thường khó chịu ở vùng cổ khi xoay vặn cổ như:

  • Khi tiếng rắc ở cổ xảy ra đơn độc thì thường là vô hại. Nhưng khi tiếng rắc đi kèm với đau hay phù nề thì đó là chỉ điểm cho một vấn đề gì đó về y khoa.
  • Khi làm thường xuyên những tiếng rắc ở cổ nhưng không còn cảm thấy thoải mái nữa hoặc thậm chí còn thấy khó chịu, đau nhức sau đó.
  • Khi cổ sưng nề, tấy đỏ, thậm chí là chấn thương làm hạn chế vận động.
  • Khi có những cơn đau mạn tính kéo dài ở vùng cổ, hay thậm chí là tê yếu hai tay hoặc tứ chi.
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO