Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ khuyến cáo cách phòng ngừa sốc nhiệt, đột quỵ cho người già ngày nắng nóng

Nắng nóng làm số lượng bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng gấp 3 lần. Có trường hợp đã tử vong vì người nhà đưa đến viện muộn

TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, những ngày bình thường, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiến hành tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 20 bệnh nhân.

Nhưng, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số ca cấp cứu tăng từ 2 – 3 lần, lên đến khoảng 50 – 60 trường hợp bệnh nhân/ngày.

Đặc biệt, mới đây có 2 trường hợp người cao tuổi tử vong. Thời điểm nhập viện, qua hình ảnh chụp chiếu cho thấy các bệnh nhân này đều bị xuất huyết não. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu nổi do người nhà đưa đến quá muộn.

Theo bác sĩ Thắng, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người cao tuổi. Nguyên nhân là do sức khỏe, khả năng miễn dịch của người cao tuổi giảm sút nên khó thích nghi với môi trường, điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

  Người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa

Người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa

Nắng nóng tác động đến người cao tuổi theo 2 cách là trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, sốc nhiệt là tác động trực tiếp lên người bệnh.

Những người cao tuổi làm việc hay sinh hoạt dưới trời nắng nóng, môi trường sống chật chội, không có các thiết bị làm mát, chống nóng thường hay bị sốc nhiệt.

Khi xảy ra sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, thường là trên 40 độ, dẫn đến mất nước, tổn thương các cơ quan như thần kinh, tạng, kết cục cuối cùng là suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Còn tác động gián tiếp đó là làm cho các căn bệnh mạn tính thường có trong người cao tuổi như đái tháo đường, tăng huyết áp… thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến đột quỵ.

Để phòng ngừa tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ trọng những ngày nắng nóng, bác sĩ Thắng khuyến cáo người cao tuổi như sau: Cần phải kiểm soát, theo dõi định kỳ sớm các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.

Khi đã kiểm soát tốt thì phải có các phương tiện phòng hộ như hạn chế lao động hay sinh hoạt dưới trời nắng; khi ra nắng phải che chắn, mặc quần áo sáng máu để tránh hấp thu nắng nóng, hạn chế phơi nhiễm trong thời gian kéo dài; sử dụng các thiết bị làm mát, tránh nóng trong những ngày hè nóng bức; chế độ ăn uống phải uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin...

Trong trường hợp bị sốc nhiệt khi đang lao động cần phải thực hiện theo các bước sau. Thứ nhất là xử lý tại chỗ là phải đưa người bị sốc nhiệt vào chỗ râm mát tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, thứ hai là nới lỏng quần áo để nhiệt độ thoát ra, thứ 3 là gọi người hỗ trợ đưa đi bệnh viện.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO