Nghĩ ăn càng nhiều càng tốt, cha mẹ ép con ăn rau mà không biết đang hại con

Bình luận

Chỉ vì muốn bổ sung cho con nhiều vitamin và chất xơ nên nhiều cha mẹ tăng cường rau củ quả trong khẩu phần ăn của con. Một chế độ ăn nhiều rau có thực sự tốt cho sức khỏe trẻ?

  Chế độ ăn quá nhiều rau không tốt cho sức khỏe của trẻ, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, thiết vi chất. Ảnh minh họa

Chế độ ăn quá nhiều rau không tốt cho sức khỏe của trẻ, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, thiết vi chất. Ảnh minh họa

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rau củ quả rất tốt đối với sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ, nó giúp bổ sung vitamin và chất xơ, những vi chất thường ít có trong thịt, cá.

Tuy nhiên, không phải vì thấy rau củ quả tốt mà cha mẹ ép con ăn nhiều, thay thế các thực phẩm khác bằng rau củ quả.

Với người lớn, nhất là những người cao tuổi, hạn chế ăn thịt, hạn chế tinh bột, ăn nhiều rau củ quả sẽ rất tốt, nhưng với trẻ nhỏ, ăn quá nhiều rau củ quả, ăn ít thịt, ít tinh bột lại không tốt.

Cha mẹ phải biết rằng, trẻ nhỏ cần có đủ các chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện, việc kiêng khem một loại thực phẩm nào đó hoặc ăn nhiều thái quá một loại thực phẩm nào đó đều không tốt cho sự phát triển của trẻ, trẻ sẽ bị còi cọc, thiếu vi chất, ảnh hưởng sự phát triển của thể chất, trí tuệ.

“Tôi đã từng gặp rất nhiều cha mẹ gặp sai lầm trong việc bổ sung rau củ quả cho con. Chỉ vì cha mẹ nghĩ con ăn nhiều rau củ quả sẽ tốt, không bị táo bón, bổ sung vi chất giúp tăng cường sức đề kháng, vậy nên, bữa ăn của con được tăng thêm rau xanh, củ, quả…

Trong khi đó dạ dày của trẻ có hạn nên chỉ ăn được một lượng thực phẩm nhất định, nếu mẹ tăng cường lượng rau, củ, quả trong khẩu phần ăn của trẻ đồng nghĩa với việc khẩu phần ăn của trẻ giảm thịt, cá, tinh bột, tức là chỉ đủ về số lượng mà không đủ chất lượng.

Hậu quả là sau một thời gian dài thay đổi chế độ dinh dưỡng như vậy đã khiến trẻ bị thiếu vi chất, suy dinh dưỡng và phải vào viện thăm khám, điều trị.

Nhiều cha mẹ còn nói với tôi rằng, thấy các loại nấm, đậu cũng giàu đạm nên thay vì cho con ăn thịt, cá thì sẽ cho con ăn nấm, ăn đậu, với suy nghĩ bổ sung đạm thực vật sẽ tốt hơn đạm động vật.

Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm, bởi cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên cần được bổ sung đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm để tăng trưởng và phát triển trí não.

Cho trẻ ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ khiến trẻ bị thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B12, A, D, sắt, calci, kẽm và riboflavin…” – PGS Lê Bạch Mai chia sẻ.

  Trẻ ăn nhiều rau củ chứa chất xơ cứng vẫn sẽ gặp phải tình trạng táo bón, thiếu vi chất. Ảnh minh họa

Trẻ ăn nhiều rau củ chứa chất xơ cứng vẫn sẽ gặp phải tình trạng táo bón, thiếu vi chất. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cho trẻ ăn quá nhiều rau, củ, quả, nhất là những loại rau có chứa chất xơ cứng sẽ khiến trẻ khó đi đại tiên do khối phân lớn và rất cứng. Đó là lý do mà nhiều mẹ vẫn than phiền cho con ăn nhiều rau mà con vẫn bị táo bón.

Trẻ ăn quá nhiều rau không thực sự tốt cho sức khỏe của trẻ vì gây quá tải đường tiêu hóa làm cho trẻ khó hấp thu được thức ăn, đi đại tiện nhiều và còn "quét" theo các chất dinh dưỡng, dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Để giúp con phát triển toàn diện cha mẹ cần chú ý cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm, đủ số lượng và chất lượng. Dưới đây là hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia giúp cha mẹ biết cách chế biến thức ăn cho con theo từng lứa tuổi.

Nấu bột cho trẻ 6 tháng tuổi: Bột gạo 2thìa cà phê (10g bột) + Lòng đỏ trứng gà : 1/2 quả hoặc thay thế bằng 2 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ, ăn cả cái) + 10g rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ), cho rau khi bột đã chín, đun sôi bắc ra ngay + dầu ăn hoặc mỡ  (1/2- 1 thìa cà phê).

Nấu bột cho trẻ 7 – 12 tháng tuổi: Bột gạo 4 - 5 thìa cà phê (20 - 25g bột) + Lòng đỏ trứng gà, 1 quả hoặc thay thế bằng 3 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ, ăn cả cái) + 20g rau xanh (2 thìa cà phê bột rau băm nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi bắc ra ngay + Dầu ăn hoặc mỡ (1 - 2 thìa cà phê).

Nấu cháo cho trẻ 13 - 24 tháng: Có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ..., mẹ tùy ý kết hợp, thay đổi thực phẩm nấu kèm để con không bị ngán. Thêm rau xanh, củ quả băm nhỏ và dầu mỡ như nấu bột nhưng số lượng nhiều hơn.

Nấu cơm nát cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi: Nấu cơm nhiều nước hơn bình thường rồi nấu canh thịt, cá, tôm, cua trộn với cơm cho trẻ ăn, không nên chỉ cho trẻ ăn nước rau luộc trộn cơm. 

Cũng có thể nấu kiểu cơm nát thập cẩm bằng cách, dùng các loại bí đỏ, su hào, khoai tây... cắt nhỏ 2 x 3 cm, đun chín nhừ, nghiền nát, cho gạo vào nước rau củ để nấu cơm. Thịt, cá băm nhỏ, mỗi bữa 30 - 40g cho vào hấp khi cơm đã chín. Nếu dùng thịt nạc, cá, tôm... thì phải cho thêm 1 - 2 thìa dầu mỡ, trộn đều.

Trẻ trên 36 tháng: Có thể ăn cơm như người lớn nhưng cần ưu tiên thức ăn và ăn thêm các bữa phụ.

Cha mẹ nên nhớ rằng, trẻ cần nhiều loại thức ăn khác nhau, ăn được nhiều thì trẻ sẽ mau lớn và cứng cáp dù đó là thức ăn lỏng và mềm.

Cần theo dõi cân nặng của trẻ, nếu trẻ lên cân đều đặn tức là được nuôi dưỡng tốt. Không lên cân, hoặc tụt cân, tức là có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng, khi đó cần đưa trẻ đi thăm khám để tìm nguyên nhân trẻ không nên cân, tụt cân… và có biện pháp xử trí kịp thời.

Bạn đang xem bài viết Nghĩ ăn càng nhiều càng tốt, cha mẹ ép con ăn rau mà không biết đang hại con tại chuyên mục Ăn dặm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình