Báo Điện tử Gia đình Mới

Vitamin C có tác dụng gì với sức khỏe? Những mặt lợi và hại khi sử dụng Vitamin C

Trong mùa dịch COVID-19, nhiều người chỉ cho nhau cách sử dụng vitamin C để tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Vậy việc sử dụng vitamin C lợi và hại thế nào với sức khỏe?

Vitamin C có tác dụng gì với sức khỏe?

Theo tư vấn của dược sĩ La Dương Mỹ Duyên, Khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115: Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu đóng nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể. Đặc biệt, vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do, bảo vệ các mô của cơ thể.

Vitamin C được tìm thấy trong rất nhiều loại rau, củ và quả như cam, dâu, ớt chuông, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina... Thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin C đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, giúp ổn định huyết áp

Do vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể bằng cách bảo vệ tế bào khỏi các phân tử có hại gọi là gốc tự do. Do đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch.

Vitamin C giúp làm giảm cholesterol LDL (có hại), triglyceride, giúp tăng cholesterol HDL (có lợi) và ổn định huyết áp. Vitamin C có thể giúp giảm huyết áp ở cả người khỏe mạnh và người bị cao huyết áp.

  Thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ổn định huyết áp. Ảnh minh họa

Thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ổn định huyết áp. Ảnh minh họa

  • Giúp giảm nồng độ acid uric trong máu và giúp ngăn ngừa các cơn đau do gout

Với những người mắc bệnh gout, sư gia tăng các tinh thể acid uric trong khớp (do rượu, chế độ ăn nhiều hải sản, thịt đỏ...) sẽ dẫn đến các cơn đau khớp, sưng, viêm khớp. Chế độ ăn chứa nhiều thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp làm giảm acid uric trong máu, giảm các cơn đau do gout và làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

  • Ngăn ngừa thiếu sắt

Sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Bổ sung 100 mg vitamin C mỗi ngày có thể cải thiện khả năng hấp thụ sắt lên đến 67%.

Bên cạnh đó, vitamin C còn hỗ trợ chuyển đổi Fe3+ dạng hấp thụ kém thành Fe2+ một dạng dễ hấp thụ hơn, giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ việc ăn uống, chẳng hạn như sắt từ các nguồn thực vật và đặc biệt hữu ích cho những người kiêng ăn thịt vì thịt là nguồn cung cấp chất sắt chính. Ngoài ra, vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở người dễ bị thiếu sắt. 

  • Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể

Vitamin C có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường hệ thống phòng thủ của làn da và giúp vết thương mau lành.

Vitamin C còn thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại bởi các phân tử có khả năng gây hại như các gốc tự do.

  Bổ sung lượng lớn vitamin C có thể dẫn đến các tác dụng phụ trên tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy... Ảnh minh họa

Bổ sung lượng lớn vitamin C có thể dẫn đến các tác dụng phụ trên tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy... Ảnh minh họa

Lạm dụng vitamin C gây hại thế nào?

Việc sử dụng quá nhiều vitamin C cũng có thể trở thành một tác hại đối với sức khỏe. Những tác dụng phụ không đến từ các thực phẩm có chứa vitamin C mà đến từ việc bổ sung vitamin C ở dạng chất bổ sung như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vitamin C, vitamin C tổng hợp...

Bổ sung lượng vitamin C liều cao 1g hàng ngày hoặc lớn hơn có thể dẫn đến các tác dụng phụ trên tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy...

Hơn nữa, sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung vitamin C có thể làm tăng lượng oxalate trong thận, có khả năng dẫn đến sỏi thận.

  Sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung vitamin C có thể dẫn đến bị sỏi thận. Ảnh minh họa

Sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung vitamin C có thể dẫn đến bị sỏi thận. Ảnh minh họa

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, khi lao động nặng, cần cho chống oxy hóa, nhu cầu cung cấp Vitamin C sẽ tăng lên đáng kể. Lý do là sự nhiễm trùng nhanh chóng làm suy giảm lượng dự trữ vitamin C trong các bạch cầu, nhất là Lymphocyte khiến tình trạng thiếu hụt vitamin C chắc chắn xảy ra nếu không được bổ sung thường xuyên.

Tuy nhiên, mọi người cũng không nên bổ sung quá mức giới hạn cho phép của các nhóm tuổi để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. 

Khi một người dùng nhiều hơn giới hạn vitamin C mà cơ thể cần thiết có thể bị rối loạn tiêu hóa nhẹ do lượng vitamin C mà cơ thể không hấp thụ gây kích thích đường tiêu hóa. Tác dụng phụ nhẹ phổ biến của quá nhiều vitamin C bao gồm: Tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày, khó chịu ở bụng, đầy hơi…

Để có đủ lượng Vitamin C cần thiết cho cơ thể, trong chế độ ăn hàng ngày cần ăn đa dạng những thực phẩm giàu Vitamin C: quả chín từ 200 - 300g/ngày; rau xanh: 100 - 400g/ngày, tùy theo lứa tuổi.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO