Báo Điện tử Gia đình Mới

Đi nhổ răng số 8, suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc tê

Sau khi nhổ răng số 8 được khoảng 30 phút, người đàn ông xuất hiện run giật toàn thân, da nổi vân tím, co giật, khó thở, thở nhanh…

Các bác sĩ của Bệnh viện ĐK Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) mới cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê khi đi nhổ răng số 8 tại một phòng khám.

Bác sĩ Phạm Văn Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện ĐK Thị xã Từ Sơn cho biết: “Bệnh nhân nam này 65 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp.

Khi đến phòng khám nhổ răng bệnh nhân đã được tiêm thuốc tê Lidocain. Sau khi nhổ răng số 8 xong, bệnh nhân xuất hiện run giật toàn thân và được đưa vào viện trong tình trạng kích thích, da nổi vân tím toàn thân, co giật toàn thân, khó thở, thở nhanh 30 lần/ phút.

  Người đàn ông suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc tê khi đi nhổ răng số 8. Ảnh bác sĩ cung cấp

Người đàn ông suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc tê khi đi nhổ răng số 8. Ảnh bác sĩ cung cấp

Ngoài ra, bệnh nhân còn có cảm giác đắng, chát ở lưỡi, huyết áp tăng cao 170/100 mmHg, mạch nhanh 112 lần/ phút”.

Ngay sau khi thăm khám, bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc Lipid 20% và 1 số thuốc khác. Sau khoảng 15 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã hết co giật, hết khó thở và huyết áp ổn định trở lại, da môi hồng hơn.

Bác sĩ Đức cho biết, ngộ độc thuốc tê là biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu không  được xử trí kịp thời sẽ tử vong.

Từ trước đến nay khi tiêm thuốc tê để nhổ răng, các nha sĩ đều nghĩ tới biến chứng là sốc phản vệ. Tuy nhiên theo y văn thì tỷ lệ dị ứng thuốc tê hầu như rất hiếm xảy ra. Chính vì ngộ nhận là sốc phản vệ thuốc tê có thể dẫn đến việc xử lý không đúng và có thể gây ra hậu quả nặng nề.

Mặc dù biến chứng ngộ độc thuốc tê ít xảy ra khi sử dụng liều thấp trong nha khoa nhưng lại có tỷ lệ hay gặp hơn vì thuốc tê hấp thu nhanh vào hệ tuần hoàn vì vùng lợi giàu mạch máu. Một số bệnh nhân lại có tính nhạy cảm với liều nên dù dùng liều thuốc tê nhỏ cũng có thể gây ngộ độc.

Tỉ lệ ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng thường rất ít gặp. Chính vì ít gặp nên các bác sĩ răng hàm mặt và một số bác sĩ chuyên ngành khác thường ít quan tâm và xử trí không đúng hướng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Thường chỉ có những bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ chuyên khoa cấp cứu mới hiểu rõ và xử trí kịp thời những ca ngộ độc thuốc tê.

Hơn nữa, hiện nay nhiều phòng khám răng lại để các kỹ thuật viên, điều dưỡng viên nhổ răng nên khi xảy ra tai biến ngộ độc thuốc tê không biết cách xử trí kịp thời.

Mà tại các phòng khám lại không có phương tiện cấp cứu, nên khi sự cố xảy ra bệnh nhân dễ gặp nguy hiểm.

Chính vì vậy, bác sĩ Đức khuyến cáo, người dân nên chọn lựa các phòng khám răng uy tín, có đủ phương tiện cấp cứu, có thuốc giải độc khi cần thiết để làm các thủ thuật nhằm bảo vệ chính bản thân mình.

Các phòng khám răng cần huấn luyện kiến thức về ngộ độc thuốc tê và trang bị phương pháp cấp cứu, đặc biệt là thuốc điều trị đặc hiệu là Lipid.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO