Bơm cà phê vào đại tràng để... thải độc sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào?

Bình luận

Phương pháp bơm cà phê vào đại tràng để làm sạch, thải độc đại tràng, lấy đi các chất độc tố trong cơ thể được nhiều người chia sẻ với mong muốn loại bỏ các chất độc khỏi cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.

  Phương pháp thải độc đại tràng bằng cà phê được chia sẻ trên mạng

Phương pháp thải độc đại tràng bằng cà phê được chia sẻ trên mạng

Thụt rửa, thải độc đại tràng bằng cà phê – Trào lưu quái đản trên mạng

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ với nhau phương pháp thải độc đại tràng bằng cách bơm cà phê vào hậu môn và cho rằng cách làm này không chỉ “dọn” sạch đại tràng mà còn lấy đi cả chất độc bám vào gan.

Theo như những lời quảng cáo có cánh trên mạng, việc bơm cà phê vào đại tràng để thải độc đem lại nhiều lợi ích như:

- Làm sạch đại tràng, cải thiện nhu động ruột

- Tống khứ kí sinh trùng sống trong đại tràng

- Thanh lọc và cải thiện chức năng gan

- Kích thích sản xuất glutathione S-transferase (có tính thanh lọc toàn diện) trong gan lên tới 700%.

- Tăng cường năng lượng: Thông thường, độc tố sẽ làm “tắc nghẽn” dòng máu, đồng thời làm giảm sự di chuyển của oxy. Coffee enema sẽ cải thiện những vấn đề này, cải thiện lưu thông máu và oxy, khiến cơ thể tràn đầy năng lượng.

- Cải thiện tiêu hóa: Làm enema thường xuyên cũng là một cách chữa các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu,… các hại khuẩn cũng bị tống khứ, hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

- Tinh thần minh mẫn hơn: Khi độc tố được đẩy ra khỏi cơ thể, lưu thông máu được cải thiện, oxy lên não nhiều hơn, thư giãn hơn

- Không bị hiệu ứng “die off”: khi bạn thanh lọc cơ thể bằng thảo dược/tắm xông hơi/tắm, cơ thể và gan có thể bị thấm ngược lại một phần độc tố. Tuy nhiên, bạn sẽ không gặp phải tình trạng này khi làm enema coffee.

- Giảm đau nửa đầu/đau đầu

- Thanh lọc dòng máu: Enzyme glutiothione-S-transferase có khả năng thanh lọc toàn diện dòng máu, đưa độc tố ra ngoài theo quá trình enema.

- Làm sạch đại tràng toàn diện: Cà phê sẽ thấm vào thành đại tràng, đẩy theo các cặn bã bám chặt trong đại tràng ra ngoài, kích thích nhu động ruột hoạt động, thanh lọc độc tố…

Với lý luận rằng đường ruột là một nơi rất bẩn, tích tụ cặn bã, các chất độc hại và vì bẩn nên sinh bệnh nên rửa sạch ruột là giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, đem lại 1001 lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm bệnh tật, phòng ngừa ung thư… đã làm nhiều người tin sái cổ và làm theo mà không biết rằng, việc lạm dụng, tự ý thụt rửa, thải độc đại tràng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

  Thải độc đại tràng bằng bơm thụt cà phê có thể làm rối loạn tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe

Thải độc đại tràng bằng bơm thụt cà phê có thể làm rối loạn tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe

Thụt rửa, thải độc đại tràng bằng cà phê gây hại thế nào?

TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó chủ tịch Hội hậu môn trực tràng học Việt Nam cho biết, cơ thể con người là một bộ máy hoàn chỉnh, có khả năng tự đào thải các chất độc, cặn bã qua các bộ phận như gan, thận…

Vậy nên việc thụt rửa đường ruột để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể là không cần thiết, thậm chí lạm dụng thụt rửa đại tràng còn gây hại cho cơ thể.

Cách thải độc cho cơ thể tốt nhất là hình thành thói quen ăn uống khoa học, ăn sạch, uống sạch, bảo vệ gan, thận để chúng hoạt động hiệu quả.

Nói về phương pháp bơm cà phê vào đại tràng để làm sạch đại tràng, thải độc cho cơ thể, bác sĩ Cường khẳng định: “Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính danh nào nói về phương pháp bơm cà phê vào đại tràng giúp thải độc đại tràng, phòng ngừa bệnh tật.

Những thông tin về thải độc đại tràng chia sẻ trên mạng xã hội đều không có cơ sở khoa học, nếu chẳng may có người làm theo có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Bởi, việc bơm cà phê vào đại tràng (ruột già) sẽ làm thay đổi sinh lý của cơ thể và làm ảnh hưởng đến chức năng của đại tràng”.

Hơn nữa, việc tự tháo thụt, sục rửa đại tràng sẽ gây mất nước cho cơ thể, mất cân bằng điện giải… làm người thực hiện thải độc đại tràng bị đau bụng, nhói bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…

  TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó chủ tịch Hội hậu môn trực tràng học Việt Nam

TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó chủ tịch Hội hậu môn trực tràng học Việt Nam

Nguy hiểm hơn là với những người đang bị mắc các bệnh đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng, viêm ruột, ruột kích thích; hoặc người mắc bệnh thận, tim mạch… mà lạm dụng việc tháo thụt, sục rửa, thải độc đại tràng có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, nhiễm trùng đường ruột, mất cân bằng điện giải, gặp các vấn đề về tim mạch, gan, thận...

Điều đáng nói là, phương pháp bơm thụt cà phê vào đại tràng không giúp tăng cường sức khỏe, không loại bỏ độc tố mà lại loại bỏ các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

Vì theo mô tả của những người thực hiện thải độc đại tràng thì bản chất của thải độc đại tràng là ép buộc tống hết mọi thứ trong đường ruột ra ngoài, đồng nghĩa với việc tống hết các vi khuẩn có lợi ra ngoài, phá vỡ thế cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột, từ đó làm tăng nguy cơ gây rối loạn đường tiêu hóa.

Và hơn hết, việc bơm cà phê vào đại tràng là bơm, thụt ngược dung dịch từ bên ngoài vào trong đại tràng, nó sẽ đi ngược lên, làm thay đổi chức năng sinh lý của cơ thể.

Làm như vậy sẽ gây tăng tình trạng nhiễm trùng đường ruột do chúng ta bơm các vi khuẩn ngoại lai vào trong đường ruột và như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng, bác sĩ Cường khuyến cáo, không nên lạm dụng và tự ý tháo thụt, sục rửa đại tràng, chỉ nên thụt rửa ruột, đại tràng khi thật cần thiết và có yêu cầu của bác sĩ.

Việc thụt rửa đại tràng thường được dùng trong trường hợp điều trị bệnh lý; trước khi làm nội soi, phẫu thuật hoặc người bị táo bón làm tháo thụt tức thời, sau đó phải tìm nguyên nhân táo bón để điều trị.

Và có hai biện pháp làm sạch ruột, một là sử dụng thuốc, các dung dịch thụt tháo hay uống các loại trà thảo dược có tác dụng làm sạch đường ruột, theo khuyến cáo của bác sĩ; hai là thụt rửa, được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn, người ta thực hiện phương pháp này bằng cách bơm một lượng nước và dung dịch vào đại tràng thông qua một chiếc ống nối với trực tràng.

Bạn đang xem bài viết Bơm cà phê vào đại tràng để... thải độc sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào? tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình